"Việc Hàn Quốc cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraine sẽ không làm thay đổi kết quả của cuộc xung đột, nhưng sẽ làm thay đổi bản chất mối quan hệ giữa Moscow và Seoul, cũng như phá hủy triển vọng khôi phục quan hệ", ông Zinovyev nói trong cuộc phỏng vấn với tờ Chosun Ilbo khi bình luận về thông tin cho rằng Hàn Quốc có khả năng thay đổi quan điểm, và gửi trực tiếp vũ khí sát thương cho Ukraine.
Cho tới nay, Hàn Quốc vẫn chỉ hỗ trợ cho Ukraine về tài chính và nhân đạo, nhưng chưa cung cấp vũ khí sát thương.
Sau khi tình báo Hàn Quốc cáo buộc Triều Tiên đã điều quân tới Nga, Seoul cảnh báo sẽ có các biện pháp để ứng phó với tình hình. Dẫn lời các nguồn tin, truyền thông Hàn Quốc cho hay chính phủ nước này đang cân nhắc hỗ trợ vũ khí cho Ukraine. Đây có thể là động thái làm thay đổi chính sách không trực tiếp gửi viện trợ sát thương tới vùng xung đột mà Hàn Quốc theo đuổi lâu nay.
Đại sứ Zinovyev nhấn mạnh, hiện ông không có thông tin chính thức về việc Triều Tiên triển khai quân đội đến Nga. "Tôi không thể xác nhận những báo cáo này. Đối với tôi, những gì được đưa ra làm bằng chứng về chuyện này là không thuyết phục", ông Zinovyev cho hay.
Cũng theo ông, thông tin binh sĩ Triều Tiên tới Nga mà phía Ukraine đưa ra bắt nguồn từ "tình huống tuyệt vọng" của Kiev, và nhằm mục đích "thúc đẩy các đối tác phương Tây tăng cường sự hỗ trợ".
Hôm 10/10, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov tuyên bố các cáo buộc về sự tham gia của quân đội Triều Tiên vào hoạt động quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine chỉ là sự bịa đặt.
Thời điểm Ukraine có thêm MiG-29
Trả lời phỏng vấn Ukrinform, ông Piotr Łukasiewicz, đại biện lâm thời của Ba Lan tại Ukraine, cho hay nước này sẽ cung cấp thêm chiến đấu cơ MiG-29 cho Ukraine, sau khi Warsaw "lấp đầy khoảng trống" từ hoạt động chuyển giao các máy bay này cho Kiev.
Cũng theo ông Łukasiewicz, Warsaw đang chuẩn bị nhiều gói viện trợ khác nhau cho Ukraine. Trong 2 năm qua, Ba Lan đã cung cấp phụ tùng thay thế, và máy bay MiG-29 cho Kiev.
“Chúng tôi thực sự là những người đầu tiên kêu gọi các đồng minh cung cấp cho Ukraine những thứ nặng hơn tên lửa chống tăng Javelin như xe tăng, MiG-29, và các máy bay cũ hơn. Câu hỏi hiện tại là làm thế nào để đảm bảo 'lấp đầy khoảng trống'”, ông Łukasiewicz nói.
Theo nhà ngoại giao Ba Lan, nước này vẫn còn khoảng 10 - 15 chiếc MiG-29. Những máy bay này vẫn đang được sử dụng như một phần của hệ thống phòng không Ba Lan.
Ông nói thêm, Warsaw đang trải qua một cuộc chuyển đổi đáng kể trong lực lượng không quân bằng cách mua thiết bị mới từ các đối tác mà cụ thể là tiêm kích F-16, và F-35. Theo ông, quá trình này vẫn đang diễn ra, do đó Ba Lan không thể để "mất ngay cả số lượng nhỏ MiG-29 đang có, bởi Warsaw sẽ cảm thấy không được bảo vệ".
“Với mục tiêu chiến lược là hỗ trợ Ukraine, chúng tôi kêu gọi các đồng minh ở cấp song phương và cấp độ NATO giúp chúng tôi lấp đầy khoảng trống do việc chuyển giao MiG tạo ra. Về cơ bản, điều này có nghĩa là các đồng minh cần gửi một số phi đội máy bay khác đến Ba Lan để chúng tôi có thời gian xây dựng năng lực, sau đó có thể chuyển giao những chiếc MiG mà các phi công Ukraine rất cần", ông Łukasiewicz nhấn mạnh.