Cuối năm ngoái, Việt Nam đã tham dự phiên họp Đại hội đồng lần thứ 33 của Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO) tại Luân Đôn, Vương quốc Anh.

Phiên họp lần thứ 33 là phiên họp thường kỳ được tổ chức hai năm một lần của Đại hội đồng IMO để thông qua các vấn đề quan trọng của ngành hàng hải quốc tế như việc triển khai các công ước quốc tế, vấn đề đào tạo, thay thế và an toàn sức khỏe thuyền viên, bầu Chủ tịch và Phó chủ tịch Đại hội đồng IMO cũng như tiến hành bầu các nước vào thành viên Hội đồng của IMO nhiệm kỳ 2024-2025.

Phát biểu tại phiên họp, Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm nhấn mạnh, là thành viên của Tổ chức Hàng hải quốc tế từ năm 1984, Việt Nam đánh giá rất cao vai trò dẫn dắt quan trọng và nỗ lực của IMO vì sự phát triển bền vững của ngành hàng hải quốc tế, đặc biệt là trong những năm qua, khi ngành hàng hải thế giới phải đối mặt với nhiều thách thức mới như đại dịch Covid-19, vấn đề thay thế thuyền viên, ô nhiễm môi trường biển cũng như các vấn đề về an ninh, an toàn hàng hải khác.

Việt Nam là một quốc gia có vị trí địa lý chiến lược quan trọng trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nằm trên tuyến hàng hải quốc tế huyết mạch nối hai đại dương lớn là Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Việt Nam chia sẻ sự quan tâm chung với cộng đồng quốc tế trong việc tăng cường triển khai các công ước quốc tế của IMO trong các lĩnh vực mang tính truyền thống như an ninh, an toàn hàng hải và bảo vệ môi trường biển, cũng như các vấn đề mới nổi như vận tải biển xanh, bền vững nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu.

cangbien6.jpg
Việt Nam là một quốc gia có vị trí địa lý chiến lược quan trọng trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nằm trên tuyến hàng hải quốc tế huyết mạch nối hai đại dương lớn là Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.

Chính phủ Việt Nam luôn coi việc triển khai các công ước hàng hải quốc tế của IMO là một trong những ưu tiên trong phát triển ngành hàng hải Việt Nam. Thời gian qua, Việt Nam đã liên tục chủ động triển khai các quy định sửa đổi của nhiều công ước hàng hải quốc tế như Công ước SOLAS 1974 (Công ước an toàn sinh mạng con người trên biển), Công ước MARPOL 73/78 (Công ước quốc tế về Ngăn ngừa ô nhiễm từ tàu biển), Công ước STCW (Công ước quốc tế về các tiêu chuẩn huấn luyện, cấp chứng chỉ và trực ca thuyền viên)...

Theo dự thảo Đề án về tăng cường sự hiện diện của Việt Nam tại IMO của Cục Hàng hải Việt Nam, Việt Nam có lợi thế lớn cho chiến lược phát triển ngành kinh tế hàng hải, khai thác và tiêu thụ các sản phẩm đóng tàu, các dịch vụ từ cảng biển.

Việt Nam cũng tích cực tham gia ký kết các hiệp định thương mại tự do song phương, đa phương và các hiệp định vận tải biển với các quốc gia trên thế giới, trong đó có IMO.

Cục Hàng hải Việt Nam nhận định, việc ký kết và thực hiện các điều ước của IMO sẽ giúp Việt Nam cải thiện hệ thống quản lý hàng hải và nâng cao chuẩn mực vận tải biển, cũng như mang lại cơ hội và gây dựng tiềm năng phát triển đội tàu biển quốc gia.

Ngoài ra, việc là thành viên của IMO mang đến nhiều cơ hội cho thúc đẩy thu hút đầu tư và giao thương quốc tế, tạo tiền đề phát triển kinh tế và xã hội của quốc gia. Đồng thời, mang lại lợi ích về an ninh biển và bảo vệ môi trường cho Việt Nam, nâng cao vai trò và địa vị của quốc gia trong cộng đồng quốc tế.

Tăng cường hiện diện của Việt Nam tại IMO là cần thiết để quốc gia tham gia và ảnh hưởng trong việc xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn hàng hải quốc tế, bảo đảm an toàn và bảo vệ môi trường biển, thúc đẩy phát triển bền vững và tạo cơ hội hợp tác quốc tế. 

Nhóm PV