Độc giả chia sẻ ý kiến, thắc mắc, kinh nghiệm trong việc mua bán nhà đất xin gửi về địa chỉ email: vland@vietnamnet.vn hoặc gửi ý kiến TẠI ĐÂY
Những ngày này, lên báo đọc tin tức, lên mạng xã hội, đâu đâu tôi cũng bắt gặp hình ảnh những con phố, con ngõ, khu dân cư tại Hà Nội ngập trong “biển nước”. Thậm chí có cả những câu chuyện “dở khóc dở cười” khi có người suýt chết đuối trong hầm chung cư mini bị ngập sâu.
Từ câu chuyện mưa ngập, tôi cũng muốn chia sẻ kinh nghiệm mua nhà của mình, làm sao để tránh mua phải nhà nằm trong khu vực bị ngập.
Cách đây 5 năm, sau nhiều năm kinh doanh buôn bán và tích lũy được số tiền hơn 5 tỷ đồng, tôi có ý định mua căn nhà đầu tiên.
Kết nối với nhiều môi giới, tôi được đưa đi xem hơn chục ngôi nhà nhưng vẫn chưa ưng căn nào. Tinh thần bắt đầu chán nản thì nhận được cuộc gọi của một môi giới thông báo tìm được căn “siêu phẩm”, ngõ nông, diện tích vừa phải, giá đúng tầm tài chính.
Đi xem theo lịch hẹn của môi giới thì quả thực đây đúng là căn tôi ưng ý nhất. Nhà nằm trong một con ngõ ở quận Cầu Giấy, Hà Nội, diện tích hơn 40m2, pháp lý rõ ràng, ngõ nông, xe ba gác đi được, xung quanh yên tĩnh.
Ấn tượng đầu tiên của tôi về căn nhà khá tốt. Những ngày sau đó, môi giới cũng liên tục thuyết phục tôi chốt nhanh vì "giá cả hợp lý, hiếm có nhà đẹp như thế này ở ngay quận trung tâm, không nhanh lại có người khác chốt mất".
Tuy nhiên, tôi không vội vàng, nói rằng mình cần thêm thời gian để suy nghĩ. Thực tế tôi không trăn trở, suy nghĩ gì nhiều. Thứ tôi chờ đợi chỉ là... một cơn mưa to. Bởi với kinh nghiệm ở Hà Nội nhiều năm và từng đôi ba lần thuê phải những căn nhà nằm trong các ngõ ngách trũng, cứ mưa to là “điệp khúc” ngập nên tôi khá cẩn trọng khi mua căn nhà đầu tiên.
Khoảng một tuần sau, do ảnh hưởng của bão, mưa to liên tục cả ngày. Tôi gọi điện hẹn đi xem nhà lại nhưng người môi giới tỏ ra ngần ngại, khuyên tôi dời lịch vì "trời mưa đi xem nhà không tiện".
Vậy là tôi khoác áo mưa, dắt xe máy để đi xem nhà một mình. Đến nơi, cảnh tượng trước mắt khiến tôi không khỏi bất ngờ. Con ngõ nhỏ ngày thường khô ráo giờ đã ngập trong nước. Đứng ở đầu ngõ thấy một số hộ dân ở đó phải dùng chăn, quần áo cũ, tải cát “đắp đập be bờ” ở cửa để nước không tràn vào nhà.
Tôi để xe ở đầu ngõ, lội bộ vào chỗ căn nhà mình có ý định mua thì thấy căn nhà “điểm 10 chất lượng” hôm trước cũng bị nước tràn vào trong. Ngõ ngập, mùi ống cống bốc lên hôi rình. Thỉnh thoảng lại có người dắt xe đi qua đoạn ngập tạo thành các sóng nước tạt vào các căn nhà hai bên ngõ.
Nhìn cảnh tượng đó, tôi thầm cảm ơn bản thân đã không vội vàng tin lời môi giới mà kiên nhẫn chờ đợi "phép thử" của ngày mưa.
Giờ đây, tôi đã có 3 bất động sản. Lần nào cũng vậy, trước khi quyết định xuống tiền mua, tôi đều dành ra một buổi đi xem nhà vào ngày trời mưa to.
Nhiều người bảo tôi "kỳ cục", rước khổ vào người vì đi xem nhà ngày mưa bất tiện đủ thứ. Nhưng với tôi, đó lại là cơ hội để biết căn nhà và những tuyến đường chính xung quanh có bị ngập không. Nhà bị ngập không chỉ ảnh hưởng đi lại, sinh hoạt mà còn rất dễ thấm, nứt, nấm mốc, giảm tuổi thọ công trình.
Nhờ những lần đội mưa đi xem nhà mà 3 lần mua bất động sản là 3 lần tôi thành công, chưa mua phải bất kỳ căn nhà nào nằm trong khu vực bị ngập.
Từ những trải nghiệm của bản thân, tôi thấy mọi người trước khi xuống tiền thì cần dành thời gian tìm hiểu kỹ lưỡng về giá cả, pháp lý, đặc biệt là nên đi xem nhà vào những ngày mưa to để đánh giá khách quan về chất lượng và vị trí của căn nhà.
Vào những ngày mưa, các căn nhà thổ cư thường bộc lộ một số điểm yếu như nước ngấm chân tường lâu ngày dẫn tới nấm mốc, thấm dột từ trần. Còn đối với chung cư, một số căn hộ do chất lượng xây dựng kém, nước mưa còn thấm qua cửa sổ chảy vào nhà. Ban công, lô gia thoát nước kém cũng khiến nước chảy ngược vào trong nhà.
Nếu vẫn xác định mua căn nhà khu vực đó thì người mua hoàn toàn có thể thương lượng lại giá. Như vậy, khách hàng sẽ mua được nhà với giá cả hợp lý hơn. Đừng để những lời thúc giục chốt nhanh, chốt sớm, cơ hội hiếm có… khiến bạn phải ôm hận sống trong những căn nhà hễ mưa là rơi vào cảnh “khóc dở, mếu dở”.
Mạnh Chiến (Hà Nội)