Di sản văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Phú Thọ còn lưu giữ được khá đa dạng và phong phú như tiếng nói, chữ viết, kho tàng tri thức dân gian, nghệ thuật trình diễn dân gian, lễ hội truyền thống, trang phục, công cụ lao động, nhạc cụ… 

Xã Xuân Sơn, địa phương nằm trong vùng lõi Vườn Quốc gia Xuân Sơn, cách trung tâm huyện Tân Sơn hơn 30km về phía Tây Bắc là nơi sinh sống của rất đông đồng bào dân tộc Dao Tiền. 

Ông Đặng Thế Toàn ở bản Cỏi, xã Xuân Sơn là người dân tộc Dao Tiền được địa phương và người dân tín nhiệm bầu làm Người có uy tín. Nhiều năm nay, ông đã dành nhiều tâm huyết và công sức để lưu giữ và bảo tồn những nét văn hóa độc đáo của dân tộc mình. 

“Người Dao chúng tôi là dân tộc có ngôn ngữ, chữ viết và bản sắc văn hóa riêng. Trong đời sống hiện đại ngày nay, nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của đồng bào dân tộc thiểu số đã bị mai một do các yếu tố tác động tiêu cực. Trước thực trạng này, tôi luôn đau đáu tìm cách để góp phần gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số”, ông Toàn chia sẻ.

Những ngày ở bản Cỏi, chúng tôi hòa mình vào cuộc sống của người dân nơi đây và được ông Toàn giới thiệu những đặc trưng của người Dao Tiền. 

Di sản nghi lễ cấp sắc

Theo ông Toàn, nét độc đáo trong văn hóa tín ngưỡng người Dao Tiền được thể hiện qua nhiều nghi lễ quan trọng, như Lễ tam cấp, thờ y dược lang quân, Lễ ngũ kỳ binh mã, Tết nhảy... Trong đó, Lễ lập tĩnh (cấp sắc, đặt tên) là một nghi thức độc đáo. 

Theo phong tục truyền thống của người Dao Tiền, khi người con trai từ 9 - 12 tuổi trở lên, gia đình phải chuẩn bị tổ chức Lễ cấp sắc cho con, thể hiện trách nhiệm của bố mẹ đối với con cái. Đồng thời mong muốn sau Lễ cấp sắc, người con trai là người trưởng thành, được tổ tiên, làng xóm công nhận, tôn trọng, mọi việc trong cuộc sống luôn may mắn, thuận lợi.

Ông Đặng Thế Toàn (thứ 4 từ trái sang) dày công lưu giữ và truyền lại cho thế hệ sau những điệu múa trong Lễ cấp sắc của người Dao Tiền ở bản Cỏi. 

“Thuật ngữ “cấp sắc” xuất phát từ chỗ người trải qua Lễ cấp sắc được thầy cúng cho một bản sắc ghi bằng chữ Nôm - Dao. Nếu dựa vào số lượng đèn hoặc nếp thắp sáng để soi người thụ lễ trong mỗi đợt làm lễ thì hiện nay có 3 cấp bậc. Cấp thấp nhất là 3 đèn: người thụ lễ được soi bởi 3 đèn. Cấp thứ hai là 7 đèn: người thụ lễ được đặt 7 cây đèn. Bậc cao nhất là 12 đèn: người thụ lễ đội 12 đèn đang tỏa sáng. Đặc biệt, chỉ có người đàn ông Dao thụ Lễ cấp sắc, còn phụ nữ thì phụ thuộc vào vị thế của người chồng”, ông Toàn cho biết. 

Một Lễ cấp sắc thường có nhiều công đoạn phức tạp, tuỳ thuộc vào cấp bậc và gia đình. Thời gian chuẩn bị cho Lễ cấp sắc 3 đèn cần 6 tháng, nếu ở cấp cao hơn thì chuẩn bị từ 1 - 2 năm, thậm chí còn lâu hơn. 

Lễ cấp sắc 3 đèn của người Dao Tiền Xuân Sơn diễn ra trong 2 ngày 2 đêm và có thể chia làm 2 bước lớn là: Thụ đèn và cúng Bàn Vương. 

Các cô gái bản Cỏi tập một điệu múa trong Lễ cấp sắc. 

Lễ chính được tổ chức vào ban đêm và kéo dài liên tục đến sáng. Trang phục gồm: Áo dài truyền thống, dây buộc lưng, khăn quấn đầu, mũ chào mào. Tất cả đều bằng chất liệu thổ cẩm tự dệt cùng một chuông lắc và hai bộ tranh. Hai ông thầy cúng có uy tín được mời đến cúng suốt 2 ngày 2 đêm.

Khi chuẩn bị xong, thầy cúng mặc lễ phục mời bậc thần linh và tổ tiên đến dự lễ. Đồng thời 3 thiếu niên và 3 thiếu nữ đứng thành 2 hàng ở phía sau thầy cúng để vái chào các bậc tổ tiên và thần linh. Đúng 12 giờ đêm đầu tiên của lễ, đứa bé cấp sắc sẽ phải cùng bố đẻ mình ăn hết 1 con gà. Cái tên được đặt vào lúc một giờ sáng.

Sau khi thụ lễ thành công, thầy cúng cùng người được cấp sắc sẽ đi chèo (nhảy múa) đến sáng. Ngoài ra, khi làm lễ, sẽ có bộ tranh dài với 6 bức treo tường, bộ ngắn có 2 bức, thầy cúng và người được cấp sắc sẽ đội lên đầu.

Để chuẩn bị cho công việc vào ngày làm lễ chính, gia đình dậy từ 2 - 3 giờ sáng, đồ xôi làm bánh nếp. Những chiếc bánh nếp nhỏ bằng nắm tay và gói bằng lá dong. Bên cạnh lễ cúng, gia chủ sẽ làm gà, lợn để mời bà con trong bản đến ăn. 

Lễ cấp sắc của người Dao Tiền là sự tổng hợp các loại hình nghệ thuật, diễn xướng dân gian: Tín ngưỡng, nghi lễ, phong tục, sinh hoạt văn hóa, nghệ thuật ngôn từ, nghệ thuật diễn xướng qua các bài múa nghi lễ, bài hát; nghệ thuật trang trí ban thờ, trang trí trên trang phục của các thầy cúng; âm nhạc dân gian... đều mang đậm nét văn hóa truyền thống. 

Lễ cấp sắc của người Dao Tiền có 24 điệu múa, các bài hát với 36 làn điệu khác nhau, 24 - 36 câu chuyện; âm nhạc đa dạng về nội dung và hình thức (trống, chiêng, tù và, thanh âm dương); nghệ thuật tạo hình (tranh thờ, cắt giấy đồ mã). 

Ngày 22/01/2020, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đưa Lễ cấp sắc của người Dao Tiền vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 258/QĐ-BVHTTDL.

Do bản Cỏi được định hướng phát triển về du lịch cộng đồng nên những năm gần đây, các tiết mục múa trong Lễ cấp sắc được “sân khấu hóa”, trích đoạn để biểu diễn phục vụ du khách. Ông Toàn thường tham gia hướng dẫn điệu múa cho người dân trong bản để giới thiệu, tuyên truyền đến du khách một cách hệ thống, bài bản, súc tích nhất nhưng vẫn thể hiện được tinh thần, nghi lễ tín ngưỡng của người Dao.

Bảo tồn chữ viết và tiếng nói

Dân tộc Dao có tiếng nói, chữ viết riêng, tuy nhiên cả hai đang dần bị mai một. Ông Toàn là người am hiểu ngôn ngữ, chữ viết và còn lưu giữ nhiều sách Dao cổ ở bản Cỏi. 

Cô gái Dao Tiền ở bản Cỏi. 

“Tôi mong muốn mở một lớp học miễn phí truyền dạy cho bà con biết đọc, viết chữ Nôm - Dao cổ để bảo tồn và gìn giữ văn hóa truyền thống của dân tộc. Ngay từ nhỏ, tôi đã được bố truyền dạy chữ viết, văn hóa, tập tục truyền thống của dân tộc Dao. Vì vậy, khi trưởng thành, tôi thành thạo chữ viết, các làn điệu dân ca, các câu thành ngữ, tục ngữ, quán ngữ dân tộc Dao Tiền, các điệu múa dân gian và các tập tục trong việc hành lễ tâm linh…”, ông Toàn tâm sự.

Theo ông Toàn, xưa kia người Dao Tiền thực hiện việc ghi chép kho tàng tri thức của mình bằng chữ Nôm - Dao. Tuy nhiên, hiện nay số lượng những người thông thạo chữ viết này không còn nhiều.

Trong cuộc sống hiện đại, nhiều con em dân tộc Dao Tiền tiếp xúc với xã hội bên ngoài, đi học, đi làm và sinh sống ở thành phố phần lớn không sử dụng thành thạo được tiếng Dao Tiền. Nếu không có biện pháp bảo tồn, ngôn ngữ và chữ viết của người Dao Tiền sẽ dần mai một.

Ngôn ngữ không chỉ là một thành tố cơ bản của văn hóa, một biểu hiện của những giá trị nhân văn, mà còn là phương tiện để hình thành và lưu truyền các hình thái quan trọng nhất trong đời sống văn hóa của người Dao. Giữ được ngôn ngữ của dân tộc mình cũng là góp phần bảo tồn và phát triển sự đa dạng trong văn hóa của người Dao Tiền nói riêng và cộng đồng dân tộc Dao nói chung.

“Tôi nghĩ rằng, môi trường giao tiếp là điều kiện tiên quyết để ngôn ngữ đó tồn tại hay không tồn tại. Muốn giữ được tiếng mẹ đẻ, tất yếu phải giữ được những làng bản riêng của từng dân tộc. Nếu việc “cộng cư, cộng sinh” có diễn ra thì khi đi học, đi làm có thể giao tiếp bằng tiếng phổ thông, nhưng lúc trở về với gia đình, cha mẹ phải giao tiếp với con bằng ngôn ngữ của dân tộc mình. Làm được điều đó, chắc chắn ngôn ngữ mẹ đẻ của mỗi dân tộc không dễ gì mà mất đi được.

Bên cạnh đó, tôi hy vọng thời gian tới, ngôn ngữ dân tộc Dao (cả ngôn ngữ nói và ngôn ngữ viết) được đưa vào dạy trong các trường phổ thông dân tộc nội trú. Cần có những biện pháp cụ thể để khích lệ được đồng bào sử dụng rộng rãi tiếng mẹ đẻ trong các hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội của dân tộc mình”, ông Toàn cho biết thêm. 

Nhấn mạnh các gia đình người Dao phải là nơi lưu giữ và duy trì ngôn ngữ của dân tộc mình, theo ông Toàn, cha mẹ chính là người giúp các em có nhiều cơ hội sử dụng tiếng mẹ đẻ cũng như khơi dậy lòng tự hào về ngôn ngữ của dân tộc, lấy ngôn ngữ dân tộc làm gốc.

Tại bản Cỏi, trong các chương trình truyền thanh, tuyên truyền chính sách của Đảng, Nhà nước cũng như sự kiện thời sự, ông Toàn cùng những người có trách nhiệm thường phát song song 2 thứ tiếng:  tiếng Kinh và tiếng Dao.

Anh Đặng Văn Quyết, con trai ông Toàn chia sẻ: “Tôi có 3 đứa con, hai cháu lớn học dưới thành phố Việt Trì, một cháu nhỏ học ở cấp tiểu học. Khi đến trường, các cháu học chung với các đồng bào dân tộc khác và sử dụng tiếng phổ thông.

Tuy nhiên, khi về nhà, ông nội và bố vẫn giao tiếp với các con bằng tiếng Dao, dạy các con chữ viết người Dao. Đặc biệt khi trò chuyện với cộng đồng, làng xóm, các cháu cũng được động viên dùng tiếng Dao. Tôi nghĩ, với cách làm này, ngôn ngữ của dân tộc Dao sẽ tiếp tục được truyền lại cho các thế hệ sau”.

Quỳnh Nga