Tờ Bưu điện Washington dẫn lời bà Kim Yo Jong, quan chức Triều Tiên đồng thời là em gái ông Kim Jong Un cho biết hôm nay (25/3). Theo bà Yo Jong, nhà lãnh đạo Nhật Bản đã dùng một kênh không xác định để truyền đạt quan điểm của mình. 

Theo bà Yo Jong, liệu quan hệ giữa Triều Tiên và Nhật Bản có cải thiện được không là phụ thuộc vào Tokyo. Bà Yo Jong nói, nếu ông Kishida tiếp tục muốn đề cập tới những cáo buộc Triều Tiên bắt cóc công dân Nhật thì sẽ không thể tránh khỏi những cáo buộc rằng ông chỉ theo đuổi các cuộc đàm phán để nâng cao sự nổi tiếng của mình. 

Tháng trước, người em gái quyền lực của ông Kim Jong Un cho biết, Thủ tướng Nhật có thể tới thăm Triều Tiên nếu không đề cập tới những cáo buộc bắt cóc trong quá khứ. 

Theo Japan Times, năm 2002, ông Junichiro Koizumi trở thành Thủ tướng Nhật đầu tiên có chuyến thăm Bình Nhưỡng, dẫn tới việc 5 người Nhật bị bắt cóc được hồi hương. Năm 2004, ông Koizumi lại tới thăm Triều Tiên. 

Nhật Bản và Triều Tiên không có quan hệ ngoại giao nhưng ông Koizumi đã ký một tuyên bố lịch sử với cố lãnh đạo Kim Jong Il, bố của ông Kim Jong Un vào ngày 17/9/2002. Theo Tuyên bố Bình Nhưỡng, hai nước đồng ý thực hiện mọi nỗ lực để có thể sớm bình thường hóa quan hệ và Nhật Bản cam kết mở rộng hợp tác kinh tế với Triều Tiên một khi quan hệ giữa hai nước được bình thường hóa. 

Ông Koizumi cũng nhận được lời xin lỗi chính thức đầu tiên của Triều Tiên về các vụ bắt cóc công dân Nhật Bản trong quá khứ. Tokyo đang tìm kiếm sự trao trả của 12 người khác mà họ chính thức công nhận là đã bị Bình Nhưỡng bắt cóc.

Vào tháng 5/2023, Thủ tướng Kishida Fumio bất ngờ đưa ra cam kết thiết lập các cuộc đàm phán cấp cao giữa Nhật Bản và Triều Tiên để mở đường cho một hội nghị thượng đỉnh sớm với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un, mặc dù ông chưa nói rõ về hình thức đàm phán chính thức mà ông dự kiến.