Nhiều kết quả quan trọng

Thời gian qua, hoà nhịp cùng Bộ Thông tin và Truyền thông, ngành thông tin và truyền thông các địa phương đã tích cực triển khai công tác cải cách hành chính, cải cách chế độ công vụ, cải cách tài chính công, xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, chính phủ số và đạt được nhiều kết quả quan trọng, tác động trực tiếp đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Trong đó, phải kể đến sự đóng góp của Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tỉnh Đắk Lắk.

anh chup man hinh 2023 10 23 luc 102118.png
Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Đắk Lắk 

Báo cáo kết quả thực hiện công tác cải cách hành chính quý I/2023, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Đắk Lắk đã thực hiện đúng 100% tiến độ các nhiệm vụ được UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh giao. 

Đối với công tác thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông, số thủ tục hành chính thực hiện theo cơ chế một cửa thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Thông tin và Truyền thông là 33/33, đạt tỷ lệ 100%.

Cụ thể, từ ngày 15/12/2022 - 14/3/2023, Sở Thông tin và Truyền thông đã tiếp nhận 22 hồ sơ thủ tục hành chính. Trong đó, số mới tiếp nhận trong kỳ là 11 hồ sơ và tất cả hồ sơ đều được tiếp nhận bằng hình thức trực tuyến đạt, tỷ lệ 100%; số hồ sơ từ kỳ trước chuyển qua là 11 hồ sơ. Số thủ tục hành chính cung cấp trực tuyến mức độ 3, 4 có phát sinh hồ sơ là 5/33 thủ tục hành chính, đạt tỷ lệ 15,2%. Số hồ sơ thủ tục hành chính đã giải quyết trực tuyến mức độ 3, 4 là 22 hồ sơ, đạt tỷ lệ 100%.

Ngoài ra, Sở tiếp tục thực hiện đơn giản hoá thủ tục hành chính trên các lĩnh vực quản lý nhà nước tại cơ quan. Qua công tác rà soát, thống kê số lượng thủ tục hành chính theo quy định của pháp luật, đã tham mưu UBND tỉnh ban hành nhiều quyết định để công bố mới, sửa đổi, bổ sung các bộ thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Thông tin và Truyền thông.

Sở cũng chủ động rà soát, đánh giá tác động, tiếp thu ý kiến phản ánh của tổ chức, cá nhân liên quan đến thủ tục hành chính theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Đồng thời, lập danh mục thủ tục hành chính mới hoặc cần bổ sung, thay thế, bãi bỏ, hủy bỏ.

Song song với đó, việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác cải cách hành chính đã có những kết quả nhất định, từng bước đáp ứng các yêu cầu công tác cải cách hành chính của Sở.

Điển hình là Sở đã xây dựng và hoàn chỉnh Cổng thông tin điện tử của tỉnh đi vào hoạt động nền nếp hiệu quả. Hệ thống thư điện tử công vụ tỉnh Đắk Lắk được đưa vào sử dụng trong hoạt động của các cơ quan nhà nước từ tỉnh đến huyện. Thiết lập được trên 10 nghìn hộp thư điện tử cho các sở, ban, ngành, cán bộ, công chức, viên chức và đã phát huy hiệu quả phục vụ công tác trao đổi thông tin, gửi nhận văn bản, báo cáo qua hệ thống thư điện tử công vụ của các cơ quan nhà nước. 

100% công chức, viên chức của Sở đã sử dụng hệ thống thư điện tử công trong công tác. Hệ thống giao ban điện tử đa phương tiện đã triển khai ở 14 đơn vị, trong đó 1 điểm cầu tại Văn phòng UBND tỉnh và 13 điểm cầu tại đơn vị huyện, thị xã.

Sở đã đầu tư xây dựng hệ thống một cửa điện tử và đưa vào sử dụng. Đã triển khai và áp dụng hiệu quả hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN 9001:2008 tại Sở Thông tin và Truyền thông và đến tháng 10/2019 chuyển sang TCVN 9001: 2015 cho đến nay.

Về các sáng kiến hoặc giải pháp mới trong cải cách hành chính, năm 2022, Sở Thông tin và Truyền thông đã tham mưu UBND tỉnh về việc triển khai thí điểm Tổ công nghệ số cộng đồng tại các thôn, buôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk. Tính đến cuối năm 2022, đã có 13/15 địa phương (cấp huyện) ban hành văn bản triển khai tổ công nghệ số cộng đồng, với tổng số 1.147 tổ công nghệ số cộng đồng gồm 7.121 thành viên.

Ngoài ra, Sở thông tin và Truyền thông cũng đã phối hợp với Cục Chuyển đổi số quốc gia (Bộ Thông tin và Truyền thông) tổ chức các sự kiện trực tuyến bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng số cho tổ công nghệ số cộng đồng trên địa bàn tỉnh. Qua đó góp phần nâng cao nhận thức, kỹ năng số, phát huy vai trò, hiệu quả của các tổ công nghệ số cộng đồng.

Đây là giải pháp đưa nền tảng số, công nghệ số, kỹ năng số đến người dân thông qua tổ công nghệ số cộng đồng, tạo điều kiện giúp người dân tiếp cận môi trường số, trở thành tác nhân thúc đẩy chính quyền chuyển đổi số mạnh mẽ hơn, từ đó góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.

Xây dựng nền hành chính dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại

Để triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 - 2030 theo Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ và Chương trình cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk theo Quyết định của UBND tỉnh, đảm bảo hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ cải cách hành chính nhà nước, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh đã xây dựng Kế hoạch cải cách hành chính giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.

anh chup man hinh 2023 10 23 luc 102158.png
Quy trình thực hiện thủ tục hành chính tại tỉnh Đắk Lắk.

Theo đó, Sở tiếp tục xây dựng nền hành chính dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, có năng lực kiến tạo phát triển, liêm chính, phục vụ nhân dân, trên cơ sở những quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. 

Cải cách hành chính nhà nước tập trung vào 6 nội dung: Cải cách thể chế; cải cách thủ tục hành chính; cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; cải cách chế độ công vụ; cải cách tài chính công và xây dựng, phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số.

Trọng tâm là cải cách thể chế, tập trung xây dựng, hoàn thiện hệ thống thể chế của nền hành chính và nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật. Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên nghiệp, có năng lực, phẩm chất đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và sự phát triển của tỉnh, trong đó, chú trọng cải cách chính sách tiền lương. Xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số. 

Đặc biệt, cải cách hành chính phải xuất phát từ lợi ích của người dân, doanh nghiệp; lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm; lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp là thước đo đánh giá chất lượng phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước. 

Về mục tiêu, Sở sẽ cải cách đồng bộ, hiệu quả quy định thủ tục hành chính liên quan đến người dân, doanh nghiệp, đưa công tác kiểm soát thủ tục hành chính tại Sở đi vào hoạt động thường xuyên, ổn định và có nề nếp. Đẩy mạnh thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử để người dân, doanh nghiệp có thể thực hiện dịch vụ mọi lúc, mọi nơi, trên các phương tiện khác nhau. 

Đến năm 2025, hoàn thành việc đổi mới thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính theo hướng nâng cao chất lượng phục vụ, không theo địa giới hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, giảm thời gian đi lại, chi phí xã hội và tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.

Tối thiểu 80% thủ tục hành chính có yêu cầu nghĩa vụ tài chính được triển khai thanh toán trực tuyến, trong đó tỷ lệ giao dịch thanh toán trực tuyến đạt từ 30% trở lên. 

80% thủ tục hành chính của Sở có đủ điều kiện được cung cấp trực tuyến mức độ 4. 100% thủ tục hành chính được tích hợp, cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Tỷ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến mức độ 4 đạt 100% trên tổng số hồ sơ.

Mức độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp về giải quyết thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của Sở Thông tin và Truyền thông đạt tối thiểu 90%....

Đến năm 2030, 100% thủ tục hành chính có yêu cầu nghĩa vụ tài chính được triển khai thanh toán trực tuyến, trong đó tỷ lệ giao dịch thanh toán trực tuyến đạt từ 50% trở lên. 

100% thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết có đủ điều kiện được cung cấp trực tuyến mức độ 3,4. Đồng thời phối hợp hoàn thành việc tích hợp, cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. 

Mức độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp về giải quyết thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của Sở Thông tin và Truyền thông đạt tối thiểu 95%...

Về xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số, Sở phấn đấu năm 2025, có 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, đủ điều kiện được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động.

Tỷ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến trên tổng số hồ sơ đạt tối thiểu 50%. 80% hồ sơ thủ tục hành chính được xử lý hoàn toàn trực tuyến, người dân chỉ phải nhập dữ liệu một lần. 90% hồ sơ công việc trở lên được xử lý trên môi trường mạng (trừ những hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước)…

Đến năm 2030, 100% hồ sơ thủ tục hành chính được xử lý hoàn toàn trực tuyến, người dân chỉ phải nhập dữ liệu một lần. 100% hồ sơ công việc được xử lý trên môi trường mạng (không bao gồm hồ sơ xử lý công việc có nội dung mật)….

Thuý Vy