Kon Sơ Lăl là làng có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất xã Hà Tây (huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai). Làng có 119/126 hộ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), chiếm hơn 90% dân số.

Theo báo cáo rà soát tỷ lệ hộ nghèo cuối năm 2019 của UBND xã, toàn làng hiện còn 34 hộ nghèo (100% là đồng bào DTTS), chiếm 27%.

Để giúp người dân vươn lên thoát nghèo, các cấp ủy đảng, chính quyền tỉnh Gia Lai đã triển khai nhiều chương trình, dự án, các chính sách hỗ trợ người nghèo, giúp người nghèo vươn lên thoát nghèo.

Tại xã Đăk Jơ Ta, (huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai), từ năm 2014 - 2019 các chương trình, chính sách nhằm phát triển kinh tế cho làng Đê Bơ Tưk được các cấp ủy đảng, chính quyền quan tâm hơn.

Theo đó, dân làng được thụ hưởng đầy đủ các chương trình, dự án hỗ trợ của Nhà nước thông qua các chính sách dân tộc và chính sách an sinh xã hội.

Chương trình 168, 135, Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên đã cấp bò giống, phân bón, lúa giống… cho các hộ nghèo.

Từ đầu năm 2020, UBND huyện Mang Yang đã triển khai Đề án phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo bền vững làng Đê Bơ Tưk, xã Đăk Jơ Ta (giai đoạn 2020 - 2022).

Tại huyện Chư Pưh, công tác giảm nghèo, nhất là vùng đồng bào DTTS luôn được huyện quan tâm triển khai thực hiện hiệu quả.

Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo nói chung, hộ nghèo DTTS nói riêng đã giảm đáng kể. Tính đến hết năm 2019, huyện Chư Pưh còn 1.155 hộ nghèo, chiếm 6,8%, giảm 512 hộ so với cuối năm 2018. Trong đó, có 981 hộ nghèo người DTTS, chiếm 85% hộ nghèo toàn huyện.

{keywords}
Các chính sách đầu tư phát triển kinh tế - xã hội đã tạo ra sự chuyển biến rõ nét về công tác giảm nghèo các huyện khó khăn nhất Gia Lai.

Ông Rơ Lan Lân, Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Pưh cho biết, thời gian tới, huyện tiếp tục huy động mọi nguồn lực hỗ trợ hộ nghèo phát triển sản xuất, hướng đến đào tạo nghề, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, nhất là người DTTS; tiếp tục đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và dân sinh ở các xã đặc biệt khó khăn. Giảm khoảng cách về thu nhập và mức sống giữa các vùng, các nhóm dân cư. Không ngừng đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm, vươn lên thoát nghèo.

Được biết, trong giai đoạn 2020 - 2025, tỉnh Gia Lai tiếp tục quan tâm thực hiện Chương trình giảm nghèo, đặc biệt quan tâm các giải pháp giảm nghèo bền vững.

Theo đó, kinh phí thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trong giai đoạn 2016 - 2020 là 1.268 tỷ đồng. Tỷ lệ hộ nghèo từ 19,7% năm 2015 giảm còn dưới 4,5% vào cuối năm 2020; tỷ lệ hộ nghèo trong vùng dân tộc thiểu số từ 40,1% giảm còn dưới 6,25%. Cơ sở hạ tầng vùng nghèo, vùng đặc biệt khó khăn được quan tâm đầu tư; đời sống vùng đồng bào dân tộc thiểu số chuyển biến tích cực, góp phần giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XV trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 – 2025, tỉnh Gia Lai cho biết, tiếp tục ưu tiên nguồn lực đầu tư cho công tác giảm nghèo bền vững, nhất là khu vực đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn.

Giai đoạn 2020 - 2025, Gia Lai phấn đấu đưa tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn đa chiều) giảm dưới 1%/năm; đặc biệt quan tâm các giải pháp giảm nghèo một cách bền vững.

Thu Hiền
Ảnh: Anh Dũng