Lĩnh vực văn hoá phải được đặt ra toàn diện 

Sau Hội nghị Văn hoá toàn quốc năm 2021, các hoạt động kỷ niệm 80 năm Đề cương về văn hoá Việt Nam, nhận thức về vị trí, vai trò của văn hoá đối với sự phát triển bền vững đất nước đã được nâng lên và lan toả trong xã hội. Khung khổ pháp lý cho hoạt động văn hoá, thể thao và du lịch được rà soát tổng thể, từng bước hoàn thiện. Nguồn lực đầu tư cho văn hoá từng bước được quan tâm theo hướng chăm lo cho văn hoá, đầu tư cho văn hoá là đầu tư cho sự phát triển bền vững, có tính chất lâu dài.

Chính phủ cũng đang khẩn trương hoàn thiện chương trình mục tiêu về chấn hưng văn hoá, con người Việt Nam với sự ủng hộ, đồng thuận của đông đảo đảng viên, quần chúng nhân dân.

Ảnh minh hoạ

Tại buổi làm việc với Ban Cán sự Đảng Bộ VHTT&DL về kết quả công tác nửa nhiệm kỳ triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng trong lĩnh vực văn hoá, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, đánh giá nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII trong lĩnh vực văn hoá phải được đặt ra toàn diện đối với cả hệ thống chính trị, từ Trung ương cho tới địa phương.

Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo Bộ VHTT&DL, các bộ ngành, địa phương tiếp tục bám sát tinh thần, nội dung Nghị quyết 33/NQ-TW khoá XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, Kết luận 76-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW; đồng thời tiến hành sơ kết, đánh giá việc triển khai, thực hiện các quan điểm, mục tiêu, giải pháp về văn hoá đã được nêu trong Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII; cập nhật tình hình, bối cảnh cũng như những vấn đề mới đặt ra nhằm đề xuất các giải pháp sát với thực tiễn nhằm giải quyết các tồn tại, hạn chế trong công tác văn hoá.

Cụ thể, Chính phủ đang chỉ đạo Bộ VHTT&DL tích cực phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan của Quốc hội, các chuyên gia, nhà nghiên cứu, văn nghệ sĩ… khẩn trương hoàn thiện Chương trình mục tiêu về chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam nhằm cụ thể hoá một số nhiệm vụ, giải pháp hết sức quan trọng, cần thiết đã được nêu trong Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII.

Trong đó có những việc làm thường xuyên để tăng cường công tác chỉ đạo, lãnh đạo, điều hành thông qua thể chế hoá chủ trương, chính sách trong các luật về quản lý văn hoá, luật chuyên ngành, đặc thù đối với hoạt động văn hoá nghệ thuật… Đồng thời, phân loại, xác định những nhiệm vụ ưu tiên, cấp bách trong gìn giữ, bảo tồn, phục dựng các di sản vật thể, phi vật thể; đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, nhất là đội ngũ nghiên cứu lý luận, phê bình văn hoá nghệ thuật; nâng cao hiểu biết, khả năng cảm thụ văn hoá, nghệ thuật cho thế hệ trẻ; quan tâm đến những người đang thực hành văn hoá truyền thống để giữ gìn bản sắc văn hoá truyền thống; phát triển văn hóa trở thành ngành công nghiệp đóng góp thực chất cho nền kinh tế; xây dựng hệ giá trị văn hoá con người Việt Nam, văn hoá trong Đảng, môi trường văn hoá trong gia đình, nhà trường, công sở,…

Chương trình mục tiêu về chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam nhằm nhìn nhận toàn diện, đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp đột phá, giải quyết những vấn đề ưu tiên nhất của văn hoá, từ đó tạo ra nhận thức, môi trường pháp lý đầy đủ, cách thức quản lý mới để tiếp tục phát huy giá trị văn hoá, con người Việt Nam trong xây dựng và phát triển đất nước.

"Văn hoá đã soi đường cho quốc dân đi trong giai đoạn kháng chiến chống thực dân, đế quốc và một lần nữa sứ mệnh đó lại được đặt ra cho văn hoá trước những những thời cơ, thách thức rất lớn từ xu thế chuyển đổi số, chuyển đổi xanh trên thế giới, nhận thức về văn minh sinh thái", Phó Thủ tướng nói.

Vấn đề văn hoá luôn gắn kết, hoà quyện nhuần nhuyễn trong các văn kiện của Đảng

Kết luận hội nghị, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nêu rõ, vấn đề văn hoá, con người luôn gắn kết chặt chẽ, hoà quyện nhuần nhuyễn trong các văn kiện của Đảng.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các nghị quyết của Trung ương, thời gian qua, nhiều hội nghị, hội thảo đã được triển khai nhằm đề xuất, xây dựng các hệ giá trị văn hoá, chính sách, nguồn lực đầu tư cho văn hoá, thực hiện tổng kết nội dung văn hoá, xã hội và con người sau 40 năm đổi mới.

Qua nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, Bộ VHTT&DL đã đạt được một số kết quả quan trọng, nổi bật trong quán triệt, tuyên truyền nội dung của Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII về văn hoá, con người; từng bước chuyển tư duy từ làm văn hoá sang nâng tầm trong phối hợp tham mưu, quản lý văn hoá; từng bước hoàn thiện, bổ sung các văn bản pháp luật, cơ chế chính sách về văn hoá; góp phần quan trọng vào chương trình phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội sau đại dịch COVID-19.

Ngành văn hoá tiếp tục đổi mới trong công tác quản lý nhà nước, đạt được nhiều kết quả toàn diện trong bảo vệ, phát huy di sản văn hoá; xây dựng văn hoá gia đình; phát triển du lịch; phát động các phong trào thể dục, thể thao; hội nhập quốc tế, quảng bá giá trị văn hoá, con người Việt Nam đến bạn bè thế giới; đào tạo đội ngũ người làm văn hoá;…

Hồng Sơn