LTS: Nguyên phó Thủ tướng Vũ Khoan đã từ trần vào hồi 7 giờ 5 phút, ngày 21/6/2023 tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Trong sự nghiệp ngoại giao của mình, ông đã có những đóng góp đặc biệt trong việc mở cửa và hội nhập với thế giới bên ngoài. 

Cả cuộc đời học tập, cống hiến, phục vụ cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc và công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, dù ở cương vị công tác nào nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan cũng luôn là tấm gương sáng về bản lĩnh chính trị, tinh thần tiên phong đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, tận tụy phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân; có nhân sinh quan mẫu mực, tài đức vẹn toàn, luôn trăn trở, phấn đấu hết lòng vì lợi ích quốc gia-dân tộc, luôn vì cái chung, cái lớn lao hơn những đòi hỏi của cuộc sống vật chất thông thường.

VietNamNet ghi lại một số nét chấm phá trong cuộc đời hoạt động của ông, dưới góc nhìn của những người đồng nghiệp, những người từng công tác, tiếp xúc với ông như: Ban Đối ngoại Trung, Bộ Ngoại giao, Quốc hội…

Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan từ trần khiến các thế hệ cán bộ ngoại giao và nhiều người từng tiếp xúc, làm việc với ông xúc động, tiếc thương, bày tỏ sự trân trọng, cảm phục về những giá trị ông đã cống hiến.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Phú Bình nhấn mạnh, lĩnh vực ngoại giao nói riêng và đất nước nói chung, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan có công lao rất lớn.

Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan trưởng thành khi quan hệ Việt Nam - Liên Xô đang rất gắn bó. Nhờ thành thạo tiếng Nga nên từ thời Bác Hồ rồi tới các lãnh đạo Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, ông đều là người phiên dịch trong các chuyến thăm, tiếp đón.

Ông Vũ Khoan phát biểu tại Tọa đàm “Phiên dịch ngoại giao: 75 năm ký ức và con người hồi năm 2020. Ảnh: Minh Nhật

“Nguyên Phó Thủ tướng đã tiếp thu được rất nhiều kinh nghiệm, trí tuệ của những lãnh đạo đi trước, sau này ông đã vận dụng trong công tác ngoại giao rất giỏi”, ông Bình chia sẻ.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Phú Bình khẳng định, những cán bộ cấp dưới của ngành Ngoại giao rất may mắn khi được làm việc và trưởng thành dưới sự chỉ đạo của nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan.

“Nguyên Phó Thủ tướng đã quá nổi tiếng trong tiến trình mở cửa, hội nhập quốc tế của nước ta, từ ký kết Hiệp định thương mại với Mỹ đến gia nhập WTO.

Với tôi, tôi muốn đi vào khía cạnh khác về nguyên Phó Thủ tướng mà không phải ai cũng biết, đó là Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài. Đây là một kiến nghị của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài”, ông Nguyễn Phú Bình chia sẻ thời điểm khi ông là Phó Chủ nhiệm, sau đó lên làm Thứ trưởng kiêm Chủ nhiệm Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài.

Thời điểm đó, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan là Bí thư Trung ương Đảng phụ trách đối ngoại, người ghi dấu ấn rất lớn trong Nghị quyết 36.

Nghị quyết 36-NQ/TW ngày 26/03/2004 của Bộ Chính trị về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài là văn kiện có tính định hướng toàn diện về người Việt Nam ở nước ngoài. Từ Nghị quyết 36, Đảng, Nhà nước đã ban hành một loạt chính sách như Luật Quốc tịch năm 2008, Quyết định 135 của Thủ tướng Chính phủ về miễn thị thực cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài, Quyết định 102/2008 của Thủ tướng Chính phủ nâng cấp Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài... với mục tiêu cao nhất là tạo điều kiện thuận lợi cho người người Việt Nam ở nước ngoài hòa nhập với cộng đồng, đóng góp vào sự hòa hợp dân tộc và phát triển đất nước.

“Ngay từ khâu đầu tiên, khi trình lên, thông qua Ban cán sự và đưa lên đến Bí thư Trung ương Đảng Vũ Khoan, ông đã rất tỉ mỉ, xem xét từng câu chữ, sửa chi tiết, văn phong của Nghị quyết 36”, ông Bình nhấn mạnh.

Nguyên Thứ trưởng Nguyễn Phú Bình cho biết, Nghị quyết 36 sang năm 2024 sẽ tròn 20 năm ban hành nhưng đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

Sau Chỉ thị 45 của Bộ Chính trị (ban hành năm 2015) và gần đây có Kết luận 12 của Bộ Chính trị về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới lại càng khẳng định ý nghĩa to lớn mang tính định hướng của Nghị quyết 36.

“Điều này chứng tỏ Nghị quyết 36 có sức sống rất lâu dài, đến nay vẫn không hề lạc hậu, là kim chỉ nam cho công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài”, ông Bình phân tích và cho rằng, đóng góp trí tuệ của nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan là rất lớn.

Sau gần 20 năm, Nghị quyết 36 về người Việt Nam ở nước ngoài vẫn mang nhiều ý nghĩa thực tiễn. Ảnh: Kiều bào ra thăm Trường Sa năm 2023

Về phương diện cá nhân, ông Nguyễn Phú Bình cho biết đã có nhiều cuộc làm việc, trò chuyện với nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan. Do phụ trách những công việc liên quan đến khu vực Đông Bắc Á, quan hệ với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… nên ông Bình được nguyên Phó Thủ tướng trực tiếp chỉ đạo.

“Bất kỳ những vấn đề gì mà chúng tôi trình lên Trung ương, Chính phủ thì đều có ý kiến tham gia của nguyên Phó Thủ tướng”, ông Bình cho biết và bày tỏ sự biết ơn vì những chỉ bảo, uốn nắn tận tâm của nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan.

Ông Nguyễn Phú Bình chia sẻ: “Nguyên Phó Thủ tướng là người rất chịu khó đọc. Chúng tôi trẻ hơn rất nhiều mà nhìn thấy đống sách còn ngại nhưng ông rất chịu khó đọc, phân tích và sau đó đúc rút, tổng kết.

Bất cứ vấn đề gì, đọc xong một cuốn sách hay nghiên cứu về một vấn đề gì, bao giờ ông cũng rút ra chiêm nghiệm, luận cứ rất rõ ràng và truyền đạt lại, làm cho cấp dưới, những cán bộ trẻ tiếp thu dễ dàng. Đấy là điều đáng khâm phục”.

Nguyên Phó Thủ tướng cũng là người rất giỏi trong lĩnh vực phiên dịch, là một trong những người phiên dịch đầu tiên của Bộ Ngoại giao ở thời kỳ quan hệ Việt Nam với Liên Xô rất chặt chẽ. Bắt đầu sự nghiệp ở phòng phiên dịch Bộ Ngoại giao, dịch cho lãnh đạo bộ, các vụ, phục vụ các đoàn, ông Vũ Khoan luôn tâm niệm nghề này rất quan trọng. 

Ông Bình cho biết, trước kia nhiều người chỉ nghĩ phiên dịch là người thông ngôn nhưng thực ra người phiên dịch là người rất giỏi, phải có đầu óc tổng hợp, tập trung phân tích để hiểu được những câu nói của hai bên, “không biết cái nào là chính, cái nào là phụ thì không thể dịch được”.

Phiên dịch viên là cầu nối với các nước. Ông Vũ Khoan từng viết trong cuốn Vài ngón nghề ngoại giao: "Nếu cái cầu ấy ọp ẹp, bấp bênh, ván lát rơi ra thì quan hệ quốc tế có thể thụt chân chứ chẳng chơi. Cái cầu ấy mà vững chắc, qua lại thông thoáng thì sự giao lưu giữa các dân tộc tốt đẹp hơn".