Buổi sáng ngày giữa tháng 12, tại cửa hàng văn phòng phẩm ở xã Yên Hòa (Yên Mô, Ninh Bình), sau khi chọn mua xong vài món đồ cần dùng cho gia đình, bà Phạm Thị Chấn (70 tuổi) cầm trên tay chiếc smartphone rồi vào app quét mã QR code để thanh toán số tiền hàng đã mua.

Dù thao tác còn chưa thuần thục nhưng bà Chấn đang dần quen với hình thức thanh toán điện tử hiện đại này.

Anh Nguyễn Tuấn Sự - chủ cửa hàng văn phòng phẩm ở xã Yên Hòa đã rất quen thuộc với việc khách quét mã QR code để thanh toán khi mua hàng. Anh thấy tiện hơn nhiều khi nhận thanh toán bằng tiền mặt. Đặc biệt, khi thanh toán online anh không còn phải lo tiền lẻ để trả lại cho khách hàng.

Với anh Sự và nhiều người dân ở xã Yên Hòa, khái niệm "chuyển đổi số" giờ đây không còn xa lạ. Bởi trong cuộc sống hàng ngày, người dân có thể thanh toán online, cần xin giấy tờ xác minh hay làm các thủ tục hành chính với xã chỉ việc vào ứng dụng "Công dân số" thực hiện thao tác khai báo với vài bước đơn giản là xong, rút ngắn thời gian so với việc xếp hàng như trước kia.  

Hay như trong lĩnh vực y tế, người dân cũng quen dần với việc tư vấn chăm sóc sức khỏe từ xa, thành lập nhóm cộng đồng trên mạng “Yên Hòa hỏi - Bác sĩ trả lời”….

Tháng 9/2020, Yên Hòa là một trong 2 xã của huyện Yên Mô được công nhận xã nông thôn mới kiểu mẫu. Ngay sau đó, xã được lựa chọn để triển khai thí điểm chuyển đổi số hướng tới mô hình nông thôn mới thông minh. Đến nay, sau hơn 2 năm thực hiện, ở xã Yên Hòa đã có cả một hệ sinh thái số được tạo dựng, cuộc sống của người dân có sự thay đổi theo hướng hiện đại hơn. 

Ông Đoàn Trung Nam, Chủ tịch UBND xã Yên Hòa cho biết, xã đã thành công trong nâng cấp, tái cấu trúc hệ thống mạng nội bộ, triển khai đường truyền số liệu chuyên dùng; triển khai hệ thống truyền thanh ứng dụng trí tuệ nhân tạo.

Tạo ra cả một hệ sinh tái số, xã Yên Hòa được FAO giới thiệu trong Sáng kiến “Làng kỹ thuật số” cùng với một số mô hình của một số nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Hiện tất cả các bài phát thanh, tuyên truyền của địa phương đều được áp dụng công nghệ chuyển văn bản giấy thành giọng nói thông qua nền tảng trí tuệ nhân tạo AI, chuyển file để phát trên hệ thống; chất lượng bài tuyên truyền ngày càng được nâng cao, hiệu quả tốt hơn.

Đặc biệt, xã đã triển khai ứng dụng cho chính quyền số với việc sử dụng chữ ký số; hệ thống quản lý văn bản và điều hành; tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính trên hệ thống Một cửa điện tử; thiết lập kênh truyền thông, giao tiếp giữa UBND xã và người dân; hệ thống giám sát, điều hành thông minh cấp xã.

Theo ông Nam, triển khai Hệ sinh thái Hành chính công trên ứng dụng “Công dân số”, xã đã tiến hành hướng dẫn cài đặt, sử dụng và cấp được 1.722 tài khoản trên ứng dụng “Công dân số” cho người dân. Tập trung đăng tải thông tin tuyên truyền, văn bản chỉ đạo trên app để nhân dân theo dõi, nắm bắt; xây dựng các hướng dẫn, tờ rơi tại bộ phận một cửa, trên web để người dân hiểu và thấy được lợi ích.

Việc phát triển thương mại điện tử, triển khai thanh toán điện tử trong nhân dân cũng được đẩy mạnh. Không chỉ vậy, nền tảng địa chỉ số, phần mềm Vpostcode được xây dựng và triển khai đến 100% hộ gia đình, các điểm thanh toán điện tử bằng cách quét mã QR code được triển khai. Các lĩnh vực y tế, giáo dục, an ninh… cũng được số hóa.

Ông Nam cho rằng, để chuyển đổi số thành công tiến tới xã nông thôn mới thông minh thì trong quá trình thực hiện cần lấy người dân làm trung tâm. Từ đó, tuyên truyền thật sâu, rộng để cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu thế nào là chuyển đổi số, chuyển đổi số ở lĩnh vực nào và mang lại lợi ích như thế nào thì quá trình triển khai thực hiện mới có thể thuận lợi, thu hút được sự tham gia của đông đảo người dân.

Hiện ở xã yên Hòa nhiều người vẫn chưa quen khi các hoạt động đều được số hóa, quá trình số hóa vẫn đang được hoàn thiện. Song, với những gì đã và đang diễn ra ở đây, trong một tương lai không xa người ta có thể hy vọng về những cuộc sống số sẽ xuất hiện nhiều hơn ở các vùng nông thôn nước ta.

B.H