Du lịch nông nghiệp hút khách

Chung tay trong phong trào xây dựng nông thôn mới, từ giữa năm 2022 đến nay, ở Hợp tác xã Rau sạch Yên Dũng, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang không chỉ đơn thuần là sản xuất các loại cây có giá trị kinh tế như cà chua, dưa lưới, dưa lê Hàn, nho Hạ đen… để cung ứng ra thị trường mà còn đầu tư xây dựng điểm du lịch trải nghiệm trong hoạt động sản xuất tại hợp tác xã. 

Theo đó, hợp tác xã xây dựng các mô hình trải nghiệm, thực hành từ sản xuất, chăm sóc, thu hoạch và sơ chế cho du khách. Đến nay, hợp tác xã đón hàng nghìn học sinh từ các trường mầm non, tiểu học trên địa bàn huyện và TP Bắc Giang đến tham quan, trải nghiệm. 

Lục Ngạn trở thành một trong những vùng cây ăn quả lớn nhất miền Bắc với nhiều loại trái cây được người tiêu dùng trong và ngoài nước ưa chuộng, diện tích trên 28.000 ha. Trong chu kỳ một năm, Lục Ngạn có 4 mùa hoa trái để thu hút khách du lịch. 

Mô hình du lịch nông nghiệp ở vùng cây ăn trái thu hút nhiều du khách. Ảnh: Đức Anh.

Ở bản Ven, Phồn Xương, huyện Yên Thế thu hút nhiều du khách thành thị đến đây nghỉ dưỡng dịp cuối tuần để thả hồn vào thiên nhiên, tham quan và thưởng thức hương vị chè xanh của người Cao Lan với những phương thức bí truyền lâu đời.

Đến với điểm du lịch độc đáo này, du khách không chỉ được tham gia các công đoạn sản xuất, chế biến chè mà còn thưởng thức các món ăn đặc trưng của đồng bào dân tộc Cao Lan như: Gà đồi, xôi ngũ sắc, trứng kiến… Ngoài ra, du khách còn được tự tay hái những búp chè non và thưởng thức những làn điệu Then của người Tày, Nùng.

Thời gian gần đây, phát triển du lịch nông nghiệp nông thôn trở thành nhiệm vụ trọng tâm, nhiều điểm du lịch cộng đồng ở vùng cây ăn quả đi vào hoạt động. Các đơn vị lữ hành đã kết nối tour đưa khách về Lục Ngạn, nhiều hợp tác xã du lịch của huyện đã trực tiếp tổ chức đưa đón và phục vụ các đoàn khách đến tham quan trọn gói.

Mùa vải năm nay, huyện tổ chức Chương trình du lịch “Hương sắc mùa hè Lục Ngạn”, hay như “Về miền quả ngọt Lục Ngạn” thu hút gần 100 nghìn lượt khách, tạo ấn tượng, sự hấp dẫn riêng. 

Ông Nguyễn Văn Hữu, Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất nông nghiệp và thương mại du lịch Thanh Hải cho biết, diện tích cam, bưởi của gia đình ông lên tới 10 ha, sản lượng quả năm nay ước đạt 300 tấn. Năm ngoái, khách đến đây chỉ ngồi dưới lán nhỏ của gia đình, sức chứa vài chục người, hiện giờ đã có thể tiếp đón 200 khách cùng lúc.

“Tôi vẫn có thể bán trái cam, bưởi như bình thường. Làm du lịch, tôi còn có thêm được nguồn thu nhập từ du khách khi tới tham quan vườn cây”, ông Hữu nói.

Đẩy mạnh du lịch nông thôn trên thế mạnh có sẵn

Phát triển du lịch nông thôn là một trong những giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025. Cuối năm 2021, UBND tỉnh ban hành Đề án Phát triển du lịch cộng đồng tỉnh Bắc Giang, giai đoạn 2022 - 2030. 

Trong giai đoạn này, tỉnh sẽ bố trí kinh phí hỗ trợ 35 điểm thuộc các mô hình phát triển du lịch dựa vào cộng đồng; ưu tiên xây dựng 2 mô hình du lịch cộng đồng thí điểm để nhân rộng gồm: Điểm du lịch sinh thái Đồng Dao - hồ Bầu Lầy và Hợp tác xã An Phú (thuyền bè trên nước) -  xã Tân Sơn (cùng huyện Lục Ngạn). 

Các chuyên gia và doanh nghiệp lữ hành thừa nhận, du lịch nông nghiệp đang là “mỏ vàng” ở nông thôn. Bắc Giang có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch trong lĩnh vực này. Song, cần có chiến lược bài bản, tạo ra các điểm nhấn độc đáo ở mỗi điểm đến. Cơ sở hạ tầng, cơ sở lưu trú cần được đầu tư nhiều hơn nữa để thu hút du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng.

Theo ông Dương Thanh Tùng, Giám đốc Sở NN&PTNT, phát triển du lịch nông thôn sẽ mang đến lợi ích kép cho người dân, vừa phát huy tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp, làng nghề, văn hóa và môi trường sinh thái, vừa góp phần nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn. 

Hiện ngành đang phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết về hỗ trợ cho các điểm du lịch do người dân tự đầu tư xây dựng, tạo cú hích trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tích hợp đa giá trị, phát triển bền vững.

Hà Giang