Cá ngừ đại dương (cá bò gù) là loại hải sản đặc biệt thơm ngon, được chế biến thành nhiều loại món ăn và tạo nguồn hàng xuất khẩu có giá trị.

Phú Yên nhiều năm qua được xem như “cái nôi” của nghề câu cá ngừ đại dương ở Việt Nam, là tỉnh có sản lượng đánh bắt cá ngừ lớn nhất cả nước. Phương pháp câu cá ngừ đại dương được tìm ra từ năm 1990 đã trở thành thế mạnh của ngư dân Phú Yên nói riêng, ngư dân các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ nói chung.

Tuy nhiên, phương pháp câu thủ công nhiều năm qua chưa phát huy hết tiềm năng của nghề khai thác cá ngừ đại dương.

anh bai 10.jpg
Phú Yên là tỉnh có sản lượng đánh bắt cá ngừ lớn nhất cả nước.

Tháng 12/2021, mô hình hợp tác xã đầu tiên của tỉnh Phú Yên áp dụng công nghệ cao vào khai thác, đánh bắt cá ngừ đại dương đã chính thức ra mắt. Đó là Hợp tác xã Cá ngừ công nghệ cao Phú Yên, gồm 8 thành viên sáng lập, vốn điều lệ 7 tỷ đồng, hoạt động với mục tiêu hợp tác tương trợ lẫn nhau trong hoạt động khai thác, chế biến, kinh doanh và xuất khẩu cá ngừ đại dương, hướng tới xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị mặt hàng cá ngừ Phú Yên.

Tại lễ ra mắt Hợp tác xã Cá ngừ công nghệ cao Phú Yên, lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên đã bày tỏ kỳ vọng Hợp tác xã này sẽ là đơn vị hạt nhân có thể kết nối, hợp tác phát triển, khắc phục được những bất cập của nghề khai thác cá ngừ lâu nay, giúp nâng cao giá trị cá ngừ, tăng thu nhập cho ngư dân.

“Ngay sau khi thành lập, Hợp tác xã đã tập trung tiến hành các giải pháp cải tiến công nghệ khai thác và bảo quản trên tàu, nâng cao tay nghề cho thuyền viên, liên kết theo tổ đội sản xuất trên biển để rút ngắn thời gian chuyến biển. Cùng với đó, tổ chức cung cấp dầu, nhu yếu phẩm, đá xay phục vụ bảo quản cá…, giúp các thành viên yên tâm bám biển. Đây cũng là mô hình phù hợp để đảm bảo hiệu quả hoạt động phát triển chuỗi khai thác, bảo quản, thu mua, chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu thủy hải sản”, ông Lê Hải Đăng, Giám đốc Hợp tác xã Cá ngừ công nghệ cao Phú Yên cho hay.

Cũng theo ông Đăng, nhận thấy khó khăn của các ngư dân, do tàu đánh bắt chủ yếu là tàu nhỏ, sức chứa 1,5 tấn/tàu, thời gian di chuyển ra vùng khai thác mất tới 3 ngày, chi phí xăng dầu cao, hiệu quả kinh tế thấp, Hợp tác xã đã đầu tư và chuẩn bị đưa vào khai thác tàu cung cấp dịch vụ trên biển với vốn đầu tư 15 tỷ đồng, sử dụng công nghệ cấp đông trên tàu bằng thiết bị công nghệ Nhật Bản, gắn thiết bị định vị, quản lý lịch trình. 

“Tàu đưa vào vận hành có khả năng cung cấp nhiên liệu, nhu yếu phẩm và khoang bảo quản cá ngừ từ 70 – 80 tấn, giúp giảm chi phí cho các tàu đánh cá và quản lý được trực tiếp hoạt động đánh bắt cá của các thành viên”, ông Đăng thông tin.

Sau hơn 2 năm phát triển, hiện Hợp tác xã đã có 15 thành viên tham gia với giá trị tài sản 16 tỷ đồng. Ngành nghề sản xuất, kinh doanh của Hợp tác xã gồm khai thác, nuôi trồng thủy sản, dịch vụ hậu cần nghề cá.

Năm 2022, sản lượng khai thác cá ngừ của các thành viên là 150 tấn/năm, được Hợp tác xã Cá ngừ công nghệ cao Phú Yên bao tiêu sản phẩm, bán cho công ty chế biến, đặc biệt là Công ty Cổ phần Bá Hải – doanh nghiệp mạnh trong ngành chế biến thủy hải sản. 

Mặt khác, các thành viên của Hợp tác xã cũng tiến hành các hoạt động sơ chế, chế biến và bán sản phẩm cho nhiều nhà hàng Nhật Bản tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh khác.

“Trong thời gian tới, chúng tôi đang xây dựng chiến lược mở rộng quy mô thành viên, đầu tư thêm 2 tàu lớn phục vụ đánh bắt và liên kết xuất khẩu trực tiếp sản phẩm cá ngừ ra nước ngoài. Đồng thời, phát triển liên kết giữa đội tàu với doanh nghiệp thu mua, chế biến để bảo đảm chuỗi giá trị bền vững”, Giám đốc Lê Hải Đăng chia sẻ định hướng phát triển trong tương lai.

Bình Minh và nhóm PV, BTV