Video: Người đàn ông tự chế ngựa sắt đi dạo

Chế ngựa sắt để đi dạo

Những ngày qua, mạng xã hội xuất hiện đoạn clip ngắn ghi lại hình ảnh một người đàn ông ngồi trên xe, điều khiển con ngựa sắt phía trước bước đi chầm chậm bằng 2 chân. Phần thân ngựa sắt được tạo hình, trang trí rất giống ngựa thật.

Khi di chuyển, ngựa sắt nhấc 2 chân trước, bước từng bước chậm. Chốc chốc, miệng ngựa lại nhả ra khói trắng. 'Chú ngựa đặc biệt' kéo theo một chiếc xe 2 bánh phủ rèm đỏ. Trên xe có 2 ghế ngồi.

ngua sat 1.png
Hình ảnh ông Đúng điều khiển ngựa sắt kéo xe trên đường. Ảnh cắt từ clip

Sau khi xuất hiện trên mạng xã hội, đoạn clip ngắn trên thu hút nhiều lượt xem, bình luận, chia sẻ. Nhiều cư dân mạng đã bày tỏ sự thán phục trước độ sáng tạo, khéo tay của người tạo ra chú ngựa sắt độc đáo.

Theo tìm hiểu của PV, chủ nhân của ngựa sắt trên là ông Trần Văn Đúng (68 tuổi, xã Bình Lợi, huyện Bình Chánh, TP.HCM). Ông Đúng chế tạo con ngựa sắt nói trên trước Tết với mục đích thỏa đam mê, có phương tiện đi lại độc đáo quanh xóm.

Ông Đúng học nghề thợ máy từ lúc nhỏ nên có niềm đam mê chế tạo, sửa chữa máy móc. Tuy nhiên khi trưởng thành, ông lại làm ngành khác.

ngua-sat-2-1.jpg
Hiện, ông đã tháo rời ngựa sắt và xe để cải tiến, nâng cấp. Ảnh: Hà Nguyễn

Sau khi nghỉ hưu, ông thường mày mò độ, chế một số máy móc, thiết bị để thỏa mãn đam mê và sử dụng vào những mục đích riêng. Có lần ông tự chế chiếc xe ba bánh chạy bằng điện cho một người khuyết tật.

Trước Tết, ông thấy có người tự chế ngựa sắt di chuyển được trên đường. Thấy mình cũng có thể làm được, ông quyết định thử sức.

Mong muốn ngựa sắt tự chế của mình có ngoại hình giống với ngựa thật, ông Đúng tìm, tải về ảnh chụp xe ngựa. Sau đó, ông mày mò tạo khung ngựa bằng sắt có tỉ lệ gần đúng với con ngựa thật.

W-ngua-sat-3-1.jpg
Ông sử dụng động cơ xe máy cũ để thay cho động cơ máy tàu trước đây. Ảnh: Hà Nguyễn

Ông tỉ mẩn vẽ, trang trí phần đầu ngựa có đầy đủ bờm, tai, mắt, mũi. Để con ngựa sắt trông thật và sống động, ông còn tạo hình dây cương một cách chi tiết.

Đặc biệt, hai chân trước con ngựa tự chế có vó bằng sắt được ông gắn vào động cơ máy tàu, khiến chúng có thể chuyển động. Khi di chuyển, ngựa sắt bước đi từng bước như ngựa thật. Sau khi hoàn thiện ngựa sắt, ông chế khung xe rồi gắn vào phía sau.

Ông Đúng chia sẻ: “Ngựa sắt của tôi không chỉ trông giống ngựa thật mà còn có thể di chuyển bằng cách bước đi từng bước. Tuy nhiên, do sử dụng động cơ máy tàu và để cho ngựa di chuyển bằng chân từng bước nên tốc độ của nó khá chậm.

W-ngua-sat-4-1.jpg
Ông thay thế động cơ để ngựa sắt đạt tốc độ cao, có sức kéo tốt hơn. Ảnh: Hà Nguyễn

Tôi ước tính, nếu di chuyển quãng đường 6km, ngựa sắt phải mất khoảng 2 giờ. Vì thế, sau khi hoàn thiện, tôi chỉ sử dụng nó để đi dạo quanh xóm uống cà phê, cắt tóc… Thấy ngựa của tôi lạ nên nhiều người xin quay phim, chụp ảnh đưa lên mạng”.

Nâng cấp sức mạnh, tốc độ

Sau khi các thước phim về ngựa sắt của mình được đăng tải lên mạng xã hội, ông Đúng nhận về cả niềm vui lẫn nỗi buồn. Ngoài các bình luận thể hiện sự thán phục, bất ngờ, không ít người để lại những lời châm chọc, chê cười.

Các bình luận kiểu: "Ngựa này đi từ TP.HCM đến Biên Hòa (Đồng Nai) phải mất 1 tháng"; "Đem ngựa này đi rước dâu đảm bảo độc, lạ. Chỉ có điều về đến nhà chồng, cô dâu thành mẹ bỉm sữa luôn"… khiến ông liên tục suy nghĩ.

W-ngua-sat-5-1.jpg
Vì chỉ có một mình mày mò độ chế nên ông chưa xác định được thời gian hoàn thiện ngựa sắt "phiên bản" mới. Ảnh: Hà Nguyễn

Sau cùng, ông quyết tâm cải tạo, nâng cấp ngựa sắt của mình cả về sức mạnh lẫn tốc độ “để không còn bị cộng đồng mạng chê cười, châm chọc”. Chiều 23/3, ông Đúng mày mò tháo lắp, cưa cắt, độ chế con ngựa sắt của mình.

Ông tháo bỏ động cơ máy tàu, thay bằng động cơ xe máy cũ. Với động cơ này, sau khi hoàn thiện, ngựa sắt có thể kéo theo xe chở 5 - 6 người ngồi.

Để tăng tốc độ của ngựa lên 30 - 40 km/h, ông lắp một bánh xe máy vào giữa 2 chân ngựa sắt. Sau này, ngựa sắt sẽ di chuyển bằng bánh xe.

Ông vẫn giữ lại 2 chân sắt để "chú ngựa" trông tự nhiên hơn. Khi ngựa sắt di chuyển, 2 chân này vẫn sẽ chuyển động theo kiểu bước đi.

W-ngua-sat-6-1.jpg
Sau khi hoàn thiện, ông sẽ cho tất cả những ai có nhu cầu đến xem, trực tiếp trải nghiệm. Ảnh: Hà Nguyễn

Tuy nhiên, chân ngựa sẽ chuyển động với tốc độ cao và không chạm xuống mặt đường như trước. Ông Đúng cũng dự định thay thế, nâng cấp 2 bánh xe của thùng xe phía sau để đáp ứng nhu cầu chở theo 5 - 6 người.

Ông tâm sự: “Tôi chế ngựa sắt chủ yếu từ phế liệu, vật dụng sẵn có. Dù vậy, chưa tính công làm, tôi đã tiêu tốn gần 20 triệu đồng. Để nâng cấp, cải tạo theo ý muốn, tôi vừa đầu tư thêm động cơ xe máy cũ.

Tôi dự định sau khi hoàn thiện, ngựa sắt sẽ có vận tốc 30 - 40 km/h, có thể điều khiển tiến, lùi bằng tay và chở theo 3 - 4 người trên xe. Khi xe hoàn thiện, tôi sẽ cho tất cả những ai có nhu cầu đến xem, trực tiếp trải nghiệm.

Tôi vui và hạnh phúc với ý tưởng chế ngựa sắt này của mình. Bởi bây giờ có một chiếc xe đẹp, sang trọng để đi lại là điều bình thường. Nhưng để có được một phương tiện đi lại độc đáo, lạ mắt thì không phải ai cũng có được”.