Giải ngân cao nhất trong nhiều năm
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, ước thanh toán từ đầu năm đến ngày 30/9/2023 là 363.310,571 tỷ đồng, đạt 51,38% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, cao hơn cùng kỳ năm 2022 (46,7%), về số tuyệt đối cao hơn gần 110 nghìn tỷ đồng so với số vốn kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước đã giải ngân trong 9 tháng đầu năm 2022.
Trong đó: vốn trong nước là 355.374,7 tỷ đồng (đạt 52,33% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao), vốn nước ngoài là 7.935,9 tỷ đồng (đạt 28,37% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao). Số vốn giải ngân từ nguồn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội là 49.470,216 tỷ đồng, đạt 38,4% kế hoạch Thủ tướng giao.
Tính riêng trong tháng 9, số vốn kế hoạch đầu tư công năm 2023 giải ngân là 62.968 tỷ đồng, trung bình 9 tháng đầu năm, số vốn đầu tư công giải ngân trong tháng đạt trên 40 nghìn tỷ đồng/ tháng.
Tính theo tỷ lệ giải ngân, có 8 bộ, cơ quan trung ương và 27 địa phương có tỷ lệ giải ngân cao, đạt trên 55% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Một số bộ, cơ quan trung ương, địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt cao gồm: Ngân hàng phát triển Việt Nam (100%), Hội Nhà báo Việt Nam (100%); Hội nhà văn Việt Nam (81,6%); Hội Luật gia Việt Nam (69%); Ban quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh (68,1%), Long An (93,85%); Bình Dương (91,28%); Đồng Tháp (84,06%); Tiền Giang (83,49%); Bà Rịa – Vũng Tàu (81,52%); Hải Phòng (81,02%).Tuy nhiên, vẫn còn 42 bộ, cơ quan Trung ương và 26 địa phương giải ngân dưới mức trung bình của cả nước (51,38% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao)13.
Tính theo giá trị giải ngân tuyệt đối, Bộ Giao thông vận tải (55.917,229 tỷ đồng), Thành phố Hà Nội (25.251,634 tỷ đồng), Thành phố Hồ Chí Minh (21.987,257 tỷ đồng), Bộ Quốc phòng (13.396,6 tỷ đồng), Bình Dương (11.120 tỷ đồng), Thành phố Hải Phòng (10.859.265 tỷ đồng), Bà Rịa Vũng Tàu (8.798,176 tỷ đồng), Long An (8.269,536 tỷ đồng) là những Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương có giá trị giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2023 cao nhất cả nước.
Tính theo phân cấp đầu tư, tỷ lệ giải ngân kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2023 của các địa phương cao hơn các Bộ, cơ quan Trung ương, trong đó nổi bật là các tỉnh ở Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công cao như Long An, Bình Dương, Đồng Tháp, Tiền Giang, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu, Tây Ninh...; Đồng bằng sông Hồng có Thành phố Hải Phòng, Thái Bình, Vĩnh Phúc...
Giải ngân cao hơn 110 nghìn tỷ đồng là con số rất lớn
Một trong những giải pháp để đẩy nhanh đầu tư công, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, là thực hiện điều chỉnh vốn giữa các nhiệm vụ, dự án của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội với các nhiệm vụ, dự án thuộc Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 theo quy định tại Nghị quyết số 93/2023/QH15 của Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, bảo đảm thực hiện hết toàn bộ số vốn của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2023.
Ngoài ra, tiếp tục nghiên cứu các giải pháp tách công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, nghiên cứu xem xét, đề xuất theo đúng quy định của pháp luật về việc cho phép thực hiện trước một số hoạt động nhằm ghi nhận hiện trạng đất (đo đạc, kiểm đếm, xác minh nguồn gốc) ngay khi dự án đã có trong kế hoạch sử dụng đất hàng năm được cấp có thẩm quyền phê duyệt nhằm đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện công tác giải phóng mặt bằng.
Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương cho rằng: 9 tháng giải ngân được 51,38%. Đối với đầu tư công 9 tháng, chưa năm nào vượt qua 50% cả. Năm nay đã vượt qua, đây là điều rất vui.
"Năm 2023 không giống các năm khác là năm nay dư liệu vốn cực nhiều mà chúng ta đạt tỉ lệ cao như vậy, đó là điều rất tốt. Số tiền tuyệt đối mà chúng ta giải ngân cao hơn năm ngoái là hơn 110 nghìn tỷ đồng, đây là con số rất lớn. Vì thế, rất mong rằng báo chí khi phản ánh về đầu tư công, cần cân nhắc khi nói rằng "giải ngân thấp" vì thực tế như tôi vừa thông tin không hề thấp", ông Trần Quốc Phương chia sẻ.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu từ nay đến cuối năm đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, thực hiện quyết liệt Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, 3 Chương trình mục tiêu Quốc gia. Tập trung vốn, đẩy nhanh tiến độ các công trình hạ tầng trọng điểm, quan trọng quốc gia, sớm hoàn thành đưa vào sử dụng; kiên quyết không để tình trạng dàn trải, kém hiệu quả.
"Xác định rõ đây là một động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng trong ngắn hạn; đồng thời góp phần tạo ra hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại để tăng năng lực của nền kinh tế, thu hút đầu tư tư nhân, FDI cho phát triển bền vững", Thủ tướng lưu ý.