Ngày 3/7, PGS Phạm Cẩm Phương, Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), cho biết trung tâm đang tiếp nhận một trường hợp ung thư phổi thể nguy hiểm từ triệu chứng đau ngực.

Nữ bệnh nhân N.L. (66 tuổi, Hà Nội) xuất hiện đau ngực trái tăng dần khoảng 15 ngày kèm theo ho khan, không sốt, không khó thở. Bệnh nhân đi khám chụp X-quang tình cờ phát hiện khối u phổi trái ở phổi trái nên được chuyển đến Bệnh viện Bạch Mai để chẩn đoán và điều trị. Kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhân mắc ung thư biểu mô tế bào nhỏ.

Theo bác sĩ Phương, ung thư phổi là một trong những loại loại ung thư phổ có tỷ lệ mắc và tử vong rất cao ở nam giới, nhưng thường được chẩn đoán ở giai đoạn muộn. Theo GLOBOCAN 2020, số ca được chẩn đoán ung thư phổi mới là hơn 2,2 triệu ca đứng hàng thứ 2 về tỷ lệ mắc mới.

Ung thư phổi được chia thành ung thư phổi không tế bào nhỏ và ung thư phổi tế bào nhỏ. Trong đó, ung thư phổi tế bào nhỏ chiếm khoảng 15% số lượng ca mắc. Đặc biệt, khoảng 70% bệnh nhân khi phát hiện bệnh đã ở giai đoạn lan tràn, tiên lượng thường rất xấu. Nếu bệnh nhân không điều trị, thời gian sống trung bình từ khi chẩn đoán chỉ từ 2 đến 4 tháng. 

Hóa trị và xạ trị là hai phương pháp chủ yếu trong điều trị ung thư phổi tế bào nhỏ. Bệnh đáp ứng tốt với hóa trị (tỷ lệ đáp ứng là 70–80% với khoảng 50% bệnh nhân đáp ứng hoàn toàn với hóa trị ở giai đoạn khu trú 4) nhưng tỷ lệ sống sau 5 năm chỉ từ 5% đến 10% do bệnh tái phát.