Khoảnh khắc căn cứ Engels bị tấn công

Vụ tấn công chưa từng có xảy ra ở Nga có nguy cơ làm cuộc xung đột giữa nước này và Ukraine leo thang, vì nó đánh trúng vào một sân bay chứa máy bay ném bom có khả năng mang vũ khí hạt nhân. Tổng thống Vladimir Putin đã tuyên bố sẽ sử dụng mọi biện pháp có thể để bảo vệ lãnh thổ Nga, điều mà nhiều người hiểu rằng nó có thể bao gồm sử dụng vũ khí hạt nhân. 

Hãng RT dẫn tin từ Bộ Quốc phòng Nga cho biết, vụ tấn công của máy bay không người lái (UAV) Ukraine khiến 3 quân nhân nước này thiệt mạng, 4 người khác bị thương và gây hư hại nhẹ cho hai máy bay. 

Căn cứ không quân Engels-2

Ảnh: Maxar

Căn cứ Engels-2 ở vùng Saratov và cách lãnh thổ Ukraine kiểm soát khoảng 700km. Căn cứ này được đặt theo tên của triết gia Friedrich Engels, là nơi đóng quân của trung đoàn máy bay ném bom hạng nặng 121, gồm cả phi đội máy bay ném bom chiến lược Tu-95 và Tu-160. 

Rob Lee, một thành viên cấp cao của Viện Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại có trụ sở tại Mỹ cho biết: "Dựa trên vị trí của căn cứ không quân, các máy bay đóng tại đây giữ một vai trò lớn trong các cuộc oanh tạc ở Ukraine". Căn cứ Engels nằm cách đông Ukraine khoảng 720km. 

Theo ông Lee, bất cứ cuộc tấn công nào của Ukraine nhằm vào căn cứ không quân Engels dường như đều nhằm phá vỡ kế hoạch tấn công của Nga nhằm vào cơ sở hạ tầng Ukraine. Ông Lee ước tính, Nga đặt khoảng 15-16 chiếc máy bay ném bom Tu-95MS và 15 chiếc Tu-160s tại căn cứ Engels. 

Gleb Irisov, cựu sĩ quan không quân Nga mô tả căn cứ Engels là sân bay chủ chốt của các hoạt động hàng không chiến lược của nước này. "Nếu quả thực Ukraine đã tấn công căn cứ Engels thì điều đó chứng tỏ Kiev đã đạt nhiều tiến bộ trong khả năng tiếp cận các căn cứ nằm cách xa tiền tuyến". 

Căn cứ Dyagilevo 

Theo The Guardian, căn cứ Dyagilevo ở vùng Ryazan, cách lãnh thổ Ukraine kiểm soát hơn 500km, là nơi đóng quân của trung đoàn máy bay ném bom hạng nặng số 121. Đây cũng là nơi đóng quân của trung đoàn máy bay tiếp dầu Il-78 duy nhất của Nga, một bộ phận chiến lược quan trọng chịu trách nhiệm tiếp nhiên liệu trên không cho hàng không quân sự của nước này. 

Ảnh: Maxar

Theo ông Lee, việc phá hủy các máy bay ném bom chiến lược sẽ thu hút được sự chú ý hơn, nhưng nếu Nga mất máy bay tiếp nhiên liệu Il-78 thì đó sẽ là vấn đề lớn. "Việc sản xuất máy bay tiếp nhiên liệu nổi tiếng là chậm chạp, nên máy bay này bị phá hủy sẽ là thiệt hại lớn nhất đối với Nga". 

Ông Lee nói, một trong các vấn đề chính của không quân Nga là rất nhiều máy bay của nước này không nằm trong nhà chứa, khiến chúng dễ bị tấn công. "Rõ ràng là Nga không chuẩn bị bảo vệ các căn cứ không quân nằm sâu trong nước này". 

Hai căn cứ bị máy bay không người lái tấn công

Bộ Quốc phòng Nga cho biết, một loạt UAV "do Liên Xô sản xuất" bay thấp và đã tấn công máy bay chiến lược tầm xa ở hai căn cứ không quân Dyagilevo và Engels. Dù các UAV bị bắn hạ, nhưng mảnh vỡ của chúng đã ảnh hưởng tới sân bay, làm hư hại nhẹ hai máy bay. 

Hãng tin RT dẫn lời phóng viên quân sự Aleksandr Kots nói, vụ tấn công do UAV Tu-141 thực hiện. Đây là loại máy bay được Liên Xô phát triển từ những năm 1970. 

Ông Lee nhận xét, các UAV được Ukraine phóng đi từ trong lãnh thổ Nga. “Các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái có phạm vi tương đối ngắn và chúng sẽ không thể bay từ Ukraine tới đó".