Theo thông tin từ Ban Dân tộc tỉnh Bình Định, tỉnh Bình Định có 39 dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống, với khoảng gần 42.000 người, chiếm 2,81%, trong đó có 3 dân tộc cư trú lâu đời là Ba Na, H'rê và Chăm. Dân số toàn tỉnh sinh sống tập trung theo cộng đồng làng ở 33 xã, thị trấn thuộc các huyện: An Lão, Vĩnh Thạnh, Vân Canh, Hoài Ân, Tây Sơn và Phù Cát. Hiện nay, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại các huyện miền núi của tỉnh Bình Định tuy có giảm nhưng vẫn còn là một vấn đề đáng báo động.
Theo thống kê, từ năm 2020 đến tháng 6/2021, trên địa bàn tỉnh vẫn còn 106 trường hợp tảo hôn. Trong đó, huyện Vĩnh Thạnh 13 trường hợp, huyện An Lão 33 trường hợp, huyện Vân Canh 51 trường hợp, huyện Hoài Ân 9 trường hợp.
Thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh Bình Định giai đoạn 2021 - 2025”, năm 2022, Ban Dân tộc tỉnh đã xây dựng 13 panô tuyên truyền tại 10 thôn, làng của xã An Hưng, An Dũng, An Trung, thị trấn An Lão (huyện An Lão) và 3 thôn của xã Bok Tới (huyện Hoài Ân). Phối hợp với Tỉnh đoàn và 5 trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú tổ chức các diễn đàn về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.
Từ đầu năm 2022 đến nay, Ban Dân tộc tỉnh Bình Định cũng đã tổ chức hội nghị tuyên truyền về giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cho đồng bào DTTS ở 15 thôn thuộc các xã An Nghĩa (huyện An Lão), Bok Tới (huyện Hoài Ân), Canh Thuận (huyện Vân Canh), Vĩnh Kim, Vĩnh Hiệp (huyện Vĩnh Thạnh). Hội nghị được tổ chức bằng hình thức tuyên truyền trực tiếp tại nhà rông của thôn. Hơn 1.255 đồng bào DTTS đã tham gia hội nghị.
Bên cạnh đó, thực hiện Tiểu dự án 2 thuộc Dự án 9 Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS và miền núi (thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: Từ năm 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh), Ban Dân tộc tỉnh đã phối hợp với Sở Tư pháp biên soạn, in ấn sổ tay Hỏi - đáp pháp luật về hôn nhân và gia đình; phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS và miền núi tỉnh. Mặt khác, cùng Trung tâm VH-TT&TT huyện Vĩnh Thạnh, Hội LHPN huyện Hoài Ân tổ chức hội nghị lồng ghép, hội thảo, tọa đàm, giao lưu văn hóa, hội thi tìm hiểu pháp luật về hôn nhân và gia đình, về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại 7 xã vùng đồng bào DTTS và miền núi ở Vĩnh Thạnh, Hoài Ân.
UBND các huyện Vĩnh Thạnh, An Lão, Vân Canh, Tây Sơn, Hoài Ân và Phù Cát chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành liên quan tổ chức tuyên truyền, quán triệt đến người dân, người có uy tín trong đồng bào DTTS về công tác giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Trong đó, Phòng Tư pháp và Huyện đoàn Hoài Ân tổ chức 3 lớp tuyên truyền phòng, chống ma túy và các tệ nạn xã hội cho hơn 550 ĐVTN và người dân tại 3 xã vùng cao Đak Mang, Bok Tới, Ân Sơn; tổ chức 1 diễn đàn về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống cho hơn 100 ĐVTN xã Bok Tới; 6 lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở, trong đó chú trọng bồi dưỡng kiến thức pháp luật về bình đẳng giới, hôn nhân gia đình.
Tại huyện An Lão, Hội LHPN huyện tổ chức Hội thi tuyên truyền pháp luật về hôn nhân gia đình, bình đẳng giới, hệ lụy của tảo hôn tại 3 xã: An Trung, An Hưng, An Dũng. Huyện Vĩnh Thạnh hướng dẫn các khu phố, thôn, làng vùng đồng bào DTTS xây dựng hương ước, quy ước gồm nhiều nội dung liên quan đến việc xóa bỏ hủ tục lạc hậu, các tệ nạn xã hội, đặc biệt là nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, quy định trách nhiệm, chế độ thưởng phạt đối với các cá nhân trong thực hiện…
Nhờ các hoạt động tuyên truyền được tổ chức sâu rộng, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn tỉnh năm 2022 đã giảm so với năm trước; không xảy ra hôn nhân cận huyết thống.
Khánh Hòa, Thu Hà, Ngọc Dũng