Theo đó, Kế hoạch nhằm cụ thể hóa mục tiêu, nhiệm vụ, triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh trên địa bàn huyện giai đoạn 2022 - 2025; là giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025. Từ đó góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh và Chiến lược chuyển đổi số quốc gia, triển khai chủ động, linh hoạt với 03 trụ cột: Phát triển chính quyền số ở nông thôn; Phát triển các chủ thể kinh tế số ở nông thôn; Phát triển xã hội số cho cộng đồng dân cư ở nông thôn.

Từng bước hình thành nông thôn mới thông minh, nâng cao hiệu quả hoạt động của cộng đồng, góp phần xây dựng, hoàn thành xã nông thôn mới kiểu mẫu, huyện nông thôn mới nâng cao, hướng đến xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững.

Nông dân huyện Quảng Xương học hỏi mô hình phát triển kinh tế trên thiết bị điện thoại thông minh.

Để đạt các mục tiêu đề ra, kế hoạch nêu rõ những nội dung yêu cầu cần thiết về việc tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp và người dân thực hiện chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh trên địa bàn huyện.

Quán triệt đầy đủ, sâu rộng nội dung các văn bản của Trung ương, của tỉnh về chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, phát huy vai trò của hệ thống chính trị, các ngành, các cấp, đặc biệt là vai trò trung tâm của người dân tham gia thực hiện chuyển đổi số. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa trong đầu tư hạ tầng, ứng dụng công nghệ, phát triển nguồn nhân lực để thực hiện hiệu quả chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện.

Về định hướng mục tiêu năm 2025, huyện sẽ tập  trung phát triển chính quyền số trong xây dựng nông thôn mới. Tổ chức đồng bộ, thống nhất trên nền tảng công nghệ số, 100% hồ sơ công việc cấp huyện, cấp xã được xử lý trên môi trường mạng, 100% số xã đạt chuẩn chỉ tiêu 8.4 của Tiêu chí số 8 về thông tin và truyền thông theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới…

Về phát triển kinh tế số, góp phần thúc đẩy kinh tế nông thôn: 100% xã có các hợp tác xã; huyện có các mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực và 50% các mô hình liên kết gắn với vùng nguyên liệu có ứng dụng công nghệ số.

Về xã hội số trong xây dựng nông thôn mới: 100% các xã cung cấp ít nhất một dịch vụ thiết yếu (y tế, giáo dục, giám sát cộng đồng, an ninh trật tự, môi trường, văn hóa) và tổ chức lấy ý kiến phản hồi về sự hài lòng của người dân/cộng đồng về kết quả xây dựng nông thôn mới thông qua ứng dụng trực tuyến. Phấn đấu có ít nhất 1 mô hình xã nông thôn mới thông minh.

Hải Minh