Việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW đã giúp cán bộ quản lý, giới văn nghệ sĩ và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của văn học, nghệ thuật trong đời sống xã hội thời kỳ đổi mới.
15 năm qua, tỉnh Bắc Kạn xuất hiện những cây bút khai thác tốt đề tài dân tộc thiểu số như: Sáng tác thơ bằng tiếng dân tộc Tày (nhà thơ Nông Viết Toại, Dương Khâu Luông, tác giả Đinh Hữu Hoan, Hoàng Đức Hoan, Nông Ngọc Mạnh); Dân tộc Dao (nhà thơ Triệu Kim Văn). Đặc biệt, các họa sĩ đã đưa đề tài vùng cao, miền núi, những sắc màu của các dân tộc Bắc Kạn vào tác phẩm hội họa như hình ảnh ngôi nhà sàn của dân tộc Tày, ánh trăng treo trên đỉnh núi, cô thiếu nữ trong trang phục dân tộc, các phong tục truyền thống mang đậm nét đặc trưng bản sắc văn hóa vùng cao và phong cảnh vùng cao hay những bộ ảnh về đám cưới của dân tộc Dao, Lễ trưởng thành của dân tộc Sán Chỉ…
Từ nguồn Quỹ hỗ trợ sáng tạo văn học nghệ thuật của Chính phủ cấp cho Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Bắc Kạn, hằng năm, Hội đã đầu tư, hỗ trợ công bố cho các tác giả có các sáng tác về bảo tồn văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số. Trên cơ sở kết quả đã đạt được trong công tác bảo tồn lưu giữ giá trị văn hóa, văn học nghệ thuật dân gian, có thể thấy, các hội viên chuyên ngành nghiên cứu sưu tầm văn hóa dân gian của tỉnh Bắc Kạn bằng sự tâm huyết, đam mê, cần mẫn và vốn tri thức văn hóa dân gian của mình đã hoạt động rất hiệu quả, đóng góp đáng trân trọng trong việc sưu tầm, nghiên cứu, lưu giữ và phát huy vốn quý của truyền thống dân tộc. Dẫu vậy, số hội viên chuyên ngành Văn nghệ dân gian còn ít, cao tuổi, cộng với thiếu những hội viên kế cận, tâm huyết để có thể khai thác được nhiều hơn vốn truyền thống văn hóa của địa phương. Có thể thấy đây là khó khăn tương đối lớn của tỉnh Bắc Kạn trong việc bảo tồn, phát huy giá trị văn học dân gian của các dân tộc thiểu số.
Trong xu thế toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế và khoa học công nghệ thông tin phát triển như hiện nay, văn hóa nói chung cũng như lĩnh vực văn học nghệ thuật nói riêng trở thành nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế. Trong bối cảnh đó, các đơn vị chức năng cần nâng tầm, đổi mới mạnh mẽ, phát huy sức mạnh đặc biệt của các loại hình văn học nghệ thuật cũng như tiềm năng sáng tạo to lớn của đội ngũ văn nghệ sĩ Bắc Kạn để có những sáng tạo mới, cống hiến thêm nhiều tác phẩm hay, có giá trị cao về tư tưởng, giáo dục, nghệ thuật, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người quê hương Bắc Kạn và đất nước.
Trần Chung, Thu Hà, Trần Tuấn Anh