Theo đó, cha mẹ sẽ không để cho sự bận rộn lôi kéo tâm hồn mình trôi tận đâu đâu mà bỏ lỡ cơ hội ở bên con. Dù rằng trong đời sống cũng có nhiều thứ quan trọng phải thực hiện, nhiều trách nhiệm bổn phận phải chu đáo, ngay cả việc dưỡng nuôi hay dạy bảo con nên người cũng phải dựa trên nhiều nỗ lực khác. Tuy nhiên, không nên vì thế mà cha mẹ lơ đãng với thiên chức của một đấng sinh thành, đó là luôn tạo ra điều kiện tốt đẹp nhất để con mình lớn lên, thành người, mà trong đó sự có mặt trọn vẹn của cha mẹ – một sự có mặt thật dễ thương và vững chãi – là điều kiện quan trọng nhất.

Thầy Minh Niệm, tác giả bài viết và loạt radio "Dìu con vào đời", "Nâng dậy tâm hồn", “Bình yên giữa biến động”, “Chỉ tình thương ở lại”...

Khi cha mẹ tỉnh thức, tức là đang an trú trong hiện tại và cảm nhận rất rõ những gì đang hiện hữu quanh mình đều là những tặng phẩm màu nhiệm của đất trời. Cha mẹ biết rằng không phải ai cũng may mắn có được đặc ân làm cha mẹ khi đến với cõi đời này. Cha mẹ đã được vũ trụ trao sứ mệnh thiêng liêng này nên sẽ làm tốt nhất có thể. Trong đó, cha mẹ sẽ tranh thủ tận hưởng những giây phút ở bên con.

Nhiều người nghĩ rằng con cái phải biết ơn cha mẹ vì cha mẹ sinh ra con và hi sinh quá nhiều thứ cho con, nhưng cha mẹ lại nghĩ chính cha mẹ cũng phải biết ơn con. Vì nhờ có con thì cha mẹ mới bước vào vai trò được làm cha mẹ, được gọi là cha mẹ, được thể hiện nhiều giá trị rộng lớn mà người bình thường sẽ không có được. Và mỗi khi trở về với con, cha mẹ luôn nhận được sự nuôi dưỡng và cả sự nâng đỡ bởi năng lượng an lành, trong trẻo, hồn nhiên… của con. Chính cha mẹ cũng cần tựa vào con. 

Khi cha mẹ tỉnh thức, tức là đang tận hưởng từng giây phút của hiện tại mà không để tâm trí vướng bận đến những chuyện của quá khứ hay tương lai, thì chắc chắn cha mẹ sẽ ưu tiên để ở bên con, mang đến cho con những điều tốt đẹp nhất có thể. Một nụ cười tươi tắn, một lời hỏi han ân cần, một cử chỉ chăm sóc vỗ về… đều là những thứ mà cha mẹ có thể hiến tặng cho con ngay trong giây phút này. Khi nhìn thấy con đang ngồi học bài hay loay hoay làm việc gì đó, cha mẹ đều nhủ thầm: “Con vẫn đang có mặt ở đây và mình sẽ có mặt trọn vẹn cùng với con để tận hưởng phút giây hạnh phúc này, vì ngày mai có thể sẽ không còn nữa”.

Đúng vậy, ngày mai con lại đi học xa, vào đời, gây dựng sự nghiệp, có gia đình riêng… đâu dễ gì cha mẹ cùng con có những phút giây bên nhau trọn vẹn như vầy. Hoặc ngày mai, vô thường có thể mang cha mẹ rời xa khỏi cuộc đời này, việc có mặt cùng con sẽ chỉ còn là ước vọng.

Khi cha mẹ tỉnh thức, tức là đang nhận biết rõ mình đang làm gì và sẽ ảnh hưởng như thế nào đến các đối tượng xung quanh, thì cha mẹ sẽ không bao giờ xuất hiện trước con khi cha mẹ đang thật sự bất ổn, ứa ra ngoài năng lượng tiêu cực.

Từ lâu cha mẹ đã nhận ra rằng, nuôi con không chỉ là mang về cho con thật nhiều tiện nghi vật chất, mà còn phải nâng dậy đời sống tinh thần của con. Ngoài việc trao truyền những kiến thức và kinh nghiệm mà cha mẹ đã tích luỹ được, việc cho con tiếp cận với nguồn năng lượng như thế nào cũng mang tính quyết định cho những hạt mầm nào trong con được lớn dậy, định hình tính cách. Cha mẹ biết có những đứa con tuy rất thương cha mẹ mình nhưng cũng rất sợ đến gần, bởi cha mẹ chúng luôn toát ra nguồn năng lượng rất căng thẳng, nặng nề và độc hại. Cha mẹ hứa sẽ luôn kiểm soát hành động của mình để không bao giờ mang đến tâm hồn con bất cứ sự thương tổn nào. 

Khi cha mẹ tỉnh thức, tức là có thể dừng lại và nhìn sâu vào lòng thực tại để biết rõ những gì đang xảy ra cho từng đối tượng, trong đó chắc chắn có con. Cha mẹ biết rằng bất cứ đứa trẻ nào lớn lên cũng đều phải đối mặt với những khó khăn bên trong, hay vượt qua những hạn chế nhất định. Đó là chưa nói có những đứa trẻ phải chịu nhiều thương tổn tâm hồn từ thời ấu thơ, mà nguyên nhân chính là do cách ứng xử thiếu hiểu biết của cha mẹ, nên trong lòng luôn chất chứa nỗi đau. Do đó, cha mẹ sẽ luôn tập nhìn sâu để biết con có ổn không, hay có cần bất cứ sự giúp đỡ nào không. Dù phải làm bất cứ việc gì, ngay cả nói lời xin lỗi con hay thực tập im lặng một thời gian mà đừng đá động gì đến vấn đề của con thì cha mẹ cũng sẵn sàng.

Hành trình lớn lên của con sẽ còn rất nhiều khó khăn, cha mẹ tin rằng nếu cha mẹ tỉnh thức, biết lắng nghe và thấu hiểu, thì con sẽ cho phép cha mẹ đồng hành với con. Con biết không, được đồng hành cùng con đi về tương lai là ước mơ của hầu hết các bậc cha mẹ, đó con. 

Khi cha mẹ tỉnh thức, tức là có thể nhận ra điều kiện hạnh phúc vốn luôn có sẵn quanh mình, chỉ cần có ý thức và dừng lại để tận hưởng thôi. Tuy nhiên, bản chất con người hay lo xa, cũng do thiếu trí tuệ hay kinh nghiệm đối ứng, nên thường đặt ra hàng loạt mong cầu mà phần lớn đều không cần thiết.

Trong khi mỗi sự mong cầu đặt ra lại lấy đi biết bao năng lượng và nhất là cơ hội để sống sâu sắc trong hiện tại. Nếu hỏi cha mẹ có mong cầu về con hay không thì câu trả lời chắc chắn là có, luôn luôn có.

Nếu như trước đây, cha mẹ sẽ mong muốn con trở thành ông này bà nọ, có chút danh gì với núi sông, cho cha mẹ nở mày nở mặt, thì thời gian gần đây sau nhiều biến động trong đời sống cha mẹ lại mong muốn con trở thành người sống tử tế, giàu giá trị tâm hồn. Nhưng nhìn lại, cha mẹ nhận ra ngay cả những mong cầu tốt đẹp ấy cũng nên buông bỏ. Thay vì đặt ra mong cầu để con phải thực hiện cho bằng được thì cha mẹ sẽ đồng hành cùng còn, khả năng con tới đâu thì cha mẹ chấp nhận tới đó. Bởi những điều tốt đẹp kia ngay cả cha mẹ cũng còn phải cố gắng từng ngày nữa mà. Bớt mong cầu về nhau, chấp nhận nhau nhiều hơn, đó chính là bí quyết để xây dựng các mối quan hệ vững bền. 

Khi cha mẹ tỉnh thức, tức là có thể nhìn thấy bản chất sâu xa hay tổng thể rộng lớn của con, mà không mắc kẹt vào vài hiện tượng nào đó trong nhất thời. Con tuy còn nhiều thói hư, hoặc nhiều lần mắc phạm sai lầm gây tổn hại đến bản thân và gia đình, nhưng cha mẹ không cho đó là tất cả con người của con.

Chỉ cần đặt con vào môi trường an lành, hoặc chỉ cần cha mẹ có mặt với con thường xuyên hơn, tưới tẩm vào những hạt giống lành để con tự tin hơn, thì con sẽ trở thành con người khác. Cha mẹ đã từng biết con người tuyệt vời ấy trong con. Nên thay vì trách mắng, trừng phạt mỗi khi con sai trái, thì cha mẹ sẽ cho con điểm tựa và cố gắng dìu dắt con qua đoạn đường gian khó ấy.

Nhờ sự thực tập lùi lại và quan sát thay vì đồng nhất với các hiện tượng diễn ra mà cha mẹ đã trở nên rộng lớn hơn trong cách nhìn đời, nhìn người và nhìn con. Qua đó, cha mẹ cũng nhìn thấy con mình rộng lớn hơn rất nhiều so với những gì mình nghĩ. Bởi con nào phải là bản sao của cha mẹ mà con là tác phẩm được chăm chút của đất trời, con đến cuộc đời này với những sứ mệnh đặc biệt mà cha mẹ sẽ có trách nhiệm cùng con sớm tìm cho ra. Đó cũng là một phần ý nghĩa của vai trò làm cha mẹ.

Khi cha mẹ tỉnh thức, tức là cha mẹ luôn biết mình nên làm gì và không nên làm gì để nuôi dưỡng con, nuôi dưỡng liên hệ tình thâm này ngày càng trở nên tốt đẹp và toả sáng./. 

'Khổ đau đôi khi không vô nghĩa hoàn toàn'

'Khổ đau đôi khi không vô nghĩa hoàn toàn'

Khổ đau đôi khi không vô nghĩa hoàn toàn. Đôi khi nó là tiếng chuông cảnh báo để chúng ta nhận ra rằng ta từng có điều kiện hạnh phúc và trong hiện tại chúng ta cũng còn có rất nhiều điều kiện hạnh phúc.