Tối 24/9 vừa qua, tại thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái, UBND tỉnh Yên Bái phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các tỉnh Sơn La, Lai Châu, Điện Biên đã long trọng tổ chức Lễ đón nhận Bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật Xòe Thái” vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại

Việc UNESCO ghi danh nghệ thuật xòe Thái đã chứng minh sức sống mãnh liệt, vị trí đặc biệt quan trọng của di sản văn hóa phi vật thể này của không chỉ đồng bào người Thái, mà còn của chung cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Xòe phản ánh vũ trụ quan và nhân sinh quan của người Thái gồm thế giới ở trên trời, ở mặt đất và của thần linh, thể hiện ước vọng của con người, cầu mong sự trợ giúp, phù hộ của thần linh có một cuộc sống no đủ, bình an.

“Xòe” có nghĩa là múa với các động tác tượng trưng cho các hoạt động của con người trong nghi lễ, sinh hoạt văn hóa, cuộc sống, lao động. Người Thái quan niệm “không xòe, hoa không nở. Không xòe, người không vui. Không xòe, trai gái không thành đôi. Không xòe, lúa, ngô không thành bắp."

Thời gian qua, tại các bản của người Thái (chủ yếu ở 4 tỉnh: Yên Bái, Lai Châu, Sơn La và Điện Biên) vẫn còn gìn giữ, bảo tồn và phát huy các điệu xòe cổ truyền thống như: xòe nâng khăn mời rượu; xòe bổ bốn; xòe tiến lùi; xòe tung khăn; xòe vỗ tay múa vòng tròn; xòe vòng và xòe trong các nghi lễ.

Người Thái Xòe trong lễ hội mùa xuân, trong lễ xên bản, xên mường, Xòe trong lễ mừng mùa của cộng đồng, trong lễ lên nhà mới, trong đám cưới và Xòe trong các cuộc liên hoan văn nghệ, trong các sự kiện chính trị của các địa phương để giao lưu, kết bạn và kết nối cộng đồng trong những vòng Xòe.

Theo Hồ sơ Di sản trình UNESCO, Xòe có ba loại chính: Xòe nghi lễ, Xòe vòng, Xòe biểu diễn. Các điệu Xòe nghi lễ và Xòe biểu diễn thường kết hợp với các đạo cụ và được gọi theo tên đạo cụ như Xòe khăn, Xòe nón, Xòe quạt, Xòe sạp, Xòe nhạc, Xòe gậy, Xòe hoa…

Xòe vòng phổ biến nhất, là màn đồng diễn mà người Xòe nối thành vòng tròn trong sự hòa đồng với tất cả mọi người. Xòe vòng là múa tập thể, mở rộng dần vòng Xòe, cuốn hút mọi người hòa cùng niềm vui mỗi dịp Tết đến, Xuân về hay trong lễ hội, cuộc vui liên hoan. Họ nắm tay nhau, bước chân nhịp nhàng theo điệu nhạc trong không khí thân thiện, vui vẻ, hòa đồng.

Mỗi người khi tham gia vào vòng Xòe đều cảm thấy mình là một phần của cộng đồng. Sức sống của Xòe Thái đã trở thành một nét đẹp văn hóa, là phương tiện giao tiếp kết nối mọi người xích lại gần nhau và xòe đã trở thành nét văn hóa đặc trưng của vùng Tây Bắc.

Lo sợ Xòe dần mai một, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, nghệ thuật Xòe Thái là nguồn lực sẵn có để phát triển văn hóa và du lịch cộng đồng phục vụ cho lợi ích của người dân. Cách tốt nhất là để di sản văn hóa “được sống” trong chính cộng đồng và trở thành nguồn lực phát triển kinh tế, bảo tồn bản sắc tộc người.

Bởi vậy, khi du lịch đang được đẩy mạnh ở để trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, nghệ thuật Xòe đã nhanh chóng trở thành một một tài nguyên văn hóa, góp phần không nhỏ trong phát triển du lịch, tăng trưởng kinh tế và quan hệ giao lưu.

Phát biểu tại buổi lễ vinh danh Nghệ thuật Xòe Thái của Việt Nam, Thủ tướng chính phủ Phạm Minh Chính Thủ tướng chia sẻ, sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới đã khẳng định: “Văn hoá soi đường cho quốc dân đi”. Việt Nam là một trong những quốc gia có nền văn hóa phong phú, đa dạng, giàu bản sắc với những đặc trưng riêng có của từng dân tộc, từng vùng miền. Di sản văn hóa là tài sản quý giá của cộng đồng các dân tộc anh em, là sự hội tụ các giá trị truyền thống văn hóa, lịch sử, đồng thời là kinh nghiệm, thể hiện thái độ ứng xử của người Việt Nam.

Do đó, “tôn vinh Nghệ thuật Xòe Thái là tôn vinh những giá trị cao đẹp của văn hóa nghệ thuật, của tinh thần đoàn kết, của lòng nhân ái, của tinh thần lạc quan, của tư duy bảo tồn và phát triển; của nét sống hòa hợp với thiên nhiên, của tinh thần trách nhiệm lịch sử không chỉ của các dân tộc Tây Bắc mà của tất cả những người dân Việt Nam”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Có thể nói, với việc thức ghi danh Nghệ thuật Xòe Thái của Việt Nam vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại đã góp phần đưa văn hóa Việt Nam một lần nữa tỏa sáng cùng văn hóa thế giới.

Thế Long, Trà My, Cản Tuấn