Trước đây, đời sống của người Mông trước đây rất khó khăn, cùng với nhiều hủ tục lạc hậu. Tuy nhiên, với nhiều nỗ lực đến từ hệ thống chính trị và cả từ những con người Mông đổi mới, đến nay cộng đồng thiểu số này đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ. Từ mảnh đất này đã có nhiều hộ gia đình an cư, lạc nghiệp.

Huồi Tụ là xã miền núi, cách trung tâm huyện 24 km, có tổng diện tích tự nhiên 11.155 ha, có 13 bản làng là nơi cộng đồng 5 dân tộc anh em là: Thái, Khơ mú, Mông, Thổ, Kinh sinh sống đan xen với nhau. Bà con chủ yếu sống dựa vào nghề lao động sản xuất nông nghiệp.

Trước năm 1990, Huồi Tụ là một trong những “thủ phủ thuốc phiện”, nên một thời gian dài vùng đất này bị khói thuốc bủa vây, cuộc sống nghèo nàn, tạm bợ. Từ năm 1995 đến 2005, Huồi Tụ quyết tâm xóa bỏ cây thuốc phiện chuyển sang trồng chè tuyết san và thúc đẩy chăn nuôi gia súc, gia cầm.

Đến nay, xã có gần 200 hộ dân cùng Tổng đội thanh niên xung phong (TNXP) 8 trồng gần 600 ha chè, nuôi bò, gà đen cho thu nhập khá.

Nếu trước đây người dân có thói quen khai thác trộm cây thì nay nhiều hộ gia đình đã biết kết hợp trồng chè với chăn thả gà đen để “nuôi” sa mu, pơ mu ngay trong trang trại của mình...

Ông Vừ Vả Chống ở bản Huồi Đun là người đầu tiên “cõng” rừng gỗ quý pơmu về Huồi Tụ. 

Trồng rừng ở Huồi Tụ không dễ bởi người dân cơ bản là bà con các dân tộc, thiếu thông tin, thiếu kiến thức, thiếu cơ hội áp dụng khoa học kỹ thuật trong khi vùng đất cao hơn 1.200 m so mực mước biển này quanh năm mây phủ, trồng gì cũng khó.

Năm 2003, Huồi Tụ bắt đầu thay da, đổi thịt khi Tổng đội TNXP 8 lên mở đất, trồng chè tuyết san và tư vấn kiến thức, kinh nghiệm làm ăn cho người dân. Từ 8 ha vùng đồi lập trang trại nhưng chưa biết làm gì, như vớ được vàng, vợ chồng ông Chống đăng ký trồng chè tuyết san và nuôi bò, gà đen.

Cũng năm đó, tình cờ sang xã Tây Sơn chơi, thấy nhiều nhà trồng cây sa mu phát triển khá tốt, ông chợt nhớ các già làng kể, Huồi Tụ xưa tràn ngập pơmu, samu xanh quanh bản làng. Nhưng do đói nghèo mà người dân phải phá rừng làm rẫy, lấy gỗ làm nhà, chặt bán lấy tiền trang trải cuộc sống. Ông liều mua hơn trăm cây giống về trồng thử. Sau 10 năm, từ những triền đồi trọc, những gốc cây sa mu, pơ mu to lớn đã phủ xanh kín tầm mắt với gần 8.000 gốc cây.

Dưới những tán cây sa mu, pơ mu xanh mướt, mùi thơm đặc trưng của tinh dầu tỏa ra rất dễ chịu. Nhiều cây đã có đường kính 30 - 40cm. Gỗ sa mu, pơ mu rất tốt, vân gỗ đẹp và không bị mối mọt nên rất được ưa chuộng để làm đồ mỹ nghệ, gia dụng. Đã có người đến hỏi mua những cây to giá 3 - 4 triệu đồng mỗi cây, nhưng đồng bào nhất quyết không bán, bởi mong muốn lớn nhất của người Mông bây giờ là trồng và giữ rừng cho đời sau.

Từ thành công của ông Vừ Vả Chống, ở Huồi Tụ lần lượt xuất hiện nhiều hộ dân đồng bào Mông trồng rừng pơ-mu, sa-mu. 

Tới nay đã có hàng chục ha đồi trọc ở vùng này cũng đã được hon 30 hộ dân ở xã Huồi Tụ phủ xanh bằng những tán rừng sa mu, pơ mu. Không chỉ mang giá trị kinh tế, đây là những khu rừng rất có giá trị phòng hộ đầu nguồn.

Những gốc cây pơ mu, sa mu nơi miền biên viễn xứ Nghệ vẫn đang tiếp tục dày lên theo năm tháng. Người Mông đang dần coi sa mu, pơ mu là loài cây mang bản sắc riêng của bản làng đồng bào người Mông ở Huồi Tụ, là loài cây đã che chở cho đồng bào, cho mảnh đất quê hương bao đời nay.

Hữu Duyên, Hồng Hạnh, Thế Long, Trọng Hiếu, Mạnh Hùng