Chiều 7/3, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì buổi gặp mặt các đại diện nữ lãnh đạo, quản lý các cơ quan Trung ương và trao giải thưởng Kovalevskaia.
Phát biểu mở đầu buổi gặp mặt, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà khẳng định, các tầng lớp phụ nữ đã không ngừng phát huy truyền thống vẻ vang, nhân hậu, đoàn kết, trí tuệ, năng động, sáng tạo, vượt qua mọi khó khăn, thử thách...
Công tác cán bộ nữ có sự chuyển biến tích cực và đạt được kết quả đáng ghi nhận. Số lượng và chất lượng đội ngũ cán bộ nữ lãnh đạo, quản lý có trình độ ngày càng tăng, độ tuổi của cán bộ nữ lãnh đạo, quản lý ngày càng trẻ hóa; vị thế của đội ngũ cán bộ nữ lãnh đạo quản lý được khẳng định và ghi nhận không chỉ trong nước mà còn ở khu vực và trên thế giới.
Hiện nay, cán bộ nữ tham gia BCH Trung ương Đảng khoá XIII có 19 người (chiếm 9,5%), trong đó có 1 nữ Uỷ viên Bộ Chính trị; 2 nữ trong Ban Bí thư; 1 nữ Phó Chủ tịch nước; 3 nữ Bộ trưởng và 1 lãnh đạo nữ cơ quan thuộc Chính phủ, 10 nữ thứ trưởng và tương đương; 3 nữ Uỷ viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và 34 nữ Phó chủ nhiệm và Ủy viên thường trực ủy ban, cơ quan của Quốc hội. Ban Chấp hành Đảng bộ cấp tỉnh (nhiệm kỳ 2020 - 2025) có 16% nữ trong đó có 7 nữ Bí thư, 15 nữ phó Bí thư tỉnh, thành ủy. Ban chấp hành Đảng bộ cấp huyện có 17% nữ.
Tỉ lệ nữ tham gia các cơ quan dân cử tăng so với nhiệm kỳ trước, 151 đại biểu nữ tham gia Quốc hội khóa XV đạt 30,26% (cao hơn 3,54% so với nhiệm kỳ trước và vượt chỉ tiêu 30%); tỉ lệ nữ tham gia HĐND cấp tỉnh, cấp huyện đạt 29% (tăng so với nhiệm kỳ trước). Với tỉ lệ này Việt Nam nằm trong nhóm 1 các nước đứng đầu thế giới có tỉ lệ nữ tham chính cao.
Nữ lãnh đạo cấp tỉnh có 24/263 người, trong đó có 2 nữ Chủ tịch UBND, 22 nữ Phó Chủ tịch UBND cấp tỉnh. Có 61/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có cán bộ nữ tham gia Ban Thường vụ với tỉ lệ ở cấp tỉnh thấp nhất là 11,3%, cao nhất là 35%; cấp huyện là 15,3% (cao hơn 3,4% so với nhiệm kỳ trước).
Với năng lực và uy tín với Đảng và Nhân dân, nhiều phụ nữ đã được Đảng, Nhà nước tín nhiệm giữ vị trí trọng trách cao trong bộ máy lãnh đạo của Đảng, Nhà nước những năm gần đây.
Còn Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Hà Thị Nga cho biết, mặc dù trung bình nữ giới chiếm 40% cán bộ các cấp bộ, nhưng họ chỉ nắm giữ khoảng 21% các vị trí lãnh đạo chủ chốt.
Trên thực tế, chỉ số khoảng cách giới của Việt Nam năm 2022 đứng thứ 83 nhưng xét về khoảng cách giới trong tham chính, Việt Nam đứng thứ 106 trong số 146 nước.
Chị em phụ nữ cũng còn băn khoăn về tình trạng bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em, ly hôn trong các cặp vợ chồng trẻ, giá trị gia đình, truyền thống, giáo dục gia đình đứng trước nhiều thách thức trước tác động của mạng xã hội.
Một trong những hình thức vinh danh, ghi nhận sự cống hiến của phụ nữ Việt Nam chính là Giải thưởng Kovalevskaia do Hội LHPN Việt Nam là cơ quan thường trực, tham mưu cho Hội đồng giải thưởng. Đây giải thưởng đầu tiên và rất uy tín dành cho các nhà khoa học nữ đạt nhiều thành tích trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học tự nhiên, đã được duy trì trong 37 năm qua với 21 tập thể và 52 cá nhân nhà khoa học nữ xuất sắc trên các lĩnh vực khoa học tự nhiên.
Phát biểu tại buổi gặp mặt, Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ, ngay từ thuở bình minh của lịch sử dân tộc, phụ nữ nước ta đã nêu cao tinh thần yêu nước, bất khuất, khí phách quật cường. Trong các cuộc chiến tranh ái quốc vĩ đại của dân tộc, những tấm gương luôn tỏa sáng của nữ chiến sỹ cách mạng và các Mẹ Việt Nam Anh hùng là biểu tượng cao đẹp của chủ nghĩa anh hùng cách mạng.
Ngày nay, dù ở bất kỳ hoàn cảnh và vị trí, vai trò công tác nào, phụ nữ Việt Nam luôn phát huy cao độ giá trị truyền thống và phẩm chất tốt đẹp đó, đoàn kết, năng động, sáng tạo, "giỏi việc nước, đảm việc nhà", có nhiều đóng góp to lớn vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đảng và Nhà nước ta luôn dành sự quan tâm sâu sắc đến công tác cán bộ nữ và bình đẳng giới.
Thủ tướng nhấn mạnh về một số kết quả, tỷ lệ nữ cán bộ lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan Đảng và Nhà nước được nâng cao về số lượng và chất lượng. Tỉ lệ nữ ĐBQH nước ta chiếm 30,3%, xếp thứ 64 trên thế giới, thứ 4 ở Châu Á và đứng đầu các nước Đông Nam Á, với năng lực, tầm nhìn, tư duy đổi mới. Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có lãnh đạo chủ chốt là nữ chiếm 50%, tiệm cận với chỉ tiêu đề ra đến năm 2025.
Mới đây nhất, Bộ Chính trị đã phân công bà Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương giữ chức Thường trực Ban Bí thư, là người phụ nữ đầu tiên đảm nhận cương vị này.
Số lượng cán bộ trí thức nữ tham gia nghiên cứu khoa học ngày càng tăng; có nhiều thành công trong nước và quốc tế, được thế giới ghi nhận, mang lại giá trị kinh tế cao. Trong đó, có nhiều tập thể và cá nhân được trao giải thưởng Kovalevskaia cao quý.
Sự đóng góp của chị em phụ nữ ở các lĩnh vực khác là rất lớn, từ các tầng lớp nông dân, công nhân, người lao động, văn nghệ sĩ, công chức, viên chức, giáo viên, nhà báo, luật sư, doanh nhân, đến các vận động viên, cán bộ ngoại giao, lực lượng vũ trang, quân nhân tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hợp quốc...
Thủ tướng nhấn mạnh, trong mỗi gia đình, phụ nữ là người giữ ấm, giữ lửa, là nguồn lực, động lực phát triển gia đình và đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước, của xã hội.
Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương, hội phụ nữ tập trung thực hiện hiệu quả Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 - 2030.
Thủ tướng cho rằng cần quan tâm hơn nữa công tác quy hoạch nguồn cán bộ nữ làm lãnh đạo, quản lý các cấp, các ngành, các lĩnh vực. Đây là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng và là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, nhất là người đứng đầu.
Bộ Nội vụ triển khai hiệu quả Đề án Bồi dưỡng nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý trẻ và cán bộ lãnh đạo, quản lý là nữ của chính quyền địa phương ở nước ngoài giai đoạn 2023-2025.
Tạo môi trường, điều kiện để phát huy vai trò của đội ngũ nữ trí thức, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học, công nghệ, nhất là trí tuệ nhân tạo, internet vạn vật, dữ liệu lớn, chuỗi khối (blockchain)...