Thấm nhuần tư tưởng “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia”, Đảng và Nhà nước ta từ lâu đã luôn chú trọng việc phát hiện, thu hút, trọng dụng nhân tài.
Gần đây nhất, trong định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 – 2030, Nghị quyết Đại hội XIII cũng nhấn mạnh đến việc “thu hút và trọng dụng nhân tài”.
Câu chuyện “đãi cát tìm nhân tài" và giữ chân người tài vẫn là trăn trở của nhiều thế hệ lãnh đạo qua các nhiệm kỳ.
Đây cũng là vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội đặt ra tại nhiều phiên chất vấn, thảo luận tại nghị trường trong nhiều kỳ họp Quốc hội.
Hiện, Bộ Nội vụ đang xây dựng Đề án Chiến lược Quốc gia thu hút, trọng dụng nhân tài đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 để trình Chính phủ ban hành trong năm 2023.
Với tầm quan trọng của đề án này, VietNamNet tổ chức loạt bài ‘Chìa khóa' thu hút và giữ chân nhân tài với mong muốn góp thêm tiếng nói khách quan, nhiều chiều vào chiến lược này.
Để xây dựng đội ngũ cán bộ có phẩm chất, năng lực, TP Hà Nội đã ban hành nhiều chính sách đãi ngộ nhân tài, đặc biệt là các thủ khoa, sinh viên tốt nghiệp xuất sắc ở các trường đại học. Tuy nhiên, những chính sách này chưa thực sự đột phá, nên họ không mặn mà với Thủ đô mà tìm đến khu vực tư nhân vì chế độ đãi ngộ và điều kiện phát triển tốt hơn.
Không mất nhiều công sức ‘đãi cát tìm nhân tài’ như nhiều tỉnh thành, hàng năm, Hà Nội luôn có sẵn nguồn cung nhân lực chất lượng cao từ hàng trăm trường đại học.
TP Hà Nội cũng luôn chủ động tiếp cận những đối tượng này thông qua việc giao cho Sở Nội vụ phối hợp với Thành đoàn TP hàng năm vinh danh những sinh viên tốt nghiệp thủ khoa xuất sắc ở các trường đại học.
Sau 20 năm tổ chức, đến nay đã có hơn 2.000 thủ khoa xuất sắc được vinh danh, đón nhận bằng khen. Thành đoàn Hà Nội đã chủ động phối hợp với Sở Nội vụ báo cáo Thành uỷ, UBND TP tiếp nhận các trường hợp thủ khoa tốt nghiệp xuất sắc về công tác tại cơ quan, đơn vị trong thành phố theo diện đặc cách không qua thi tuyển.
Đầu quân cho Hà Nội, các thủ khoa xuất sắc sẽ được hưởng chính sách ưu đãi theo nghị quyết 14 HĐND TP về trọng dụng nhân tài. Theo đó, họ được hỗ trợ một lần bằng 20 tháng lương tối thiểu. Sau 2 năm làm việc sẽ được ưu tiên cử đi đào tạo sau đại học trong nước hoặc nước ngoài, được hỗ trợ kinh phí làm khóa luận, nhưng cũng phải cam kết làm việc cho thành phố 7 năm nếu hưởng mức hỗ trợ.
“Ưu ái’ sinh viên thủ khoa xuất sắc là vậy, nhưng Hà Nội vẫn gặp khó trong việc tuyển dụng nhân tài. Cụ thể, so với số thủ khoa xuất sắc được tuyên dương mỗi năm khoảng 100 người, chỉ hơn 5% trong số này về đầu quân cho Hà Nội.
Từ năm 2013 khi Nghị quyết 14 về trọng dụng nhân tài của HĐND TP được ban hành đến năm 2022, chỉ có 55 thủ khoa xuất sắc ở các trường đại học về làm việc tại Hà Nội, trong đó 43 công chức, 12 viên chức.
Sở Nội vụ Hà Nội cho biết, do nhu cầu công tác của cá nhân, trong những năm qua có 9 công chức từng là thủ khoa xuất sắc xin chuyển công tác ra ngoài thành phố và 5 công chức xin thôi việc.
“Số người được tuyển dụng rất khiêm tốn so với nhóm đối tượng cần thu hút”, Sở Nội vụ Hà Nội nhìn nhận về kết quả của chính sách trọng dụng nhân tài ở TP.
Sở Nội vụ nhìn nhận, chính sách thu hút, trọng dụng nguồn nhân lực chất lượng cao của thành phố chưa đủ sức hấp dẫn cả về môi trường làm việc, thu nhập, cơ hội học tập và thăng tiến.
Hiện chính sách hỗ trợ một lần của TP vẫn còn thấp. Ngoài ra, việc sinh viên thủ khoa xuất sắc về Hà Nội làm việc theo diện đặc cách nhưng vẫn hưởng lương và thu nhập như đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tuyển dụng thông thường cũng là điều bất cập.
Từng là thủ khoa xuất sắc về Hà Nội công tác gần 10 năm, chị Nguyễn Quỳnh Trang, Bí thư Quận đoàn Hoàng Mai cho rằng, chế độ đãi ngộ và chính sách đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao hiện nay còn nhiều bất cập.
“Chế độ lương và các chế độ đãi ngộ trong một số trường hợp không phải là yếu tố duy nhất để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao. Yếu tố môi trường làm việc và sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, đặc biệt là thủ trưởng cơ quan, đơn vị có sự động viên ghi nhận kịp thời sẽ là động lực to lớn để thúc đẩy đội ngũ này tiếp tục cống hiến”, chị Nguyễn Quỳnh Trang chia sẻ.
Là thủ khoa xuất sắc về cống hiến cho Hà Nội, chị Chu Hồng Minh, Bí thư Thành đoàn Hà Nội từng chia sẻ, với các thủ khoa, khi ra trường thường có nhiều sự lựa chọn. Trong đó, có những người muốn công tác tại cơ quan Nhà nước, nhưng có những người lên kế hoạch học tiếp, một số làm việc cho các tập đoàn, doanh nghiệp…
Từ những bất cập trên, Sở Nội vụ Hà Nội đề xuất thành phố ban hành nghị quyết mới về chính sách thu hút, trọng dụng nguồn nhân lực chất lượng cao.
Tại TP.HCM, việc thu hút, trọng dụng nhân tài cũng không mấy khả quan dù TP đã đưa ra chính sách thí điểm khá hấp dẫn.
Trong một hội thảo do Học viện cán bộ TP.HCM tổ chức, TS Nguyễn Đăng Quân - Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TP.HCM cho biết, trong giai đoạn thí điểm cơ chế thu hút nhân tài, đơn vị này đã thu hút được 4 chuyên gia về làm việc. Đến năm 2019, khi chuyển sang áp dụng cơ chế chính thức, đơn vị không giữ chân được các chuyên gia này.
Năm 2022, trung tâm tiếp tục đăng ký tuyển dụng 3 chuyên gia, nhưng vẫn không có ai đăng ký, dù trước đó trung tâm đã liên hệ với một số chuyên gia từng hợp tác.
Theo Sở Nội vụ TP.HCM, năm 2014, thành phố ra quyết định 5715 về chủ trương trải thảm đỏ mời nhân tài về làm việc trong các lĩnh vực trọng điểm áp dụng 5 năm. Suốt thời gian thực hiện, thành phố thu hút được 19 nhà khoa học về làm việc.
Đến năm 2019, chương trình chuyển sang giai đoạn chính thức với nhiều chính sách thay đổi. Tuy nhiên, trong quá trình áp dụng chính thức (2019-2022) thành phố đã không giữ chân được nhân tài cũ, 14/19 chuyên gia đã rời đi.
Lý do các chuyên gia dứt áo ra đi là vì “chế độ đãi ngộ chưa tương xứng”. Ở giai đoạn thí điểm (2014-2019), TP đưa ra các chế độ khá hấp dẫn như chuyên gia được hưởng thu nhập thỏa thuận không quá 150 triệu/tháng; chia lợi nhuận trên sản phẩm nghiên cứu; hỗ trợ kinh phí dự hội thảo với các ưu đãi về thuế, nhà ở, chi phí xuất nhập cảnh...
Nhưng khi chuyển qua áp dụng chính thức (2019-2022), chuyên gia chỉ nhận được hỗ trợ ban đầu 100 triệu đồng; hưởng 1% đề tài nghiên cứu khoa học dùng ngân sách nhà nước, tối đa 1 tỷ đồng; hỗ trợ nhà ở, phương tiện, nhưng thu nhập theo hệ số lương nhà nước, khoảng 13-15 triệu đồng/tháng.
Theo TS Nguyễn Đăng Quân, dù có nhiều yếu tố quyết định, nhưng thu nhập là vấn đề quan trọng trong việc thu hút chuyên gia, nhà khoa học. Tuy nhiên, khi chuyển từ giai đoạn thí điểm sang chính thức, mức lương giảm từ 150 triệu đồng xuống còn 13-15 triệu đồng/tháng thì khó thu hút được nhân tài.
PGS-TS Vũ Hải Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM từng nhận xét rằng, cơ chế chính sách thu hút nhân tài của TP.HCM chưa được như mong muốn.
Ông dẫn chứng, trong 5 năm thí điểm, TP.HCM thu hút 19 nhà khoa học về làm việc, nhưng sau đó 14 người rời đi đã phản ánh điều đó.
Theo ông Quân, người tài, chuyên gia học hàm giáo sư, phó giáo sư được hưởng lương chuyên gia bậc 2 (hệ số 9,4), mỗi tháng nhận 14 triệu đồng, các trường hợp còn lại nhận hơn 13 triệu đồng mỗi tháng. Mức lương như vậy khó thu hút được người tài. Ông cho rằng, dù trả chế độ cao thì cũng là cách làm từ ngọn, chưa giải quyết được phần gốc.
“Phải nhìn qua Singapore, có vẻ như họ làm từ gốc - thu hút và cấp học bổng cho học sinh, sinh viên giỏi từ Việt Nam qua học, khi tốt nghiệp phải có nghĩa vụ làm việc cho Singapore”, ông Quân nêu kinh nghiệm quốc tế.
Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ nhận định, chủ trương thu hút nhân tài rất đầy đủ, nhưng so với cơ chế thị trường, mức thu nhập đưa ra rất khó để mời gọi chuyên gia.
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cũng cho rằng, chính sách đãi ngộ, thu hút nhân tài gặp một số bất cập trong quá trình triển khai dẫn đến TP.HCM chưa thu hút nhiều nhân tài, trí thức vào làm việc như mong đợi.
“TP.HCM nhận thấy cách tiếp cận hơi cũ, việc thu hút nhân tài không chỉ đáp ứng lương bổng, nhà ở mà đòi hỏi còn nhiều chế độ đãi ngộ khác hấp dẫn hơn; không chỉ vật chất mà còn tinh thần để xứng đáng với năng lực, đóng góp của trí thức, chuyên gia, nhà khoa học. Thành phố sẽ tiếp tục nghiên cứu những điều này để triển khai trong thời gian tới”, ông Mãi khẳng định.
Theo Giám đốc Sở Khoa học – Công nghệ TP.HCM Nguyễn Việt Dũng, việc thu hút chuyên gia nên tiếp cận phương pháp luận đổi mới, sáng tạo mở, không chỉ nhìn ở góc độ trả thù lao.
Bản thân chuyên gia, nhà khoa học thì yếu tố này chỉ là cần chứ không phải quyết định. Việc quan trọng là cần xây dựng môi trường nghiên cứu, cơ sở vật chất, cơ chế chia sẻ thông tin dữ liệu, cơ chế hợp tác giữa các bên liên quan... để tạo ra hệ sinh thái mở của khu vực công.
Nguyên Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM Phạm Phương Thảo mong muốn thu hút đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học làm việc bán thời gian, làm việc từ xa; thu hút làm việc theo đơn đặt hàng; tùy từng trường hợp thực tiễn có thể làm việc theo biên chế cơ hữu.
5 năm không tuyển được sinh viên xuất sắc
TP Hà Nội có những chính sách đãi ngộ như tiếp nhận, xét đặc cách, trả thù lao theo hợp đồng thỏa thuận, cung cấp phương tiện… nhưng vẫn chưa tuyển dụng được chuyên gia giỏi, nhà khoa học đầu ngành, người có giải pháp mang tính đột phá.
Ngoài ra, Hà Nội chưa tuyển dụng được tiến sĩ có công trình, đề án khoa học và chuyên ngành đào tạo đáp ứng các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.
TP.HCM cũng gặp tình trạng tương tự. Từ năm 2018 đến nay, TP.HCM chưa có trường hợp sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ được thu hút, tuyển dụng để làm việc tại các đơn vị của thành phố.