Tại Việt Nam, từ năm 2015 đến nay, số ca mắc uốn ván vẫn luôn được báo cáo với hơn 350 ca hàng năm, xuất hiện rải rác chùm ca bệnh bạch hầu tại các tỉnh miền Trung, đối tượng mắc các bệnh này tập trung chủ yếu ở người lớn và trẻ lớn. Riêng bệnh ho gà, bệnh được ghi nhận là đang có chiều hướng gia tăng số ca mắc, đặc biệt ở trẻ nhỏ < 4 tháng tuổi chưa được bảo vệ bằng vắc xin.

Do vậy, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo người dân tiêm đúng lịch, đúng liều các vắc xin ngừa bạch hầu, uốn ván, ho gà cho trẻ ngay từ năm đầu đời; tuyệt đối không bỏ qua các mũi tiêm nhắc lại sau đó. Lý do là, các vắc xin này thường chỉ tạo hiệu quả bảo vệ cơ thể trong một giai đoạn nhất định, theo thời gian, sự miễn dịch phòng bệnh đối với Bạch hầu, Uốn ván, Ho gà sẽ suy giảm, nếu không được tiêm nhắc lại, sẽ có nguy cơ nhiễm bệnh.

{keywords}
Kể từ khi các mũi tiêm ngừa Bạch hầu, uốn ván, ho gà được phổ biến rộng rãi, thì tỉ lệ mắc 3 căn bệnh nguy hiểm này đã được giảm một cách đáng kể  (ảnh minh hoạ).

Khi nào tiêm nhắc lại Bạch hầu, Uốn ván, Ho gà?

Theo Tổ chức Y tế Thế giới và các khuyến cáo chủng ngừa của Anh, Canada, Mỹ: Bên cạnh việc hoàn tất lịch chủng ngừa cơ bản và tiêm nhắc cho trẻ dưới 2 tuổi, các vắc xin 3 thành phần phòng bạch hầu, uốn ván, ho gà cần được tiêm nhắc tại nhiều các cột mốc khác nhau trong đời: Từ 4 đến 7 tuổi; Từ 9 đến 15 tuổi; Người già từ 50 tuổi trở lên; Người lớn có bệnh lý mạn tính đi kèm như các bệnh lý phổi, hen suyễn, tim mạch, bệnh thận…

Ở cột mốc từ 4 đến 7 tuổi; từ 9 đến 15 tuổi: sự miễn dịch đối với bạch hầu, uốn ván, ho gà gà của cơ thể gần như đã suy giảm hết kể từ lần được tiêm ngừa trước đó. Song song đó, 2 nhóm tuổi này lại thường xuyên hoạt động trong môi trường học đường đông đúc, gặp gỡ nhiều người, chạy nhảy, vận động cũng nhiều hơn... vì vậy nguy cơ mắc các bệnh Bạch hầu, Uốn ván, Ho gà từ đó cũng cao hơn nên rất cần được tiêm nhắc lại.

Ở cột mốc trên 50 tuổi: theo tuổi tác, hệ miễn dịch cơ thể dần suy yếu nên người trên 50 tuổi luôn là đối tượng dễ mắc các bệnh truyền nhiễm qua đường hô hấp như Ho gà, Bạch hầu. Ngoài ra, khi đã mắc bệnh, các triệu chứng biểu hiện ở họ thường nhẹ hơn nên dễ bị nhầm sang bệnh thông thường, nhưng lại là nguồn lan truyền mầm bệnh cho những người xung quanh, đặc biệt là các trẻ nhỏ đang ở độ tuổi nhỏ (từ 0 - 3 tháng tuổi chưa đạt đủ hiệu quả bảo vệ bằng vắc xin) đang sống chung nhà.

Tiêm nhắc lại bạch hầu - uốn ván - ho gà: Nhiều lợi ích

Với khả năng giúp bảo vệ phòng bệnh, mũi tiêm nhắc lại 3 thành phần phòng Bạch hầu, Uốn ván, Ho gà giúp bảo vệ phòng tránh bệnh cho bản thân, góp phần tạo miễn dịch bảo vệ trong cộng đồng. Cụ thể:

- Giảm tỉ lệ mắc bệnh và tử vong cho các đối tượng tiêm chủng

- Giảm nguy cơ lây nhiễm cho trẻ sơ sinh (từ 0 đến 3 tháng tuổi) chưa được chủng ngừa đầy đủ đang sống chung trong gia đình.

- Thiết lập nên hệ miễn dịch cộng đồng giúp phòng tránh dịch bệnh lây lan

- Giảm các chi phí phát sinh khi mắc bệnh.

Bạch hầu, Uốn ván, Ho gà là 3 căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm đã từng bùng phát cướp đi sinh mệnh của nhiều người trên thế giới. Người mắc bệnh có thể có nhiều biến chứng nguy hiểm nặng nề như suy hô hấp, viêm phổi, viêm não (đối với bệnh ho gà); viêm cơ tim và viêm thần kinh (đối với bệnh bạch hầu); co thắt thanh quản, thuyên tắc phổi, gãy xương (đối với bệnh uốn ván)... Nhưng, kể từ khi các mũi tiêm ngừa Bạch hầu, Uốn ván, Ho gà cho trẻ em dưới 2 tuổi được triển khai rộng rãi, tần suất mắc các căn bệnh nguy hiểm này đã được giảm một cách rất đáng kể.

P.V