Theo bác sĩ chuyên khoa 1 Nguyễn Trần Như Thủy, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM cơ sở 3, bắp cải tím đậm hay tím nhạt thường được đo bằng chỉ số pH vì sự thay đổi màu sắc cũng tùy vào độ pH của đất trồng.

Các loại bắp cải nói chung chứa nhiều vitamin A, C và E. Tuy nhiên, riêng trong bắp cải tím, lượng vitamin C nhiều gấp đôi và lượng vitamin A gấp 10 lần so với bắp cải xanh.

Bác sĩ Thủy cho biết vitamin A, C và lượng nhiều các chất chống oxy hóa trong bắp cải tím giúp tăng cường hệ miễn dịch, bảo vệ cơ thể khỏi các tổn thương gốc tự do, bảo vệ các tế bào não, phòng suy giảm trí nhớ, giúp đẹp da, chống lão hóa, ngăn ngừa tàn nhang, giúp da đàn hồi và mềm mại hơn. 

Bắp cải tím có nhiều tác dụng với sức khỏe. Ảnh minh họa: Times of India.

Vitamin A còn tốt cho mắt, cải thiện thị lực, ngăn ngừa thoái hóa điểm vàng, giảm thiểu nguy cơ hình thành đục thủy tinh thể.

Vitamin K trong loại rau này giúp xương chắc khỏe, duy trì mật độ canxi trong xương, ngăn ngừa và làm giảm nguy cơ loãng xương, gãy xương. Bên cạnh đó, sulforaphane có trong bắp cải tím có tác dụng chống viêm, giảm đau, hỗ trợ ngăn ngừa các biến chứng của viêm khớp.

Bắp cải tím còn giúp kiểm soát và duy trì cân nặng bởi loại rau này ít calo nhưng nhiều vitamin và khoáng chất, cùng với lượng chất xơ dồi dào, giúp tạo cảm giác no lâu, tốt cho đường ruột.

Về cách chế biến, bác sĩ lưu ý nên ăn sống bắp cải tím bởi hầu hết các chất dinh dưỡng sẽ được giữ lại. Đầu bếp nên ưu tiên làm salad hoặc nấu chín tới rau thay vì nấu nhừ. Tuy nhiên, người bị tiêu chảy hoặc đau dạ dày nên hạn chế sử dụng bắp cải sống hoặc các món salad vì dễ gây đầy bụng, khó tiêu.