Tờ Dziennik Gazeta Prawna (DGP) đưa tin, vào mùa xuân năm 2022, Warsaw đã bí mật chuyển cho Ukraine một số tiêm kích MiG-29 theo phương thức chuyển giao trong tình trạng tháo rời và khai báo là phụ tùng thay thế. Tuy nhiên, chính phủ Ba Lan trước đây từng chính thức lên tiếng phủ nhận. 

“Thân máy bay và cánh cũng là phụ tùng thay thế,” DGP dẫn các nguồn tin trong chính phủ Ba Lan.

Tiêm kích MiG-29 của Ba Lan. Ảnh: Opinio Juris

Hồi tháng 3/2022, thời điểm Nga mới triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, Washington đã bác bỏ kế hoạch chuyển giao các tiêm kích MiG-29 của Ba Lan cho Ukraine. Theo Mỹ, động thái này “làm leo thang quá mức”, và nguy cơ trực tiếp đẩy Mỹ hoặc một đồng minh NATO vào cuộc xung đột, đồng thời dẫn tới khả năng đối đầu trực tiếp với Nga. 

Tuy nhiên, vào tháng 4/2022, Lầu Năm Góc lại tuyên bố các đồng minh giấu tên của Mỹ đã hỗ trợ phi đội tiêm kích của Ukraine bằng cách tài trợ “những linh kiện thay thế” nhằm khôi phục hoạt động cho các máy bay đã bị hư hại của Kiev. 

Còn trong bài viết mới nhất, DGP cho rằng Ba Lan có thể là quốc gia thành viên NATO đã hỗ trợ tiêm kích MiG-29 cho Ukraine. Vào tháng Tư năm ngoái, Warsaw cũng đã công bố gói hỗ trợ quân sự trị giá 7 tỷ USD cho Ukraine bao gồm một nửa số xe tăng của Ba Lan, hàng chục khẩu pháo, các hệ thống phóng rocket đa nòng Grad, cùng tên lửa sử dụng cho tiêm kích MiG-29 và Su-27. 

Trong những tuần gần đây, Mỹ dường như đã từ bỏ mối số quan ngại lâu nay liên quan tới hoạt động cung cấp các loại vũ khí hạng nặng cho Ukraine. Cụ thể, Mỹ mới đây ra tuyên bố chuyển các xe tăng chiến đấu chủ lực M1 Abrams cho Kiev, trong khi Đức, Ba Lan và Phần Lan có ý định bàn giao hàng chục xe tăng Leopard 2 cho lực lượng quân sự Ukraine. 

Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov đã lên tiếng nhấn mạnh những kế hoạch chuyển giao vũ khí như trên là bằng chứng cho thấy phương Tây đang ngày càng can thiệp sâu hơn vào cuộc xung đột ở Ukraine, dù giới chính trị châu Âu và Mỹ vẫn phủ nhận chuyện này. 

Nga cũng nhiều lần yêu cầu phương Tây dừng “bơm” vũ khí cho Ukraine, bởi hành động này chỉ khiến xung đột kéo dài thêm, và đổ máu nhiều hơn.