Nhận thức được lợi thế và tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội dựa trên các nguồn lực biển, đảo, Nghị quyết số 09-NQ/TW, ngày 9-2-2007, của Hội nghị Trung ương 4 khóa X, “Về chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020”; Nghị quyết số 36-NQ/TW, ngày 22-10-2018, của Hội nghị Trung ương 8 khóa XII, “Về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”… đều khẳng định định hướng đưa Việt Nam trở thành một quốc gia mạnh về kinh tế biển, giàu từ biến, lấy kinh tế biển làm động lực thúc đẩy kinh tế cả nước, thúc đẩy các vùng khác phát triển; bảo đảm phát triển bền vững, kinh tế biển gắn với bảo vệ môi trường và bảo đảm quốc phòng - an ninh…

Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 đã xác định rõ 7 khu vực trọng điểm ưu tiên phát triển du lịch, trong đó có 5 khu vực là thuộc dải ven biển với những sản phẩm đặc trưng cho từng vùng.

Đó là vùng đồng bằng sông Hồng và duyên hải Đông Bắc; Bắc Trung Bộ; Duyên hải Nam Trung Bộ; Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long. Nơi đây tập trung tới 7/13 di sản thế giới; 6/8 khu dự trữ sinh quyển; nhiều vườn quốc gia, các khu bảo tồn thiên nhiên; nhiều di tích văn hóa-lịch sử.

Các khu vực này cũng tập trung tới 70% khu, điểm du lịch trong cả nước, hàng năm thu hút khoảng 48-65% lượng khách du lịch ở Việt Nam.

Lặn biển đang thu hút nhiều du khách

Để “phát triển các ngành kinh tế biển, nhất là du lịch” đạt được mục tiêu như Nghị quyết số 36-NQ/TW đề ra, theo TS. Phạm Thị Trầm, Lê Hồng Ngọc, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, trong thời gian tới, cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp sau:

Thứ nhất, đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng, như giao thông, cấp thoát nước, cơ sở xử lý chất thải… tại các địa phương ven biển. Khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia hoạt động du lịch ven biển. Đẩy mạnh xã hội hóa các nguồn đầu tư để tôn tạo các danh lam, thắng cảnh, phát triển làng nghề, phục dựng các lễ hội, xây dựng các công trình văn hóa, các khu vui chơi giải trí hiện đại, đẩy mạnh phát triển và khai thác các loại hình sản phẩm du lịch mới, như du lịch nghỉ dưỡng, chữa bệnh, vui chơi giải trí cao cấp, du lịch tham quan kết hợp hội thảo, mua sắm…, góp phần đa dạng hóa các sản phẩm du lịch ven biển, tăng tính hấp dẫn và mới lạ đối với khách du lịch, đồng thời quảng bá được hình ảnh về cảnh quan và con người của các địa phương ven biển, gia tăng mức chi tiêu của du khách tại điểm đến.

Thứ hai, đẩy mạnh công tác bảo vệ môi trường tại các tỉnh, thành phố ven biển. Tuyên truyền nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường sinh thái, đa dạng sinh học đối với khách du lịch và người dân tham gia dịch vụ du lịch. Ưu tiên đầu tư cho việc ứng dụng năng lượng thay thế, triển khai công nghệ “3R” (tiết giảm, tái sử dụng, tái chế) trong hoạt động phát triển du lịch. Ưu tiên phát triển du lịch sinh thái, du lịch xanh trên cơ sở những nguyên tắc và tiêu chí cụ thể, như tiêu chí về du lịch sinh thái, tiêu chí về du lịch bền vững; các tiêu chí về bảo vệ môi trường ở các khu, điểm du lịch và ở các cơ sở dịch vụ du lịch. Thực hiện tốt Luật Bảo vệ môi trường, Luật Di sản văn hóa; bảo vệ nghiêm ngặt môi trường du lịch ở các khu vực nhạy cảm thuộc phạm vi các di sản thế giới, khu danh thắng, khu bảo tồn đa dạng sinh học. Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường tại các điểm du lịch…

 Thu gom rác ở các rạn san hô để bảo vệ môi trường tại các điểm du lịch biển_Nguồn: nhiepanhdoisong.vn
Thứ ba, tăng cường phối hợp, liên kết trong quản lý và phát triển du lịch, nhất là phát triển sản phẩm du lịch, tạo thành chuỗi sản phẩm, tuyến du lịch đặc sắc theo từng khu vực, tránh sự trùng lặp và đơn điệu trong phát triển du lịch ven biển của các tỉnh, thành phố. Mỗi vùng, khu vực, địa phương cần có các sản phẩm du lịch đặc thù, mang đậm sắc thái văn hóa, điều kiện tự nhiên của địa phương và có chất lượng cao.

Thứ tư, có cơ chế, chính sách thu hút cộng đồng tham gia vào các hoạt động du lịch, tạo điều kiện để người dân địa phương trực tiếp tham gia các hoạt động phát triển du lịch nhằm tạo việc làm, ổn định đời sống của người dân. Chú trọng phát triển mô hình du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái nông nghiệp công nghệ cao, du lịch homestay… để không chỉ góp phần đa dạng hóa các sản phẩm du lịch ven biển, giúp người dân địa phương có thêm thu nhập, mà còn góp phần bảo vệ các nguồn tài nguyên du lịch, bảo tồn và phát triển các làng chài, làng nghề, bảo đảm an ninh ở vùng ven biển.

Thứ năm, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch trong bối cảnh mới. Tiêu chuẩn hóa nhân lực du lịch phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế và tiêu chuẩn ASEAN về trình độ chuyên môn, kỹ năng thực hành. Đào tạo, đào tạo lại, nâng cao trình độ ngoại ngữ và chuyên môn, phong cách và kỹ năng thuyết trình cho đội ngũ hướng dẫn viên du lịch; đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý nhà nước, kiến thức du lịch cho nhân lực trực tiếp làm việc trong cơ quan quản lý. Các doanh nghiệp du lịch cần có cơ chế thu hút, đãi ngộ xứng đáng để “giữ chân” và phát huy tối đa năng lực nhân lực chất lượng cao làm việc tại doanh nghiệp.

Thứ sáu, có các biện pháp hỗ trợ tài chính để khôi phục, phát triển du lịch do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, cũng như tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, thiên tai. Các hoạt động hỗ trợ cần được triển khai trong cả trước mắt và lâu dài. Về các biện pháp ngắn hạn, bao gồm: gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch và dịch vụ lưu trú; miễn, giảm lãi suất và lệ phí… Về các biện pháp dài hạn, bao gồm: hỗ trợ các khoản vay không lãi suất cho các doanh nghiệp du lịch trong và sau thời gian đại dịch COVID-19 hoặc đối với các doanh nghiệp bị tổn thất nặng nề bởi thiên tai, lũ lụt… Bên cạnh đó, để khôi phục hoạt động du lịch, chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch và chủ sử dụng lao động du lịch cũng cần có phương án bảo hiểm nhằm giảm thiểu rủi ro và thiệt hại đối với hoạt động kinh doanh và bảo vệ lợi ích của người lao động.

Văn Thường, Trần Sâm, Thu Huyền