Nông dân “lên sàn”, chốt đơn xuyên quốc gia

Không đơn thuần bán sản phẩm theo hình thức trực tiếp như trước đây, những ngày này, bà Lưu Thị Hò - Giám đốc HTX nông lâm nghiệp dịch vụ thương mại Po Mỷ (Hà Giang), quảng bá sản phẩm, bán hàng trực tuyến. Bà cho biết, chỉ 45 phút livestream bán hàng qua phiên “Chợ đêm trên mây”, HTX đã tiếp nhận 40 đơn hàng, với 1.000 chiếc bánh chưng đặc sản của cao nguyên đá Đồng Văn.

Tối thứ Bảy hàng tuần, HTX đều đặn livestream để kết nối với khách hàng và tiếp thị sản phẩm. Kết quả, đơn hàng đặt mua tăng mạnh bất chấp đại dịch.

Tại Bình Phước, HTX Thương mại - Dịch vụ Phước Thiện có sản lượng mít ruột đỏ thu hoạch từ 1.000 ha, được tiêu thụ với giá 40.000 đồng/kg. Trong khi nhiều địa phương đang ùn ứ nông sản, giá rớt thảm thì HTX này còn ký được hợp đồng xuất khẩu khối lượng lớn với một công ty tại Hà Lan, thông qua sàn thương mại điện tử (TMĐT).

Đến nay, 30-50% các sản phẩm mít, vú sữa, xoài... của HTX được tiêu thụ trực tuyến. Phần lớn các đơn hàng được chốt theo hình thức bán buôn.

{keywords}
Năm qua, TMĐT giúp nông dân thoát cảnh giải cứu nông sản (ảnh: Bình Minh)

Năm 2021, đại dịch Covid-19 bùng phát, chiến dịch đưa nông sản lên sàn TMĐT, bán trực tuyến không chỉ là giải pháp tạm thời mang tính “giải cứu”, mà trở thành con đường tiêu thụ nông sản một cách bền vững.

Thực tế cho thấy, với 350.000 tấn vải thiều thu hoạch ở Hải Dương và Bắc Giang, gần đây, đặc sản này được đưa lên sàn một cách chuyên nghiệp. Nông dân được nhân viên các sàn Vỏ Sò, Postmart trực tiếp hướng dẫn.

Chị Đỗ Thị Vân và anh Hà Quang Thành - hai nông dân trồng vải ở Lục Ngạn - lần đầu tiên trải nghiệm livestream bán hàng trên facebook. Hơn 40 phút, hai “KOL” nghiệp dư này đã dẫn dắt 30.000 người xem đi tham quan vườn trồng vải thiều Lục Ngạn của gia đình và hơn 8 tấn vải thiều được chốt mua.

Ông Chu Quang Hào - đại diện Tổng công ty Bưu điện Việt Nam, cho hay có sự thay đổi chóng mặt trên sàn Vỏ sò (Viettel Post) và Postmart (VnPost), khi quả vải thiều được đưa lên.

Số lượng bà con nông dân lên sàn tăng đột biến, mỗi ngày lên tới hàng trăm nghìn thay vì chỉ vài nghìn người như trước. Chỉ 2 tuần đầu tháng 6/2021, có tới 4,6 triệu lượt truy cập tìm hiểu về sản phẩm vải thiều, với 36.000-37.000 đơn đặt hàng/ngày.

Tại Bắc Giang, qua các sàn TMĐT, hơn 1 triệu đơn hàng vải thiều được chốt. Lượng vải bán trên sàn tăng gấp 5 lần kịch bản đề ra. Còn ở Hải Dương, đặc sản vải thiều của tỉnh được biết đến rộng rãi, giúp nông dân có vụ mùa thắng lợi với doanh thu 1.400 tỷ đồng.

Thời điểm cuối tháng 7, đầu tháng 8, giãn cách xã hội ở các tỉnh phía Nam, chuỗi cung ứng bị đứt gãy, chợ truyền thống, chợ đầu mối bị phong toả, nông sản khắp nơi ùn ứ. Bấy giờ, TMĐT trở thành kênh bán hàng chính, cả bán lẻ và bán buôn. Tuy là một sàn quy mô nhỏ của Tổ Công tác 970 (Bộ NN-PTNT), nhưng đã kết nối mua bán được hàng trăm ngàn tấn nông sản. Sàn còn chốt được những đơn hàng 1.000-2.000 tấn thuỷ sản cho đối tác nước ngoài.

Với combo nông sản bán lẻ cho người dân TP.HCM, sàn này cũng tiêu thụ cả 1.000 tấn nông sản/ngày. Có thời điểm, sàn liên tục bị “sập” do lượng truy cập tăng vọt.

Hướng đi mới cho hàng triệu hộ dân

Năm 2021, dịch bệnh làm chuỗi cung ứng bị đứt gãy hoàn toàn, khắp nơi ùn ứ nông sản. Bộ trưởng NN-PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, cả nông dân lẫn DN phải trải qua những ngày đầy gian khó.

Lần đầu tiên, tổ công tác của Bộ được thành lập, trực tiếp xuống các địa phương để giải quyết vấn đề này. Bộ trưởng nhìn nhận, đây là câu chuyện xử lý tình huống trong đại dịch, song qua đó, cũng để nhìn lại chuỗi cung ứng, tìm ra con đường mới để nông sản tiêu thụ một cách bền vững trong bất cứ hoàn cảnh nào - đó là TMĐT.

{keywords}
Cùng với bán lẻ qua sàn, có thể làm các sàn B2B để tiêu thụ nông sản (ảnh: N.Thọ)

Trước, để mua được các loại đặc sản phải ra chợ, vào siêu thị, thậm chí nhờ người đặt mua vì quá xa. Giờ chỉ cần smartphone, làm vài thao tác có thể mua được đặc sản từ trong Nam hay tận Tây Bắc. TMĐT phát triển, đầu cầu được mở ra sẽ thúc đẩy được đầu cung. Đây là cơ hội cho nông sản Việt trên “sân chơi” mới này.

Song, không chỉ với bán lẻ mà có thể tiến xa hơn, thúc đẩy phát triển TMĐT bán buôn (sàn B2B) một cách chuyên nghiệp.

Thực tế, ở Việt Nam, vài năm gần đây, chợ nông sản bán buôn online hoạt động khá rầm rộ trên các nền tảng mạng xã hội, song đa phần đều tự phát. Một số “chợ online” này do các cá nhân lập ra, không có đăng ký nên rủi ro cao về chất lượng hàng hoá. Nhưng, với hàng chục ngàn thành viên, thậm chí cả trăm ngàn người tham gia mỗi “chợ online”, có thể thấy tiềm năng của TMĐT B2B tại Việt Nam với hàng nông sản.

Phát triển sàn B2B theo hướng chuyên nghiệp, mọi thông tin về sản xuất và thị trường sẽ được minh bạch. Bởi, qua sàn, nhà phân phối có thể đặt hàng ngay từ lúc nông dân gieo trồng. Ngược lại, dựa vào nhu cầu của nhà phân phối, nông dân có thể tính toán sản lượng sao cho phù hợp nhất, tránh dư thừa.

Chia sẻ tại Diễn đàn Nông dân với chuyển đổi số Nông nghiệp mới đây, ông Trần Công Thắng - Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược nông nghiệp nông thôn (Bộ NN-PTNT), cho biết, nền kinh tế số tại Việt Nam năm 2021 ước đạt 21 tỷ USD năm 2021, tăng 31% so với năm 2020 và dự kiến đạt 57 tỷ USD vào năm 2025.

Theo ông Thắng, tốc độ tăng trưởng tại Việt Nam được dự báo cao nhất khu vực, tổng giá trị hàng hóa của nền kinh tế số tăng gấp gần 3 lần trong vòng 4 năm tới. Đây là cơ hội để nông dân tham gia chợ mới, mở thêm đường tiêu thụ nông sản.

Một chuyên gia trong ngành nhận định, bão Covid-19 là cú hích để đưa nông sản lên sàn TMĐT. Thành công trong năm 2021 là khởi đầu đầy ấn tượng, tạo ra niềm tin về sàn TMĐT cho bà con nông dân. Từ hàng triệu hộ dân, sau sẽ tăng lên hàng chục triệu hộ tham gia.

Theo ông Phan Trọng Lê, Trưởng ban Nghiên cứu phát triển Vietnam Post, đến nay, Postmart đã đưa sản phẩm của hơn 2,5 triệu hộ sản xuất nông nghiệp trong cả nước lên môi trường số, thúc đẩy tiêu thụ hơn 20.000 tấn nông sản. Viettel Post hỗ trợ hơn 2 triệu hộ lên sàn, tiêu thụ faafn 12.900 tấn hàng, trị giá 74,3 tỷ đồng.

Năm 2022, các đơn vị này đặt mục tiêu đưa sản phẩm của 5 triệu hộ nông dân lên sàn, tiếp tục tập huấn kỹ năng chuyển đổi số để nông dân chủ động mở rộng kinh doanh.

Tâm An

Chốt 1 triệu đơn hàng, điều chưa từng có với dân đồi Bắc Giang

Chốt 1 triệu đơn hàng, điều chưa từng có với dân đồi Bắc Giang

Lần đầu vải thiều Bắc Giang được bán trên các sàn thương mại điện tử, gần 1 triệu đơn hàng đặt mua 9.000 tấn quả. Con số này vượt 5 lần kịch bản tốt nhất mà tỉnh Bắc Giang xây dựng.