Thầy Thích Minh Niệm

Trong mạch bài Cha mẹ cùng con vượt qua áp lực cuộc sống, VietNamNet xin trích đăng phần 2 cuộc trò chuyện của MC Phan Anh và thầy Thích Minh Niệm về chủ đề này. 

MC Phan Anh: Có một số quan niệm cho rằng con cái đến với mình là trả nợ, để đòi nợ cha mẹ. Điều này tương đương với khái niệm con ngoan, con hư. 

Có nhiều người dựa vào kinh điển nói rằng Đức Phật dạy có 3 loại con là ưu sanh, tùy sanh, liệt sanh. Nên hiểu lời dạy của Đức Phật như thế nào và trong trường hợp có một đứa con liệt sanh thì cha mẹ phải làm gì để giúp mình, giúp con bớt đau khổ?

Thầy Minh Niệm: Chúng ta thường có thói quen khi những người thân yêu không còn mang lại giá trị, họ mắc phải sai lầm, gây tổn hại cho chúng ta thì chúng ta than trời trách đất.

Khi những đối tượng thương yêu mang lại nhiều giá trị thì chúng ta hạnh phúc hả hê, tung hô, tự hào. Cũng là chúng ta đó, cũng là đối tượng yêu thương chúng ta đó nhưng ta lại có 2 thái độ khác nhau. Đó là phản ứng rất tầm thường, không phải là thứ tình thương đích thực. 

Chúng ta có hưởng rồi thì phải có chịu. Khi ta đến cuộc đời này cũng vậy. Ta đã đón những điều như ý rất nhiều rồi thì cũng phải hoan hỷ chấp nhận những điều bất như ý.

Chúng ta từng ao ước có con, các con có ao ước có chúng ta đâu, con có mong muốn đến cuộc đời này đâu.

Chúng đã khát khao, tìm mọi cách để tạo ra con và đất trời đã ủng hộ để điều đó xảy ra. Chúng ta khát khao được làm cha mẹ, được ẵm bồng, chiều chuộng, thể hiện biết bao cảm xúc trên con thậm chí đem con ra để khoe mẽ, tự hào.

Có những đứa con còn phải phục vụ cả thời gian, năng lượng, tinh thần, thể chất kể cả phải đi kiếm tiền để nuôi cha mẹ. 

Vậy mà khi con mắc sai lầm, con không kiểm soát được bản thân, không vượt qua được những hạn chế, khó khăn của mình thì cha mẹ lập tức phản ứng kịch liệt, không chấp nhận, đòi hỏi con mình lúc nào cũng phải tốt nhất có thể. Cha mẹ làm như mình không có những yếu kém, khó khăn. 

Khi chấp nhận được bản thân có những ưu điểm, khuyết điểm thì mình mới chấp nhận được người khác. Những người yêu thương của mình cũng có những ưu điểm khuyết điểm thì làm sao mình có thể nói là cha hay mẹ có thể không chấp nhận những sai trái, khiếm khuyết của con. 

Nếu chúng ta không chấp nhận, các con sẽ căng não, sẽ nỗ lực hết mình để đừng cho những yếu kém bộc lộ ra. Điều này khiến thời gian con sống với cha mẹ thật ngột ngạt, thật đau đớn. 

Hoặc những đứa trẻ sẽ sống rất giả dối bằng cách bộc lộ những yếu kém ở một nơi khác. Về gia đình, chúng sẽ trình diễn cho người lớn thấy chúng rất ổn và không có vấn đề gì. Chúng ta có muốn con cái của mình như vậy không?

Để con cái xem gia đình là nơi an toàn nhất, là nơi con cái bộc lộ hết những khó khăn, chúng ta phải bỏ đi thói quen là khi tốt thì im lặng, khi thấy chút khó khăn từ chính đối tượng ta vừa thụ hưởng thì gầm rú, la hét, phản ứng mạnh mẽ.

Chúng ta cũng nên quên đi thói quen luôn đề cao thân mình, chỉ gắn kết, liên hệ với những gì tốt đẹp còn những gì không tốt đẹp thì không thuộc về mình. Điều đó không thực tế, không chân thật, không khai minh được trí tuệ cho chúng ta. 

May mắn thay, hạnh phúc thay cho những đứa trẻ được sống chung với những bậc cha mẹ có lòng bao dung, có sự hiểu biết rằng, cha mẹ sẽ sẵn sàng chấp nhận những khó khăn của con, không lên án, không kỳ thị, không trừng phạt các con. 

Thay vào đó, cha mẹ sẽ đồng hành cùng con, tìm mọi cách giúp con vượt qua khó khăn trên mọi nẻo đường.

Thưa thầy, khi một đứa trẻ đã dũng cảm nói với cha mẹ, mọi người rằng con đồng tính thì làm cách nào để cha mẹ chấp nhận, đón nhận xu hướng tính dục này của con, giúp cha mẹ tránh khỏi những nỗi khổ, niềm đau, không gây tổn thương cho con?

Trước hết, tôi rất cảm thông, chia sẻ với các bậc cha mẹ có con đồng tính. Bởi, bất cứ cha mẹ nào trên thế gian này đều mong muốn con mình có giới tính bình thường. 

Tuy nhiên, chúng ta không thể biết hết bí ẩn của vũ trụ khi tạo ra những tác phẩm đặc biệt khác nhau. Thật ra trên đời này có rất nhiều hiện tượng khác thường mà chúng ta chưa biết hết được.

Trong bản chất, chúng ta đều là con người, đều khát khao được sống, được yêu thương, được chấp nhận, được có cơ hội cống hiến, được đóng góp những giá trị của mình cho cuộc đời này. 

Nhưng đứng về mặt hiện tượng, chúng ta sẽ rất khác biệt, sẽ không ai giống ai. Và, mỗi một phiên bản như vậy sẽ không phải là một phiên bản lỗi của vũ trụ. Tất cả đều từ bàn tay sắp đặt của vũ trụ, nó đều có lý do. 

Các bậc cha mẹ là những người bình thường nên không thể dễ dàng chấp nhận một sự khác biệt nào đó. Nếu cha mẹ sinh ra một đứa con có những khuyết tật trên cơ thể thì chắc chắn cha mẹ sẽ rất đau khổ. 

Nhưng rồi cha mẹ cũng sẽ từ từ học cách chấp nhận sự thật ấy. Theo thời gian, cha mẹ cũng sẽ thấy đó là điều bình thường mặc dù đôi lúc cũng thấy tủi thân, cũng mong muốn con mình lành lặn. 

Về giới tính cũng vậy. Cho đến bây giờ không còn chối cãi gì về việc đồng tính là điều hết sức tự nhiên. Nó không phải là một thứ bệnh.

Người đồng tính rất mẫn cảm, rất dễ xót thương, rất dễ rung động. Họ có tình yêu thương với mọi người một cách rộng lớn, dễ dàng. Họ có nhiều khả năng về nghệ thuật và nhiều lĩnh vực khác. Nếu lĩnh vực có năng khiếu, họ sẽ rất vượt trội, có thể đi đến đỉnh cao. 

Thầy Minh Niệm cho rằng, cha mẹ cần học cách chấp nhận những khác biệt của con, để con cái không lạc lõng, đau khổ.

Họ có rất nhiều cống hiến cho cộng đồng và xã hội. Họ có nhiều đức tính quý giá nhưng về mặt giới tính, họ lại gặp những khó khăn rất lớn.

Đầu tiên là họ phải chấp nhận sự khác biệt của mình trong giai đoạn tuổi thơ. Họ phải cố gắng gìn giữ giới tính của mình, không để người lớn phát hiện. Họ phải trải qua nhiều giai đoạn che đậy bản thân.

Những đứa trẻ nào may mắn được cha mẹ có hiểu biết đúng về giới tính, có sự cởi mở trong lòng và sẵn sàng đón nhận con mình công khai giới tính… sẽ đỡ đau khổ, mệt mỏi thậm chí tổn thương về tâm lý. 

Hầu hết những đứa trẻ có giới tính đặc biệt đều rất dễ bị tổn thương, dễ bị trầm cảm hay rơi vào các hội chứng tâm lý nào đó. Và đứa bé đó sẽ bước vào cuộc đời bằng tâm lý đầy sợ hãi.

Sẽ thật đáng tiếc nếu những người thân yêu nhất của các con, đặc biệt là cha mẹ đã không thấu hiểu, chấp nhận, đứng về phía con của mình. Thậm chí, còn có cha mẹ chống đối con cả đời, làm cho tình nghĩa vốn rất thiêng liêng trở thành 2 phe đối nghịch nhau mãi mãi. 

Trong trường hợp này, ai khổ hơn ai? Là cha mẹ khổ hơn hay con cái khổ hơn? Cha mẹ khổ vì có sự kỳ thị, thiếu sự hiểu biết, còn nghĩ đến bản thân mình nhiều, cha mẹ còn sợ bị người ta cười chê, còn lo cho danh dự, sĩ diện của mình. 

Cha mẹ cần bỏ qua tất cả những điều đó và ý thức rằng chúng ta sinh con ra không phải để biến con thành đối tượng phục vụ cho mình, sinh con ra không phải với mục đích muốn con mình sau này phải làm cái này cái kia cho mình như phải sinh con cái, trả hiếu, nối dõi tông đường… 

Cha mẹ cần ý thức sinh con ra là vì con, tạo mọi điều tốt đẹp nhất cho con miễn làm cho con hạnh phúc, sống đẹp, sống có ý nghĩa, giá trị cho cuộc sống. Nếu cha mẹ giữ được quan điểm này và sống trong quan điểm này thì chắc chắn cha mẹ sẽ không đau khổ. 

Thậm chí cha mẹ sẽ giúp đỡ một đứa con có giới tính đặc biệt rất nhiều. Bởi, một đứa trẻ đồng tính luôn rất nhạy cảm, rất cần tình thương yêu. Một đứa trẻ đồng tính lúc nào cũng cảm thấy thiếu tình yêu thương vì không bao giờ đến gần được cha mẹ, không thể hiện được cảm xúc của mình với cha mẹ. 

Cha mẹ phải tìm hiểu về đồng tính. Chúng ta cần có các nhóm của những cha mẹ có hoàn cảnh tương tự để được pháp đàm, được chia sẻ, thấu cảm, nâng đỡ tinh thần lẫn nhau.

Sau đó, chúng ta sẽ dành nhiều thời gian để quan sát con, hiểu đời sống của một người đồng tính về xu hướng tính dục của họ như thế nào. Chúng ta cũng cần kiểm tra nhiều lần qua các chuyên gia tâm lý xem con cái chúng ta đồng tính thật hay đây chỉ là một sự ngộ nhận. 

Nếu là đồng tính thật, chúng ta phải học cách chấp nhận, hôm nay không chấp nhận được thì ngày mai, ngày kia… chấp nhận. Chúng ta chấp nhận càng sớm càng tốt để thu hẹp khoảng cách với con, để có cơ hội đồng hành giúp đỡ, để con không lạc lõng, đau khổ.

Hiện nay, có rất nhiều bậc cha mẹ bận rộn, không còn nhiều năng lượng để chăm sóc con cái. Theo thầy, cần phải làm thế nào để các bậc cha mẹ bận rộn có năng lượng, cân bằng cuộc sống để chăm sóc con cái?

Cách hay nhất là cha mẹ phải làm cho mình bớt bận rộn. Tại sao cha mẹ lại bận rộn như thế. Có những sự bận rộn thật sự xứng đáng, thật sự cần thiết. Nhưng cũng có sự bận rộn là do chúng ta tự đặt ra.

Chúng ta đặt ra những mong muốn dư thừa, không cần thiết. Phần lớn nó đến từ những nỗi sợ, những lo lắng thái quá. 

Có khi chúng ta nghĩ phải lao ra ngoài kiếm thật nhiều tiền, mang lại nhiều tiện nghi vật chất kể cả danh dự, quyền bính để đảm bảo cho các con có một sự trưởng thành trong an toàn, vững chãi.

Tuy nhiên, đó không phải là sự thật. Có khi chúng ta suy nghĩ như thế nhưng sâu thẳm bên trong chúng ta nghiện làm việc. Chúng ta thích kiếm tiền, thích thể hiện uy quyền ở ngoài kia thay vì về nhà chơi với con.

Có khi là vì chúng ta nghĩ những giá trị đó sẽ làm cho đời sống của con tốt đẹp hơn. Nhưng con cái cần nhiều giá trị hơn thế.

Các con cần sự có mặt của cha mẹ, cần sự thoải mái, bình yên từ cha mẹ. Các con cần năng lượng tích cực, yêu thương, lòng bao dung của cha mẹ. Các con cần những hiểu biết, những kinh nghiệm quý giá mà cha mẹ chỉ có thể trao truyền một cách thấm đẫm nhất khi có mặt trọn vẹn cùng với con. 

Cho nên cha mẹ rất cần nhìn lại mình để cắt bỏ bớt những nhu cầu thực sự không quá cần thiết, để thực tập trở thành một người bớt bận rộn. Bên cạnh đó, cha mẹ cũng cố gắng thực tập thiền, thực tập chánh niệm trong bất cứ công việc nào.

Cha mẹ đừng để cuốn vào sự thành bại, hãy xem mọi công việc mình làm là một cơ hội để sống sâu sắc, cơ hội để mang giá trị tốt đẹp nhất của mình ra chia sẻ với những người xung quanh.

Cuối cùng, cha mẹ hãy tranh thủ để được trở về với chính mình, để được thở, được thư giãn, buông xả, an trú vững vàng trong hiện tại. Với tất cả những nỗ lực đó, khi xuất hiện với con cha mẹ sẽ tự ý thức được rằng, mình đang mang giá trị, năng lượng gì đến với con.

Có nhiều bậc cha mẹ dù không bận rộn nhưng lại có những khó khăn về tâm lý. Làm cách nào để giúp họ khôi phục sức khỏe tinh thần trong khi họ vẫn phải bận rộn với đời sống và gánh vác gánh nặng trách nhiệm làm cha mẹ?

Các bậc cha mẹ có khó khăn về tâm lý, việc nuôi dạy con sẽ khó khăn hơn so với cha mẹ bình thường. Sự nỗ lực, cố gắng của bậc cha mẹ có khó khăn về tâm lý phải nhiều hơn cha mẹ bình thường.

Nỗ lực ở đây là chúng ta phải làm sao giữ được sự quân bình, giữ được nguồn năng lượng tích cực, liên tục cho con và cho mình.

Theo cách này thì chúng ta phải chấp nhận cuộc sống không có nhiều tiện nghi vật chất, chấp nhận bớt nắm bắt, thậm chí là thiếu trách nhiệm bổn phận với một số đối tượng, công việc nào đó. 

Chúng ta cần hiến tặng cho mình một giai đoạn được làm một người mẹ, một người cha thảnh thơi, thư giãn, bình an. Chúng ta có thể thương lượng với bạn đời, cha mẹ, những thành viên gia đình của mình về việc nâng đỡ chúng ta.

Trong giai đoạn được nâng đỡ, chúng ta có thể không làm kinh tế để có thời gian chăm sóc sức khỏe thể chất, tinh thần. Chúng ta làm sao để lúc nào cũng có thể mỉm cười. 

"Các bậc cha mẹ cần ý thức rằng chúng ta sinh con ra không phải để biến con thành đối tượng phục vụ cho mình".

Bậc cha mẹ vốn có những vết thương bên trong chỉ nên xuất hiện trước con khi có thể quản chế năng lượng xấu của mình. Chúng ta chỉ có thể xuất hiện trước con khi mình thực sự tích cực, thực sự ứa ra nhiều giá trị an lành cho con. 

Nếu thấy mình căng thẳng, bên trong bất ổn thì cần phải học cách rút lui, lánh mặt để hàm dưỡng cảm xúc của mình.

Để làm được điều đó, cha mẹ phải bớt bận rộn hoặc trao lại sự bận rộn, trách nhiệm lớn cho người thân yêu của mình. Và, cha mẹ xem như đây là một giai đoạn đặc biệt, mình gánh 2 trách nhiệm là vừa chữa lành vết thương bên trong vừa hoàn thành xuất sắc vai trò làm cha làm mẹ. 

Thưa thầy, khi cha mẹ đã xác định được việc mình phải ưu tiên bồi dưỡng tinh thần, vun đắp đời sống tinh thần và hướng gia đình của mình đi theo con đường này thì đâu sẽ là bước đầu để giúp họ hiện thực hóa nó?

Điều quan trọng là chúng ta phải có một con đường. Các bậc cha mẹ nếu đã ý thức được rằng chúng ta có mặt trong cuộc đời này để sống một đời sống thật sâu sắc, có giá trị thì sẽ không cần đi theo dòng chảy của đám đông.

Trên thế giới này có rất nhiều người, nhiều bậc cha mẹ luôn tìm tòi những con đường tốt nhất cho con cháu của mình. Và như thế, chính cha mẹ cũng được trải nghiệm trong con đường đó.

Ở Mỹ có nhiều bậc cha mẹ rất giàu có, thành đạt, nổi tiếng nhưng họ từ giã thành phố lớn, từ giã địa vị, hào quang để rút về miền quê. Họ thành lập những cộng đồng nhỏ là liên kết của người cùng chí hướng và sống một cuộc sống tối giản, gần gũi với thiên nhiên. Họ tạo ra một cộng đồng hài hòa, an lành, giàu giá trị.

Những đứa trẻ sống trong môi trường đó như sống trong cõi thần tiên chỉ biết đến những giá trị tốt đẹp. Mỗi ngày các con được tiếp xúc, được dưỡng nuôi bởi nhiều giá trị an lành.

Môi trường ảnh hưởng rất lớn đến các con cho nên chúng ta phải tạo được những môi trường cần thiết cho con. Chỉ khi có được một cộng đồng, một đám đông cùng đi về một hướng thì chúng ta mới có được niềm tin vững chắc là chúng ta sẽ cùng con cái bước đi an toàn, vững vàng trên con đường đã chọn. 

Con đường này sẽ nhiều cam go, thử thách có lúc chúng ta sẽ hoang mang, hoài nghi về quyết định này có đúng hay không. Vì vậy việc kết nối với những người cùng chí hướng, các cộng đồng khác cùng chí hướng trên thế giới là rất cần thiết để ta thấy chúng ta không lẻ loi. 

Và hãy vì những đứa trẻ khác trên thế gian này chứ không phải chỉ vì con chúng ta mà tạo dựng, cố gắng  sinh, vượt qua mọi khó khăn để tạo ra những cộng đồng thật sự lành tính, phát triển những giá trị chân thiện mỹ.

'Khổ đau đôi khi không vô nghĩa hoàn toàn'

'Khổ đau đôi khi không vô nghĩa hoàn toàn'

Khổ đau đôi khi không vô nghĩa hoàn toàn. Đôi khi nó là tiếng chuông cảnh báo để chúng ta nhận ra rằng ta từng có điều kiện hạnh phúc và trong hiện tại chúng ta cũng còn có rất nhiều điều kiện hạnh phúc.