Cách đây hơn một tuần, có doanh nhân gọi điện cho tôi với giọng đầy buồn bực và xúc cảm. Anh kể, anh đã đến một vài ngân hàng thương mại để tìm nguồn cho các hóa đơn đến hạn thanh toán dịp cuối năm. Anh được thông báo lãi suất cho vay tới 17%, nhưng rốt cuộc anh không thể vay được vì cả anh và bên ngân hàng đều thiếu nhiều tiêu chuẩn. Bên thì không còn room, bên thì thiếu điều kiện. “Lãi suất lên đến mức như vậy mà tôi không thể vay được. Tôi phải làm gì bây giờ!”, vị doanh nhân than thở.

Tôi chẳng biết làm gì ngoài nói những lời chia sẻ, động viên.

Báo chí thông tin, mức lãi suất huy động lên đến 9-10% ở một số ngân hàng thương mại, thậm chí, tôi biết, có nơi lên đến 12-13%. Hiện tại, nhiều khoản cho vay ngắn hạn có lãi suất còn cao hơn vay dài hạn, mà điều bất thường này đã diễn ra cách đâu rất lâu, hơn chục năm trước.

Nới room tín dụng lần này được rất nhiều bên trông chờ

Khát vốn, thiếu thanh khoản đã và đang vang lên từ rất nhiều các doanh nghiệp đơn lẻ hay hiệp hội doanh nghiệp, trong các bản báo điều tra về sức khỏe doanh nghiệp, trong các báo cáo vĩ mô,…  Vì thế, mức lãi suất mà vị doanh nhân phàn nàn không có gì lạ, kể cả khi chỉ số lạm phát của nước ta đến nay rất thấp, chỉ khoảng hơn 3%.

Tình thế trên là rất “lạ” và được chuyên gia ngân hàng Lê Xuân Nghĩa đúc kết: “Doanh nghiệp Việt Nam đang kinh doanh với lãi suất cao nhất thế giới. Đây là chuyện kỳ lạ ở một quốc gia có lạm phát thuộc loại thấp nhất thế giới!”.

Cách đây 3 hôm, chỉ tiêu tín dụng bỗng được nới thêm khoảng 1,5-2% cho toàn hệ thống các tổ chức tín dụng trong năm 2022. Điều đó có nghĩa, khoảng 200 nghìn tỷ đồng sẽ được bơm ra thêm trong chỉ trong hơn hai chục ngày cuối cùng của năm nay, bên cạnh chỉ tiêu tín dụng còn lại.

Câu hỏi đặt ra, tiền đã đi đâu?

Các nhà kinh tế phân tích rằng, tổng phương tiện thanh toán (M2) chỉ tăng 6,5% trong 11 tháng của năm, trong khi lẽ ra nó phải tương ứng với tốc độ tăng trưởng GDP (8%) cộng với tỷ lệ lạm phát (3%) trong điều kiện thông thường.

M2 tăng trưởng bằng nửa thông thường; tiền mặt phải hút về sau khi bán ra USD để giữ tỷ giá; vốn trái phiếu chính phủ và đầu tư công được giải ngân rất chậm; và đặc biệt là vốn trái phiếu doanh nghiệp đã bị “siết chặt”, nhất là trong 2 tháng gần đây sau khi bùng nổ trong suốt năm Covid 2021;… Những yếu tố đó đã giúp trả lời một phần vì sao thiếu tiền, lãi suất các ngân hàng tăng cao.

Với tỷ lệ tín dụng so với GDP cao bậc nhất thế giới, tăng trưởng kinh tế dựa chủ yếu vào vốn do nền sản xuất nội địa yếu kém, thì doanh nghiệp và nền kinh tế gặp khó khăn là điều hiển nhiên trong bối cảnh như nói trên.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng đã trả lời tại phiên chất vấn ở Quốc hội ngày 8/6

Khi room tín dụng được nới thêm, nhiều người sẽ quan tâm cái room đó được phân bổ như thế nào?

Về điều này, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng đã trả lời tại phiên chất vấn ở Quốc hội ngày 8/6. Bà nói: “Về phân bổ cho các tổ chức tín dụng, chúng tôi đều có những nguyên tắc chung, trên nền tảng phân loại các tổ chức tín dụng. Tổ chức tín dụng nào có tình hình lành mạnh, quản trị tốt hơn thì được tăng trưởng tín dụng cao hơn”.

Như vậy, việc phân bổ room tín dụng sẽ không cào bằng cho các tổ chức tín dụng.

Câu hỏi đặt ra là ngoài việc duy trì room, cấp thêm room, mà về thực chất là can thiệp hành chính, còn có cách nào khác để giúp quản trị rủi ro, đảm bảo an toàn vốn cho các tổ chức tín dụng? Thế giới còn cách nào khác hay không?

Các quy định hiện nay về an toàn vốn đã được ban hành. Thông tư 41 yêu cầu các tổ chức tín dụng phải đáp ứng tỷ lệ vốn an toàn theo quy định của Basel II. Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, đã có 85/92 ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đã áp dụng chuẩn mực vốn theo Basel II và chỉ còn 7 ngân hàng chưa thực hiện. Bên cạnh đó, còn có hệ thống thanh tra, giám sát với hàng ngàn nhân viên.

Nới room tín dụng lần này được rất nhiều bên trông chờ, dù chỉ còn hai chục ngày nữa. Động thái này như luồng gió mát giúp giải nhiệt cho nhiều người đang khát khô cổ trong bối cảnh hiện nay.

Nhưng để đảm bảo luồng vốn lành mạnh, hiệu quả và an toàn cho nền kinh tế thì không chỉ cần nhiều giải pháp tiền tệ và tài khóa phối hợp mà còn giảm dần cơ chế hành chính. Đó là điều vị doanh nhân nêu trên và rất nhiều người khác mong chờ.

Tư Giang 

Hạn mức tín dụng và những câu hỏi còn treoNgân hàng Nhà nước hôm qua đã điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2022 đối với các tổ chức tín dụng, và như thông lệ, không công khai chỉ tiêu này mà gửi riêng đến từng đơn vị.