Chùa Nghệ sĩ do Hội Sân khấu TP.HCM giao cho Ban Ái hữu quản lý. Tại chùa, ban quản lý cơ sở gồm trưởng ban - NSND Huỳnh Hữu Danh, phó ban - phó Chánh Văn phòng Hội Sân khấu Phan Phi Hùng và một số thành viên khác.
Từ cuối năm 2022, Trưởng ban Ái hữu Hội Sân khấu TP.HCM - NSND Trịnh Kim Chi đã nỗ lực vận động quyên góp tu sửa Chùa Nghệ sĩ. Sau 3 đợt tu sửa, ngôi chùa tuổi đời hơn nửa thế kỷ này khang trang, sạch đẹp hơn. Những hạng mục lớn bên ngoài như sửa toàn bộ mái lợp, mái hiên, sơn sửa toàn bộ tường, lắp đặt lại hệ thống dây điện...
Trên diện tích đất 6.080m2, Chùa Nghệ sĩ chia thành nhiều khu vực chức năng khác nhau. Đến nay hầu như không xây thêm hay đập bỏ khu vực nào (trừ một nhà chứa củi được dựng dã chiến trước đây), chỉ tu sửa.
Khu vực Chánh điện được thi công chống thấm trần, sơn lại cột rồng, tôn nghiêm và sáng sủa.
Phòng thờ Tổ sau khi được sửa sang. Bàn thờ Tổ nghiệp được sắp xếp chỉn chu, là nơi các nghệ sĩ đến thắp hương đầu tiên khi ghé thăm chùa.
Một góc phòng thờ Tổ đặt bàn thờ ông Nguyễn Văn Độ (trái) và diễn viên Aly Dũng (bên phải) đang trong giai đoạn 49 ngày. Ông Nguyễn Văn Độ (hay Chín Độ) thời trẻ là công nhân sân khấu, tuổi già nương nhờ cửa chùa. Sinh thời, ông phụ trách chính khu vực nghĩa trang.
Sân khấu nằm bên trái khu vực Chánh điện, là một trong những khu vực chức năng chính của chùa. Sau khi được cải tạo, không gian này sẽ là nơi các đoàn hát biểu diễn hoặc tổ chức tiệc dịp lễ lạt, hội hè. Ngày thường, nơi đây được NSND Trịnh Kim Chi đề xuất tận dụng làm nơi tổ chức tang lễ cho những nghệ sĩ nghèo không đủ khả năng hoặc không có người lo hậu sự.
Nhà bếp cũng thuộc hạng mục được sửa. Mỗi ngày, những người sống ở chùa nấu chung 1 nồi cơm to từ gạo Phật tử cúng dường, tự túc thức ăn.
Mộ phần NSND Phùng Há - người có công xây chùa - luôn sạch sẽ, trang nghiêm. Từ khi NSND mất, cháu ruột - bà Nguyễn Thị Bích Qua - 'định cư' tại đây lo coi sóc, hương khói cho bà ngoại.
Tính đến hết tháng 1/2024, nhà cốt 1 còn 598 hũ cốt, nhà cốt 2 còn 390 hũ, tổng cộng 988 hũ.
Mộ phần nghệ sĩ Minh Phụng thường được 1 khán giả nữ ở Buôn Ma Thuột tới viếng. Người này ái mộ ông gần 50 năm, tình cảm đến nay không phai nhòa.