Scott McPartland, 50 tuổi, có một cuộc sống rất năng động. Ông ăn uống đầy đủ, đến phòng tập thể dục thường xuyên. Ông từng đẩy một chiếc xe ô tô ra khỏi vùng nước ngập của đại lộ Woodhaven (New York, Mỹ) vào năm ngoái. 

Tuy nhiên, vào tháng 5, ông Scott đột nhiên bị liệt chân khi đang hút bụi trong nhà và gục xuống sàn không rõ nguyên nhân. 

Ông Scott nghe bác sĩ giải thích về bệnh của mình. Ảnh: New York Post

Thời điểm đó, ông bị tê liệt nửa người bên phải, mất khả năng kiểm soát cơ thể nhưng vẫn cố gắng đứng lên. Ông tìm cách gọi vợ, Cecelia Morgan, 49 tuổi, đang làm việc ở tầng bên dưới nhưng không thể nói nên lời.  

Bởi vậy, người đàn ông này đã phải lết qua 22 bậc cầu thang để xuống nhà. “Đó là khoảnh khắc đáng sợ nhất trong cuộc đời tôi”, nam bệnh nhân nhớ lại. Bà nhận ra người chồng chung sống gần 6 năm đang bị đột quỵ và gọi cấp cứu khẩn cấp để đưa ông đến Bệnh viện LIJ Forest Hills.

“Tôi nghĩ mình sắp chết. Tôi đã nói với Cecelia trên đường vào phòng cấp cứu: Anh cần em phải mạnh mẽ lên”, ông Scott kể. 

Nỗi lo lắng tan biến khi bác sĩ Rohan Arora, Giám đốc chương trình đột quỵ của bệnh viện, không chỉ cứu được mạng sống cho ông Scott mà còn có thể ngăn chặn mọi tổn thương phát sinh. 

Bác sĩ Arora nói với New York Post: “Bệnh nhân được điều trị càng nhanh thì cơ hội hồi phục tốt càng cao và hầu như không có nguy cơ nghiêm trọng kéo dài, như trường hợp của ông Scott”.

Vào năm ngoái, ông Scott còn đẩy cả chiếc xe đi khi ngập lụt. Ảnh: New York Post

Tuy nhiên, tại sao một người tương đối khỏe mạnh như ông Scott lại bị đột quỵ nặng. Theo Tiến sĩ Avneet Singh, Bệnh viện Đại học North Shore, ông Scott có một lỗ thủng trên tim - rộng không quá vài cm ngay từ khi sinh ra. Các bác sĩ tin rằng lỗ thủng này đã gây tắc nghẽn mạch máu trong não - nơi hình thành cục máu đông gây đột quỵ.

Ông Scott có có nguy cơ cao rơi vào những tình huống tương tự trừ khi xử lý được lỗ hổng trong tim. Bác sĩ Singh nhận nhiệm vụ đóng lỗ hổng đó thông qua quy trình đặt ống thông cho bệnh nhân. Ca phẫu thuật vi mô chỉ mất khoảng 30 phút để hoàn thành.

“Tôi về nhà ăn sushi với vợ lúc 17h và cảm thấy hoàn toàn khỏe mạnh”, ông Scott nói. Tháng sau, ông đến bang Florida để làm công việc săn bão (đi vào vùng bão để thu thập dữ liệu) và tổ chức sinh nhật.

“Thật kỳ lạ khi được làm điều đó vào sinh nhật lần thứ 50 sau cơn đột quỵ 4 tháng. Khi nằm trên xe cấp cứu, tôi không nghĩ rằng mình sẽ sống”, ông tâm sự. 

Bác sĩ phẫu thuật tin rằng việc ông Scott tự đứng dậy được sớm như vậy là điều kỳ diệu của y học. “Bệnh nhân hồi phục nhanh và quay trở lại săn bão là nhờ tinh thần dẻo dai của chính ông”, bác sĩ Singh nói.