W-tony9728-1.jpg
Chùa Nghệ sĩ còn có tên Nhựt Quang Tự hay Phật Quang Tự tọa lạc tại đường Thống Nhất, phường 11, Gò Vấp, TP.HCM. Ngoài 988 hũ cốt và 353 ngôi mộ, nơi này còn cưu mang những người với thân phận khác nhau hàng chục năm trời.
W-tony9619-2.jpg
Hiện có 9 người làm công quả, trong đó 4 người sống nương nhờ nơi đây. Họ không phân chia việc cụ thể mà mỗi người tự giác phụ trách một phần, không ai tị hiềm hay so đo nhau. Chùa hiện không còn sư sãi, mỗi ngày mở cửa lúc 6h, đóng cửa lúc 21h. Họ dậy nấu cơm, quét sân, lau chùi bàn thờ... thay ca nhận giữ xe người viếng chùa. 
W-tony9671-1.jpg
Người cư ngụ chùa không có lương, sống bằng tiền bồi dưỡng hơn 1 triệu đồng/tháng và tiền khách gửi giữ xe. Mỗi ngày, họ nấu 1 nồi cơm trắng to từ gạo Phật tử cúng dường, tự túc thức ăn. "Ở đây chỉ có người chết vì già, vì bệnh chứ chưa có ai chết vì đói đâu, cậu yên tâm", họ nói với phóng viên. 
W-tony9672-1.jpg
Người sống trong chùa được cấp một căn trọ nhỏ khoảng 9m2. Nếu có hư hại phát sinh, họ tự bỏ tiền túi sửa 'nhà' mình. Nhiều nhà trống từ khi các sư sãi rời đi. Người có nguyện vọng vào đây sống phải thông qua thủ tục từ trưởng ban quản lý - NSND Huỳnh Hữu Danh.
W-tony9623-1.jpg
Theo phản ánh chung, từ khi NSND Trịnh Kim Chi tiếp quản ban Ái hữu, những người làm công quả thấy nhẹ nhàng, dễ chịu, cảm nhận được sự gần gũi, chăm lo của Hội Sân khấu TP.HCM. Nếu gặp khó khăn, vướng mắc, họ có thể tâm sự, nhờ ban quản lý cơ sở hoặc Hội hỗ trợ. Ngoài ra, họ vui khi thấy chùa khang trang, sạch đẹp hơn.
W-tony9585-1.jpg
Bà Thủy (tên thật Nguyễn Thị Bích Qua, sinh năm 1962) - trông coi việc người ra vào chùa - là cháu, gọi NSND Phùng Há là bà ngoại Bảy (bà ngoại bà là chị ruột Phùng Há - PV). Bà được Phùng Há nuôi nấng từ nhỏ đến lúc lấy chồng. Năm 1997, bà dọn về Chùa Nghệ sĩ sống cùng bà ngoại, phụ giúp mọi thứ trong khả năng. 
tony9588-1.jpg
Khi NSND Phùng Há mất năm 2009, bà nguyện ở đây trông chùa, giữ mộ và lo hương khói cho ngoại hết phần đời còn lại. Bà Thủy bắt đầu ngày mới bằng việc thắp hương, quét dọn khu mộ của bà ngoại. Ngoài làm công quả cho chùa, bà tranh thủ nhận thêm công việc bên ngoài kiếm thu nhập. 
W-tony9600-1.jpg
Bà Thủy đặc biệt hơn khi có căn nhà khá khang trang ngay trong Chùa Nghệ sĩ mà bà ngoại Phùng Há để lại. Hai con gái bà cũng sống tại đây. 
W-tony9637-1.jpg
Nghệ sĩ Minh Vũ sinh năm 1958, tên thật là Nguyễn Minh Vũ, trên giấy tờ là Nguyễn Văn Như. Theo đoàn Kim Chung 5 từ năm 1972, ông theo chăm sóc cố nghệ sĩ Minh Phụng và được giao một số vai nhỏ trong các vở Võ Đông Sơ - Bạch Thu Hà, Kiều Nguyệt Nga cống Hồ, Kim Vân Kiều, Bao Công xử án Trần Thế Mỹ... Ngoài ra, cũng có thời gian ông theo đoàn Dạ Lý Hương và Hương Mùa Thu. 
W-tony9638-2.jpg
Năm 1995, cải lương đi xuống, ông thôi đi diễn, chuyển sang làm công việc hành chính ở các đoàn. Một năm sau, Minh Vũ về sống tại Chùa Nghệ sĩ, làm lái xe cho ông bầu Xuân (chủ gánh hát Dạ Lý Hương, quản lý chùa khi đó) đến khi ông mất. 
W-tony9647-1.jpg
Nhiều năm qua, ai hỏi "Có phải nghệ sĩ không?", Minh Vũ đều chối phắt. Ông nói: "Người ta có tên có tuổi hẵng nhận, tôi đây toàn kép ba, kép tư, nhận làm chi ngại thêm". Dù vậy, ông vẫn ca tặng phóng viên trích đoạn ngắn trong vở "Kiếm sĩ dơi".

Nghệ sĩ Minh Vũ ca 1 câu trong vở 'Kiếm sĩ dơi'

W-chua-nghe-si-vang-lang-mua-gio-to-1-5.jpg
Nghệ sĩ Cảnh Tượng từng làm việc bên Khu dưỡng lão nghệ sĩ (Quận 8, TP.HCM) giai đoạn 2007 – 2014, sau đó về chùa sống và làm bảo vệ. Ông sống nhờ vào số tiền giữ xe 20 - 30 nghìn đồng/ngày. Từng theo đoàn Hương Mùa Thu, thỉnh thoảng, ông ra thăm mộ các đồng nghiệp Hữu Lợi, Hữu Lộc, Minh Dịch... và trưởng đoàn - cố soạn giả Thu An. 
W-tony9686-1.jpg
Thời trẻ, Cảnh Tượng từng đóng khá nhiều vở tuồng với cố nghệ sĩ Minh Phụng nên quý ông nhất. Ông hay ra mộ NSƯT quét dọn, tâm sự. Tuổi gần đất xa trời, người nghệ sĩ già không hiểu vì sao vẫn nhớ như in những chuyến cùng nhau đi diễn vùng sâu vùng xa, hát cúng đình, lần ông tự ý chế thoại khiến Minh Phụng bối rối cũng như sự hòa đồng của chàng kép chánh 'nổi tiếng khủng khiếp'. Đôi khi, ông mong có báo đài đến chùa chỉ để có dịp kể lể, hát vài câu như vậy.
W-tony9657-1.jpg
Bà Trang về chùa làm kế toán từ năm 2018 đến nay, giữ nhiều sổ sách, giấy tờ và nắm hầu hết số liệu liên quan nơi này. Bà có gia đình, vì lý do cá nhân mà vào đây sống. Bà an phận, hài lòng với những gì đang có.
W-tony9663-1.jpg
Giống những người làm công quả khác, ông Nguyễn Đình Thụy (sinh năm 1972, vào chùa năm 2018) có việc gì làm nấy nhưng phụ trách chính việc sửa điện, nước. Ông làm việc ở đây từ sáng đến tối mới về nhà. 
W-tony9707-1.jpg
Bốn người còn lại gồm 1 người phụ nữ bán vé số phụ trách nấu cơm, 1 cô quét rác tên Phấn phải chạy thận 3 ngày/tuần và 2 người làm công quả không thường xuyên.
W-tony9565-1.jpg
Trước đó, ngày 12/1, ông Chín Độ (trái) qua đời do tuổi già. Thời trẻ, ông làm nhân viên hậu đài các đoàn cải lương, vào chùa từ năm 2006, chuyên coi sóc mồ mả và dẫn khách tham quan, viếng nghĩa trang. Không người thân thích, ông được những người sống cùng chùa lo hậu sự, hết 49 ngày sẽ đưa vào nhà cốt. Tương tự nhiều nghệ sĩ tuổi xế chiều từng cứ thế qua đời trong thầm lặng, không một dòng tin tại nơi này mấy chục năm qua.
tony9728.jpg
Hỏi về mong mỏi, những người sống ở Chùa Nghệ sĩ nói: "Chúng tôi già cả rồi, lại làm công quả nên chẳng biết đòi hỏi gì. Nếu được, mong mọi người, các nhà hảo tâm quan tâm hơn. Chúng tôi xem việc coi sóc nghĩa trang này như trách nhiệm, không dám nhận công cán dù bao nhiêu người lui tới đây hầu như không nhớ chúng tôi là ai. Chúng tôi chỉ có vài người ở trên miếng đất rộng hơn 6.000m2 này, mỗi năm lại có người ra đi. Rằm khách khứa tới đông đúc hay ngày thường vắng lặng, chúng tôi đều quen rồi".