Đây là chia sẻ với hãng tin CNN của “Moonfish”, biệt danh một phi công Ukraine đang được đào tạo lái máy bay chiến đấu đa nhiệm F-16 do Mỹ sản xuất. Moonfish đang trong tháng thứ 2 học lái F-16.
“F-16 là lưỡi dao của quân đội Thụy Sĩ. Đây là vũ khí rất tốt, và có thể thực hiện mọi nhiệm vụ”, Moonfish cho hay, F-16 có thể hỗ trợ trên không, tấn công các mục tiêu trên mặt đất, tiêu diệt máy bay đối phương, và đánh chặn tên lửa.
Tuy nhiên, cuộc xung đột Nga – Ukraine khiến thời gian đào tạo phi công lái F-16 bị thu hẹp lại. “Trong thời bình, chúng tôi sẽ có nhiều thời gian nghiên cứu toàn diện F-16, nhưng hiện tại thì không”, Moonfish cho biết thêm, các phi công chỉ có đủ thời gian để học những tính năng cơ bản của F-16 mà quân đội Ukraine cần sử dụng.
Moonfish từng là chỉ huy phi đội máy bay chiến đấu MiG-29 do Liên Xô cũ thiết kế. Khi được ngồi thực hành trong buồng lái của F-16, Moonfish thừa nhận “nó khá chật chội”. Dù phức tạp hơn về mặt hệ thống điện tử hàng không, nhưng F-16 được đánh giá khá đơn giản về mặt điều khiển và giao diện.
"F-16 rất cơ động. Nó khuyến khích bạn lái máy bay theo phong cách hùng hổ”, Moonfish nói.
Một số tiêu chí chính để lựa chọn phi công tham gia học lái F-16 là trình độ tiếng Anh, kinh nghiệm và độ tuổi. Do xung đột đang diễn ra, nên chương trình đào tạo rất chuyên sâu và nhanh chóng.
Theo viên phi công, nếu F-16 được đưa tới Ukraine vào thời điểm hiện tại, một trong những nhiệm vụ chính của máy bay là đẩy lùi làn sóng tấn công bằng máy bay không người lái (UAV) và tên lửa của Nga.
Mối đe dọa từ máy bay và UAV Nga
Hồi tháng 8, Mỹ đã cam kết chuyển giao các tiêm kích F-16 cho Ukraine. Tuy nhiên, Kiev sẽ chỉ nhận được máy bay vào đầu năm 2024. Trong khi đó, các phi công và nhân viên kiểm soát dưới mặt đất cũng cần hoàn thành quá trình đào tạo để điều khiển và kiểm soát F-16.
Sau hơn 20 tháng bùng nổ xung đột, Nga hiện chiếm ưu thế trên không trước quân đội Ukraine. Cuộc phản công từ đầu tháng 6 của Ukraine cho tới nay chưa giành được ưu thế nào mà một phần là do không có sự yểm trợ từ không quân.
“Giả sử xung đột kết thúc vào ngày mai, tất cả chúng tôi đều hiểu rằng đó sẽ chỉ là khoảng thời gian chờ đợi cho xung đột tiếp theo. Chúng tôi cần phải xây dựng sức mạnh không quân với lực lượng máy bay từ phương Tây và đội ngũ nhân viên được đào tạo hiệu quả. Đây sẽ là biện pháp ngăn chặn lớn nhất để ngày 24/2/2022 (thời điểm Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine) không xảy ra nữa”, phi công Moonfish nói.
Phát ngôn viên Bộ Tư lệnh Không quân Ukraine Yurii Ihnat cũng từng tuyên bố, 6 tháng là đủ để đào tạo phi công Ukraine lái F-16, và giúp quân đội nước này giành ưu thế trên không trước Nga.
Trên thực tế, Ukraine cần có các chiến đấu cơ mới để ngăn chặn nhiều mối đe dọa như tên lửa và UAV của Nga. Vào mùa đông năm 2022, Nga đã cho triển khai hàng loạt cuộc tấn công vào các cơ sở hạ tầng năng lượng, khiến Ukraine rơi vào cảnh mất điện diện rộng. Khi mùa đông năm nay đang đến gần, mối lo lại xuất hiện.
Chỉ huy Không quân Ukraine Mykola Oleshchuk nói với CNN rằng, lực lượng phòng không Ukraine tiêu diệt trung bình khoảng 75% tên lửa hành trình và UAV của Nga, nhưng số còn lại vẫn tiếp cận được mục tiêu.
“Chúng tôi rất cần các hệ thống phòng không bổ sung từ tầm ngắn, tầm trung và tầm xa, cùng các máy bay hiện đại để bảo vệ không phận, và đạt được ưu thế trên không”, ông Oleshchuk nói.
Ukraine đang sở hữu kho máy bay có từ thời Liên Xô cũ. Một số máy bay đã có thời gian hoạt động gấp đôi tuổi của phi công, dẫn tới tình trạng mất an toàn khi bay.
Ngay cả lực lượng dưới mặt đất của Ukraine cũng đang rất mong chờ sự xuất hiện của các tiêm kích F-16. Ông “Mose”, Phó chỉ huy Lữ đoàn tấn công độc lập số 3 của Ukraine, chia sẻ F-16 sẽ giúp bộ binh thực hiện nhiệm vụ dễ dàng hơn do được bảo vệ tốt hơn.
“Một chiếc F-16 có thể tấn công các mục tiêu trên mặt đất, tiêu diệt hoặc làm gián đoạn hoạt động hậu cần của đối phương”, ông Mose nhấn mạnh.