Ngày 10/7, Bộ Tư pháp tổ chức hội nghị sơ kết công tác tư pháp 6 tháng đầu năm 2024 bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với 63 điểm cầu.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long dự và chỉ đạo hội nghị. Tham dự hội nghị còn có 2 Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc, Trần Tiến Dũng và đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành, cơ quan của Quốc hội và địa phương...
Theo báo cáo của Bộ Tư pháp, kết quả thi hành án dân sự (THADS) trong 9 tháng (gồm các tháng cuối 2023 và đầu năm 2024), toàn hệ thống THADS đã thi hành xong 403.769 việc, tăng 21.711 việc (tăng 5,68% so với cùng kỳ năm 2023); đạt tỷ lệ 65,24%.
Một số địa phương đạt kết quả cao về việc THADS như: Lai Châu, Lào Cai, Điện Biên, Bắc Kạn, Tuyên Quang...
Về tiền, đã thi hành xong hơn 73.015 tỷ đồng, tăng hơn 2.736 tỷ đồng (tăng 3,89% so với cùng kỳ năm 2023), đạt tỷ lệ 27,60%. Một số địa phương đạt tỷ lệ cao về tiền như: Cao Bằng, Quảng Ngãi, Đắk Nông...
Riêng về thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế, tổng số phải thi hành 6.396 việc với số tiền trên 95.041 tỷ đồng; trong đó, 4.779 việc có điều kiện thi hành với số tiền trên 51.044 tỷ đồng. Hiện nay đã thi hành xong 2.117 việc với số tiền trên 11.387 tỷ đồng.
Kết quả thi hành các vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo như sau:
Về việc, đã thi hành xong 45/153 việc, 7 vụ việc đã xử lý xong hết tài sản, đã xác minh và phân loại chưa có điều kiện thi hành án; đang tiếp tục tổ chức thi hành 85 vụ việc và 16 vụ việc cơ quan THADS chưa thụ lý do Tòa án chưa xét xử phúc thẩm.
Về tiền, đã thi hành xong 85.465 tỷ đồng, còn phải thi hành là 83.031 tỷ đồng. Riêng trong 8 tháng (từ ngày 1/10/2023 đến 31/5/2024), các cơ quan THADS đã xử lý tài sản, thu hồi được số tiền trên 9.243 tỷ đồng.
Báo cáo của Bộ Tư pháp cũng chỉ ra rằng, kết quả thu hồi tiền, tài sản trong các vụ án kinh tế, tham nhũng giảm sâu; số lượng vụ việc khiếu nại, tố cáo tăng; số kháng nghị, kiến nghị, báo cáo giám sát của VKSND đúng, cơ quan THADS phải chấp nhận một phần hoặc toàn bộ...
Bên cạnh đó, vẫn có hiện tượng vi phạm trình tự, thủ tục trong thi hành án, trong đó có công chức vi phạm tới mức phải khởi tố hình sự; việc ra quyết định thi hành án thiếu chính xác (có gần 321 quyết định thi hành án phải thu hồi, hủy).
Các nguyên nhân khách quan phát sinh trong quá trình chỉ đạo, tổ chức thi hành án đã tác động rất lớn đến kết quả thi hành án của toàn hệ thống THADS.
Một trong số các nguyên nhân được chỉ ra là do một số quy định của pháp luật chưa hoàn thiện đã ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả thi hành án, dẫn đến khó khăn trong xử lý tài sản (dự án chưa hoàn thiện hồ sơ theo pháp luật đầu tư và đất đai; tranh chấp khởi kiện phân chia tài sản chung; xử lý quyền sử dụng đất đảm bảo phù hợp quy hoạch…).
Trong khi đó, số lượng án phải thi hành ở các địa bàn trọng điểm như Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng có giá trị thi hành lớn, tính chất phức tạp, tài sản phải xử lý nhiều hoặc có tranh chấp, đang có vướng mắc về pháp luật... dẫn đến kéo dài thời gian tổ chức thi hành án.