Đó là chuyện đầu tư trong xây dựng cơ bản. Còn trong mua sắm trang thiết bị cũng là câu chuyện dài nói mãi không hết.

Mới đây, tôi đọc trên báo Lao động và một số báo khác viết về "con nợ Nông thôn mới" ở Bạc Liêu mà không khỏi giật mình, lo lắng.

Trước hết, phải nhìn nhận rằng chủ trương xây dựng nông thôn mới (NTM) là một hướng đi đúng đắn. Song với cách làm như hiện nay, khi nguồn vốn dành cho nó còn khó khăn, có lẽ chúng ta phải tính toán lại và có chế tài, kiểm soát chặt chẽ đồng vốn này, tránh để lãng phí và dàn trải gây thất thoát.

Khi huyện thành “chúa Chổm”

Là một trong 6 huyện điểm được chọn xây dựng huyện NTM của cả nước, huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu đã nỗ lực để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Những con đường, cổng rào văn hóa, trung tâm văn hóa ấp mới được xây dựng... Tuy nhiên, huyện này cũng trở thành "chúa Chổm" với số nợ đội lên hàng trăm tỉ đồng.

Theo báo cáo vào dịp Đại hội Đảng bộ huyện này, tổng số nợ đã lên đến trên 400 tỉ đồng, trong khi vốn bố trí trả nợ chỉ trên 28 tỉ đồng. Nhiều tháng giáo viên, công chức, viên chức trong huyện không được trả lương. Vậy thì có khác nào là "tai hoạ" với người lao động!

Thực tế, số tiền từ Trung ương và tỉnh rót xuống rất ít, không đủ đảm bảo thanh toán cho các nhà thầu tham gia thi công. Chính vì thế, huyện trở thành "con nợ" lúc nào không hay. Theo thông tin báo chí, giữa năm 2014, HĐND huyện ban hành nghị quyết có nội dung trái pháp luật, đó là giao cho UBND huyện đảm bảo trả nợ ngân hàng thay cho các doanh nghiệp nếu không thanh toán đúng hạn. Phát hiện văn bản sai, HĐND tỉnh đề nghị thu hồi, áp lực nợ nần lại càng chồng chất.

Bài viết này không thể liệt kê nhiều ví dụ tương tự ở một số địa phương khác, mà muốn đi sâu vào vấn đề là tại sao các địa phương lại rất hay "cao hứng" đến vậy khi quyết định đầu tư trong khi ngân sách rót về đâu có nhiều? Phía sau sự tuỳ tiện đó là điều gì?

{keywords}
Sắm xe càng đắt tiền, "lại quả" càng đậm? Ảnh minh họa

“Rút ruột” và “lại quả”

Chuyện "lại quả" trong đầu tư xây dựng cơ bản ở nước ta đã được nhắc đến nhiều, không còn là chuyện lạ. Cái lạ là ở chỗ khi lập thiết kế kỹ thuật công trình, người ta tính toán khá dôi dư sắt thép, xi măng và nhiều thứ khác. Sau đó, khi thi công, họ rút ruột mà không ngại sự cố. Khi được hỏi vì sao không sợ, có bị can trong một vụ án ở Hà Nội dăm năm trước vô tư trả lời: Vì công trình đó đã tính toán dư thừa vật tư, không có gì đáng ngại vì sẽ không thể đổ được!

Đó là chuyện đầu tư trong xây dựng cơ bản. Còn trong mua sắm trang thiết bị cũng là câu chuyện dài nói mãi không hết.

Khoảng hai mươi năm trước, cơ quan bạn tôi được mua một chiếc xe con, với số tiền tự tích luỹ chứ không  phải xin từ ngân sách. Bên bán chấp nhận giảm giá cho cơ quan bạn tôi, đã vậy vẫn "lại quả" 800 USD.

Hoá đơn tài chính chỉ ghi đúng với số tiền cơ quan bạn tôi nộp cho họ, vì thế Cục thuế Hà Nội dứt khoát không chịu cho họ nộp thuế đúng với giá thực thu, vì biểu thuế xe nhập đắt hơn giá mua. Cơ quan bạn tôi đành nộp thuế theo biểu giá đã in (cao hơn), dùng luôn số tiền "lại quả" nọ phụ vào. Nhưng cũng thật nan giải vì họ thật thà quá trong chuyện này, nên đã phải diễn giải kèm theo cứ như là gây tội lỗi.

Từ câu chuyện trên, tôi hiểu thêm nhiều điều. Vì sao người ta thích sắm xe mới? Vì sao ai cũng thích sắm xe đắt tiền? Rất đơn giản: Họ sẽ được hưởng hoa hồng trong việc mua sắm theo tỷ lệ của giá trị xe. Và, hãy thử hình dung: Nếu họ mua ở một nơi hàng chục, hàng trăm chiếc xe  rồi phân bổ cho các đơn vị, số phần trăm hoa hồng trong tổng mức chi của hợp đồng kia sẽ là như thế nào?

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong 5 năm qua, việc thực hiện 16 Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM đã đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, do mục tiêu của các chương trình quá rộng, bố trí nguồn lực chưa bảo đảm… nên hiệu quả thực hiện nhiều chương trình chưa cao.

Việc tổ chức lại và lựa chọn 2 Chương trình xây dựng mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM và giảm nghèo bền vững là chủ trương đúng đắn. Nhưng quan trọng hơn nữa là cần chấn chỉnh việc đầu tư còn lãng phí và có phần rất tuỳ tiện hiện nay của các địa phương.

Chúng ta không thể chấp nhận lối suy nghĩ và có cả sự bao biện khi có người nói rằng việc đầu tư kia là do "chúng tôi dùng vốn ngân sách địa phương". Cần nhớ rằng, ngân sách nào cũng là tiền thuế do dân đóng. Và cũng cần nhớ, đầu tư công của chúng ta đang được một số chuyên gia cảnh báo có dấu hiệu chạm ngưỡng báo động, nếu không nói là đang quá mức chịu đựng của nền kinh tế.

Quốc Phong