Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình, vừa tiếp nhận một bệnh nhân (39 tuổi, Hòa Bình) mắc uốn ván, nhập viện trong tình trạng suy hô hấp, sắp ngừng thở. 

Trước đó khoảng 10 ngày, người bệnh bị que nhọn đâm vào đầu gối chân bên phải. Vết thương không quá nghiêm trọng và đã tự khỏi. 

Bệnh nhân mắc uốn ván điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình

Tuy nhiên sau một tuần, người bệnh xuất hiện các triệu chứng cứng hàm, không há được miệng. Ngày 7/12, toàn thân của bệnh nhân co cứng như khúc gỗ, hàm răng cắn chặt, thở rất khó khăn.

Tại bệnh viện, người đàn ông được mở khí quản qua cổ, hỗ trợ thở máy, dùng thuốc an thần, giãn cơ, trung hòa độc tố uốn ván. Dự kiến, bệnh nhân phải thở máy dài ngày, chăm sóc và phục hồi chức năng tích cực mới có thể bảo toàn tính mạng.

BS Hoàng Công Tình, khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình, cho biết uốn ván là bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm do vi khuẩn Clostridium tetani gây nên. Tỷ lệ tử vong chung do uốn ván có thể lên đến 90%, uốn ván rốn sơ sinh tử vong trên 95%. Ngoài ra, nếu may mắn sống sót, bệnh nhân thường gặp di chứng nặng nề, quá trình điều trị khó khăn và tốn kém.

Dù đã có vắc xin phòng uốn ván nhưng việc tiêm phòng không đầy đủ và không tiêm nhắc lại sau mỗi 10 năm khiến số ca bệnh vẫn xảy ra quanh năm, chủ yếu ở nam giới trong độ tuổi lao động. 

Theo các bác sĩ, người dân cần biết cách xử trí các vết thương để phòng ngừa uốn ván. Cụ thể, nên rửa vết thương dưới vòi nước sạch, sát trùng bằng các dung dịch có cồn, để hở vết thương. Đặc biệt, cần nhanh chóng đến các cơ sở y tế để được tiêm phòng vắc xin hoặc huyết thanh trung hòa độc tố uốn ván.