Khi phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc hôm 24/9, Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian đã chỉ trích chiến dịch tấn công quân sự chống Phong trào Hồi giáo Hamas của Israel ở Dải Gaza, đồng thời cảnh báo Tel Aviv sẽ phải trả giá vì các vụ tập kích vào Lebanon. Tuy nhiên, theo giới quan sát, ông Pezeshkian, người đắc cử chức Tổng thống hồi tháng 7, đã có giọng điệu ôn hòa hơn những người tiền nhiệm và tránh đề cập đến việc tiêu diệt “kẻ thù không đội trời chung” của Iran.
"Chúng tôi tìm kiếm hòa bình cho mọi người và không có ý định xung đột với bất kỳ quốc gia nào", ông Pezeshkian khẳng định. Ông cũng bày tỏ việc Tehran sẵn sàng nối lại đàm phán với các cường quốc phương Tây từng ký kết thỏa thuận hạt nhân quốc tế năm 2015.
Theo BBC, các quan chức cấp cao khác của Iran và các chỉ huy Quân đoàn Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) cũng tỏ ra kiềm chế một cách khác thường khi nêu ý định trả đũa Israel vì các hành động chống Tehran và các nhóm đồng minh chủ chốt Hamas và Hezbollah.
Tình báo phương Tây cho biết, Iran đã trang bị vũ khí, tài trợ và huấn luyện cho cả 2 nhóm vũ trang Hồi giáo trên, nhưng Tehran coi Hezbollah như lực lượng răn đe chính để ngăn chặn các vụ tấn công trực tiếp của Israel vào đất nước họ.
Sự hậu thuẫn của Iran rất quan trọng đối với quá trình chuyển đổi của Hezbollah thành tổ chức vũ trang và chính trị hùng mạnh nhất ở Lebanon kể từ khi IRGC giúp thành lập nhóm vào những năm 1980. Quốc gia Hồi giáo cũng được tin là nhà cung cấp chủ chốt các loại vũ khí Hezbollah có thể dùng để đối phó với Israel, đặc biệt là tên lửa và máy bay không người lái (UAV) tiên tiến. Mỹ từng cáo buộc Iran đang tài trợ tới 700 triệu USD mỗi năm cho Hezbollah.
Tuần trước, Đại sứ Iran tại Lebanon Mojtaba Amani đã bị thương nặng khi máy nhắn tin của ông phát nổ tại đại sứ quán ở Beirut. Thêm hàng nghìn máy nhắn tin và bộ đàm khác của các thành viên Hezbollah cũng phát nổ trong 2 ngày 17-18/9, khiến tổng cộng 39 nạn nhân thiệt mạng và hơn 3.000 người khác bị thương.
Tehran đổ lỗi cho Tel Aviv nhưng không đưa ra lời đe dọa trả đũa công khai ngay lập tức, trái ngược với thời điểm khi Israel tấn công lãnh sự quán Iran tại thủ đô Damascus của Syria hồi tháng 4, khiến 8 chỉ huy cấp cao của Lực lượng đặc nhiệm Quds tinh nhuệ thuộc IRGC tử vong. Khi đó, Iran đã nhanh chóng đáp trả bằng cách phóng hàng trăm UAV và tên lửa vào lãnh thổ Israel.
Iran cũng tuyên bố sẽ buộc Israel phải trả giá vì vụ ám sát thủ lĩnh chính trị Hamas Ismail Haniyeh tại Tehran hồi cuối tháng 7, nhưng cho đến nay vẫn chưa công bố bất kỳ hành động nào. Một cựu chỉ huy IRGC chia sẻ với BBC rằng, việc liên tục đe dọa Israel mà không thực hiện đã làm tổn hại thêm uy tín của lực lượng này trước những người ủng hộ bên trong Iran lẫn các lực lượng ủy nhiệm ở nước ngoài.
Phát biểu trước truyền thông Mỹ ở New York hôm 23/9, Tổng thống Pezeshkian cáo buộc Israel đang tìm cách lôi kéo Iran vào một cuộc xung đột. "Iran sẵn sàng xoa dịu căng thẳng với Israel và hạ vũ khí nếu Israel cũng làm như vậy", ông nhấn mạnh.
Một số nhân vật bảo thủ cứng rắn, thân cận với lãnh tụ tối cao Iran - Đại giáo chủ Ali Khamenei đã chỉ trích tổng thống vì phát biểu trên. Họ yêu cầu ông Pezeshkian giữ vững lập trường và tránh trả lời phỏng vấn trực tiếp. Thực tế, ông Pezeshkian đã dự kiến tổ chức một cuộc họp báo tại New York vào ngày 25/9, nhưng sự kiện đó rốt cuộc bị hủy bỏ. Không rõ liệu vị Tổng thống Iran này có bị ép buộc phải làm việc đó vì những phát biểu gây tranh cãi của mình hay không.
Giới quan sát lưu ý, ở Iran, quyền lực nằm trong tay của Đại giáo chủ Khamenei và IRGC. Đó là những thế lực đưa ra các quyết định chiến lược quan trọng, chứ không phải tổng thống. Đáng chú ý, Đại giáo chủ Khamenei cho đến nay cũng không đề cập đến bất kỳ kế hoạch trả đũa hay đe dọa nào nhằm vào Israel trước sự cố mới ở Lebanon, điều được coi khá bất thường khi ông phát biểu trước các cựu chiến binh Iran hôm 25/9.
Hãng thông tấn Axios mới đây trích dẫn lời 2 quan chức Israel và các nhà ngoại giao phương Tây ám chỉ Hezbollah đang thúc giục Iran hỗ trợ bằng cách tấn công Israel. Theo các nguồn tin này, Tehran đã phản hồi Hezbollah rằng "thời điểm này không phù hợp”.
Tuần trước, người dẫn chương trình truyền hình trực tuyến Maydan của Iran, vốn được đồn thổi có quan hệ với IRGC, đã trích dẫn các nguồn tin tình báo Iran tiết lộ, Israel đã "thực hiện một hoạt động đặc biệt vào tháng trước, sát hại các thành viên IRGC và đánh cắp tài liệu". Nhà báo này cho hay, truyền thông Iran đã bị cấm đưa tin về vụ việc xảy ra bên trong Iran và rằng chính quyền đang cố gắng kiểm soát câu chuyện. Song, hãng thông tấn Tasnim, vốn cũng liên kết với IRGC, đã phủ nhận thông tin trên.
Nhiều nhà phân tích nhận định, Iran đang trong tình thế “tiến thoái lưỡng nan” nên cần có thêm thời gian để cân nhắc hành động. Ngay tại Iran đã có những ý kiến lo ngại rằng, tấn công Israel có thể dẫn đến phản ứng quân sự của Mỹ, kéo quốc gia Hồi giáo vào một cuộc xung đột rộng lớn hơn.
Với nền kinh tế suy yếu do các lệnh trừng phạt của Washington cũng như tình hình bất ổn trong nước hiện nay, việc Mỹ nhắm mục tiêu vào IRGC có thể làm lung lay hơn nữa bộ máy an ninh của Iran và khiến phe đối lập tái nổi dậy.
Tuy nhiên, nếu Iran kiềm chế không can thiệp trực tiếp vào cuộc xung đột Israel - Hezbollah, các nhóm vũ trang đồng minh trong khu vực có thể đi đến kết luận rằng, trong thời điểm khủng hoảng, nước này có thể ưu tiên sự sống còn và lợi ích của chính mình hơn lợi ích của những tổ chức đó. Điều này có thể làm xói mòn ảnh hưởng và các liên minh của Iran khắp Trung Đông.
Dư luận vẫn đang nín thở chờ xem Iran sẽ thoát khỏi thế kẹt ra sao và liệu họ có quyết định “đổ thêm dầu vào lửa” làm xung đột trong khu vực leo thang hơn nữa hay không.