Thổ cẩm phải “dệt” bằng những đức tin thiêng

Thổ cẩm chất chứa nhiều yếu tố văn hóa vật thể và phi vật thể. Theo tục lệ con gái K’ho phải biết dệt vải trước khi lấy chồng, dệt được thổ cẩm người con gái mới được “kup bao” (bắt chồng). Phụ nữ K’ho dệt thổ cẩm mọi lúc mọi nơi, khi đàn ông biết cầm dao đi rừng cũng là lúc đàn bà biết cầm dưngpong (dụng cụ để dệt vải của người K’ho).

Với người K’ho, nghề dệt đúc kết chỉ 4 từ: rồi - riă - tiăh - tành, nghĩa là kéo chỉ - vào thoi - kết hai đầu khổ dệt - tiến hành dệt. Nhưng để có sợi từ cây bông rừng làm vải chẳng dễ, vì ít nguyên liệu nhiều công làm.

Ảnh minh hoa

Có sợi rồi, nhuộm ra đúng màu càng khó, dù chuẩn bị 2 - 3 tháng trời. Không phải mẻ nhuộm nào cũng thành công như mong muốn. Lá cây “t’rưm” ngâm ủ 5 ngày, vớt ra nắm lại thành cục, vắt nước vào quả bầu và lọc rót vào chóe. Tiếp tục, bỏ vào nước t’rưm các loại bột khô và quấy đều: củ cây chuối rừng, vôi sò, các hạt bầu, bí, bắp, ớt, muối. Khoảng một giờ, nước lắng, ngâm sợi vào phần sánh. Ngâm 4 - 5 lần trong một tuần, khi màu “ăn” đều đem phơi khô và tiếp tục ngâm lại màu. (Theo kinh nghiệm và tín ngưỡng, hỗn hợp này khi ngâm sợi sẽ phá được bọt đồng thời là “thức ăn” dâng Thần Màu).

Màu vàng làm từ củ rơmêt (nghệ), còn cái màu xanh là từ lá cây t’rơtap (vông). Màu đỏ thì cây “t’ri nho”…Bảng màu tri thức dân gian kết duyên từ nhiều bộ phận của thực vật: lá, thân, vỏ, rễ, quả, hạt và nhựa. Mỗi gam màu hiển thị theo từng nhóm các loài cây. Lá vông (t’rơ tạp) trộn với củ nghệ (rơmết) ra màu xanh lá cây; “t’ri nho” cho màu đỏ cam chú theo ngôn ngữ đồng bào; lá trâm (t’rưm) trộn gốc cây chuối rừng (bủzú bri) ra màu đen. Chàm muồng (Indigofera cassioides) cho màu chàm; “giang núi” (Ternstro-emia japonica) cho màu cam; “xoài rừng” (Mangifera longipes) cho màu xanh; “hoàng liên ôrô” (Mahonia nepalensis) cho màu vàng, chú theo danh pháp khoa học. Đó còn là chàm bụi, chàm đen, lòng mức ngờ (màu chàm); chuối rừng, dẻ trắng, lim sét, me rừng, trâm rộng, vối, thanh mai, thị Hayata (màu đen); mò trắng, chít, dong, trầu, xoài (màu xanh); dù dẻ, hợp hoan, mâm xôi, cẩm, nhàu, vấn vương (màu đỏ); cơm cháy, hương bài, mua (màu tím); dành dành, củ nghệ, vàng đắng, hoàng đằng, núc nác (màu vàng) và quế, ngược mùa, vừng (màu nâu)…, gọi theo danh từ phổ thông.

Đặc biệt, khi người K'ho lên rừng để kiếm tìm nguyên liệu, phải tuyệt không cho người khác thấy. Nếu gặp suối phải đi qua, không được nhổ nước bọt; nếu gặp con trăn hay con rắn phải quay về. Trong quá trình làm phẩm màu, không được ăn thịt mỡ, cơ thể phải sạch sẽ…, trong lúc điều chế nước nhuộm không được ăn thịt bò, thịt trâu và không cho người khác vào khu vực làm nước…

Không giống như người Êđê thích màu đỏ, người Châu Mạ chuộng màu trắng, đồng bào K’ho lại chủ yếu sử dụng những gam màu lạnh. Màu sắc trên sản phẩm thổ cẩm của họ thường là màu trắng, đen, xanh đen, tím. Hoa văn sáng tạo bằng cách hiểu, cách nghĩ truyền thống cộng đồng Mạ vừa mang tính ngẫu hứng cá nhân. Đặc biệt, hoa văn, họa tiết không chỉ dệt mà thêu tay không dùng đến kim. 

Để dệt một tấm vải không phải là ngày một ngày hai là xong mà nhiều lúc phải dệt trong một tháng và có thể hơn nữa vì vậy nghề dệt được dệt lúc nông nhàn và đại đa số nghề dệt chủ yếu do phụ nữ đảm nhiệm.

Thổ cẩm gắn với mọi mặt trong đời sống cư dân K'ho

Xã Lát là nơi cư trú của đồng bào dân tộc người K’ho vốn nổi tiếng với nghề dệt vải. Con gái đến tuổi trưởng thành đã chuẩn bị trồng bông, lên rừng lấy lá cây nhuộm vải. Theo tục lệ con gái K’ho phải biết dệt vải trước khi lấy chồng, dệt được thổ cẩm người con gái mới được “kup bao” (bắt chồng). Phụ nữ K’ho dệt thổ cẩm mọi lúc mọi nơi, khi đàn ông biết cầm dao đi rừng cũng là lúc đàn bà biết cầm dưngpong (dụng cụ để dệt vải của người K’ho).

Còn ở làng Bor neur C, từ nhỏ, trẻ em đã được ngồi xem mẹ dệt khăn, thêu váy. Con gái đến độ 12 tuổi đã được mẹ dạy nghề, 15 tuổi đã có thể tự mình dệt được tấm khăn tặng người yêu. Cứ thế, họ dệt cho tới khi “mắt không nhìn thấy pơnơ, chân không giữ được dưngpong, lưng không tì được pơsa” thì mới chịu nghỉ.

Thổ cẩm gắn với văn hóa và đời sống cư dân bản địa, nhưng sự hiện hữu của nó tại các nghi lễ lại đang thưa vắng dần. Xã hội công nghiệp hóa đã khiến nhiều làng nghề mai một. Tiến sĩ Lương Văn Dũng là người có nhiều thành tựu khoa học về tài nguyên rừng cho biết: “So với màu công nghiệp, màu của rừng đa dạng, sợi nhuộm mềm, khử được mùi, thấm mồ hôi tốt và thân thiện với con người. Dĩ nhiên, sản phẩm thổ cẩm truyền thống giá cao nên khó bán. Sợi và màu công nghiệp có cơ hội tràn vào vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là vùng gần các thị tứ”.

Văn hóa là tinh túy, chưng cất nhiều đời, là sàng lọc truân chuyên. Bảo tồn những giá trị văn hóa vì thế càng gian khó. Không chỉ là chủ thể các dân tộc thiểu số, mà còn rất cần thực hiểu, thực yêu của các nhà quản lý và bằng những chiến lược dài hơi và đồng bộ, mạnh mẽ và thực chất từ nhiều cấp nhiều ngành…

Có như vậy, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số mới đi vào chiều sâu, và đạt được các kết quả như đã đặt ra.

Bình An