1. Chỉ những người hút thuốc mới bị ung thư phổi?
- Đúng
- Sai
Thuốc lá là nguyên nhân gây ra 80-90% các trường hợp ung thư phổi. Tuy nhiên, có đến 10-20% người bị ung thư phổi chưa bao giờ hút thuốc.
Các nguyên nhân và yếu tố nguy cơ khác của ung thư phổi bao gồm hút thuốc lá thụ động (ngửi khói thuốc lá từ những người hút thuốc lá), tiếp xúc với bụi phóng xạ, radon, amian, các hóa chất độc hại, ô nhiễm không khí, nhiễm khuẩn và đột biến di truyền.
2. Ung thư phổi không phổ biến ở nữ giới?
- Đúng
- Sai
Theo thống kê của Globocan năm 2020, khu vực Đông Nam Á có thêm 123.309 ca mắc ung thư phổi, trong đó 85.795 trường hợp là nam giới và 37.514 trường hợp là nữ giới. Tại Việt Nam, ung thư phổi là loại ung thư phổ biến thứ 2 ở nữ giới chỉ sau ung thư vú.
3. Không nên phẫu thuật khi mắc ung thư phổi?
- Sai
- Đúng
Ung thư phổi nếu không được kiểm soát, các tế bào khối u có thể phát triển rồi di căn đến các mô lân cận hoặc các mô ở xa.
Phẫu thuật là phương pháp điều trị triệt căn nhằm mục đích chữa khỏi ung thư phổi trong giai đoạn sớm khu trú tại chỗ, tại vùng. Phẫu thuật đem lại kết quả sống 5 năm từ 60-80% ở ung thư phổi giai đoạn 1 và 40-50% ở ung thư phổi giai đoạn 2.
Vì vậy, phẫu thuật là một phương pháp điều trị chứ không làm cho ung thư phổi di căn hay suy kiệt,
4. Hút thuốc lá điện tử cũng có thể bị ung thư phổi?
- Đúng
- Sai
Những năm gần đây, việc sử dụng thuốc lá điện tử (vape) đang ngày càng phổ biến. Nhiều người tin rằng thuốc lá điện tử ít độc hại và không gây ung thư phổi.
Thực tế, bên cạnh thuốc lá, thuốc lào, xì gà, thuốc lá điện tử cũng có thể gây ung thư phổi vì có chứa nhiều chất độc hại gây ung thư.
Không chỉ vậy, thuốc lá điện tử còn có thể gây viêm phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và nguy cơ nhồi máu cơ tim.
Các nghiên cứu cũng cho thấy nhóm thanh thiếu niên bắt đầu sử dụng thuốc lá điện tử sẽ có nhiều khả năng chuyển sang sử thuốc lá truyền thống hơn so với nhóm chưa bao giờ sử dụng thuốc lá.
Trong khi đó, 80-90% trường hợp ung thư phổi do hút thuốc lá (truyền thống).
5. Người bị ung thư phổi sẽ tử vong rất nhanh?
- Không, tùy vào thời điểm phát hiện và điều trị
- Đúng, người bị ung thư phổi tử vong nhanh hơn bệnh khác
Ung thư phổi là loại ung thư có tỷ lệ sống sau 5 năm thấp. Nguyên nhân chủ yếu là do ở giai đoạn sớm, ung thư phổi thường không có triệu chứng, triệu chứng mơ hồ, dễ nhầm lẫn với các bệnh hô hấp khác. Vì vậy, người bệnh chủ quan không đi khám.
Đa phần các trường hợp ung thư phổi được phát hiện ở giai đoạn sau, ung thư đã di căn, không thể chữa khỏi mà chỉ có thể điều trị mang tính giảm nhẹ, tăng chất lượng cuộc sống và kéo dài thời gian sống.
Tuy nhiên, như bất kỳ loại ung thư nào khác, nếu phát hiện và được điều trị sớm, bệnh nhân ung thư phổi sẽ có kết quả tốt, kéo dài thời gian và chất lượng sống.
6. Ho là triệu chứng dễ bị bỏ qua của ung thư phổi?
- Đúng
- Sai
Triệu chứng phổ biến nhất của ung thư phổi giai đoạn đầu là ho khan kéo dài. Nhưng triệu chứng này thường bị bỏ qua, hoặc nhầm lẫn thành các bệnh lý khác như viêm họng hay lao.
Do đó, việc tầm soát ung thư phổi ở những người có nguy cơ là rất quan trọng, đặc biệt là nhóm có nguy cơ cao và trung bình.
Nhóm nguy cơ cao: Người từ 50 tuổi, hút thuốc nặng trên 30 năm, một gói/ngày trong 30 năm hoặc 2 gói/ngày trong 15 năm.
Nhóm nguy cơ trung bình: Người nghiện thuốc lá nặng, đã bỏ thuốc nhưng chưa bỏ quá 15 năm; người không hút thuốc nhưng sinh hoạt làm việc trong môi trường thường xuyên tiếp xúc với thuốc lá một cách thụ động.