100% ô tô đi trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng phải thực hiện thu phí không dừng từ đầu tháng 6. Vì thế, khi các chủ phương tiện không nạp tiền vào tài thu phí không dừng hoặc trong tài khoản không đủ tiền khi qua trạm thu phí, sẽ bị phạt từ 1-2 triệu đồng.
Sau một tháng chỉ thu phí tự động không dừng (ETC), đã có những tài xế rơi vào cảnh tréo ngoe khi để hết tiền trong tài khoản, hoặc không đủ tiền, chưa dán thẻ thu phí tự động.
Bạn Nguyễn Văn Quốc góp ý: “Trong thời gian đầu, rất cần có nhân viên trực ở làn thu phí tự động để hỗ trợ khách. Có thể khách chưa hiểu hoặc đi nhầm chứ không cố tình đi sai làn đường thu phí. Bắt phạt thì tội lắm”.
Cho rằng xu hướng thu phí tự động không dừng là tất yếu, bởi đảm bảo tính minh bạch, quản lý tốt doanh thu của các trạm, bạn Đặng Nhật Minh cho rằng, người dân không nên vì thấy bất tiện ban đầu mà phản ứng với việc thu phí qua thẻ ETC. Tuy nhiên, hiện nay, việc thu phí còn có bất cập.
Bạn đọc Quoc Tri Do nêu: “Tại sao không làm phần mềm liên kết được với tất cả các ngân hàng, chỉ cần quét như ví Momo, Zalo… vừa tiện lợi vừa đơn giản, vừa không tốn kém, đỡ gây phiền hà cho người tham gia giao thông. Nếu làm được như vậy, đảm bảo 100% người tham gia giao thông ủng hộ. Bởi bây giờ, hầu như ai cũng có tài khoản ngân hàng”.
Còn bạn đọc Thanh Sơn cho rằng: “Thẻ ETC nên liên kết với thẻ VISA dùng trước trả sau. Có như vậy, tiện cho người dân, tiền không bị chiếm dụng và đường không bao giờ ách tắc”.
Khuyến khích mà sao lại thu phí nạp tiền vào tài khoản ETC?
Hai hệ thống thu phí tự động hiện nay là VETC và ePass cho phép nạp tiền bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản. Các hình thức này đều yêu cầu khách hàng nạp tiền trước và tính thêm phí giao dịch. Điều này khiến nhiều tài xế không hài lòng.
Bạn đọc Nguyễn Xuân bức xúc, khi nạp 1 triệu đồng vào tài khoản ETC và bị trừ hơn 10 nghìn đồng tiền phí. “Nhà nước đang khuyến khích người dân dùng thẻ ETC mà lại thu phí mức cao như thế thì thật vô lý”, bạn đọc này nói.
Đồng quan điểm, bạn Ánh Dương chia sẻ: Chủ trương thu phí không dừng mở rộng ra tất cả các tuyến đường. Vậy cớ sao còn tính thêm phí chuyển tiền?.
Bạn Hương Kỳ băn khoăn: “Nhiều ngân hàng đã không thu phí chuyển tiền, sao dịch vụ thu phí không dừng lại thu phí cao, phí đó ai sẽ hưởng?”.
Có hình thức nạp tiền không mất phí
Một lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, khách hàng chuyển khoản bằng ứng dụng nạp tiền phí giao thông trong tài khoản ngân hàng thường sẽ bị tính phí. Do vậy, để không mất phí chuyển tiền khách hàng có thể chuyển vào tài khoản của BIDV, của nhà cung cấp dịch vụ, hoặc sử dụng tài khoản của BIDV chuyển tiền vào tài khoản giao thông.
Ông Hồ Trọng Vinh, Phó giám đốc Công ty TNHH thu phí tự động VETC cho biết, việc chuyển tiền từ ngân hàng sang thẻ giao thông có tính phí là quy định của ngân hàng, nhà cung cấp dịch vụ không thể can thiệp được.
Tuy nhiên, khách hàng có thể chuyển tiền từ ngân hàng qua tài khoản giao thông của nhà cung cấp dịch vụ thu phí tự động không dừng thông qua tài khoản của ngân hàng BIDV.
Đại diện Công ty CP giao thông số Việt Nam VDTC cho biết, hiện tại khách hàng có 11 cách để nạp tiền vào tài khoản giao thông ePass. Cụ thể là nạp tiền trực tiếp tại điểm dịch vụ, chuyển khoản ngân hàng, ATM nội địa với hơn 40 ngân hàng, BankPlus, Visa quốc tế, ví điện tử Viettel Money, MoMo, VNPAY, nạp tiền trực tiếp trên ứng dụng ngân hàng BIDV, Vietcombank, Sacombank, Vietinbank, Agribank,... Phí nạp tiền theo biểu phí nhà cung cấp dịch vụ thanh toán.
Khách hàng cũng có thể nạp tiền vào tài khoản giao thông ePass không mất phí qua 4 cách sau:
Cách 1: Nạp tiền trực tiếp tại các điểm dịch vụ của ePass là 316 siêu thị Viettel Store trên toàn quốc và 21 trạm thu phí do VDTC quản lý.
Cách 2: Nạp tiền theo hình thức chuyển khoản ngân hàng: Khách hàng sử dụng ứng dụng ngân hàng bất kỳ chuyển khoản đến ngân hàng thụ hướng là ngân hàng BIDV và Nhập số tài khoản người thụ hưởng theo cấu trúc: “V5epass + biển số xe hoặc Mã khách hàng”. Nhập “Số tiền”, thao tác chuyển khoản như bình thường. Cách 3: Nạp tiền ePass từ Viettel Money.
Đối với khách hàng sử dụng Viettel Money, khách hàng có thêm lựa chọn liên kết nguồn tiền tài khoản giao thông ePass với Viettel Money, ưu điểm của hình thức này là không cần nạp tiền vào tài khoản giao thông khi qua trạm BOT, thanh toán đa dạng dịch vụ thuộc hệ sinh thái Viettel Money, dễ dàng nạp tiền, rút tiền qua Viettet Money. Hiện tại Viettel Money đang miễn phí tới 6 lượt qua trạm, hạn đến 24/11/2022.
Cách 4: Nạp tiền ePass từ dịch vụ ngân hàng di động Bankplus. Sau khi đăng ký, khách hàng nạp tiền ePass qua chuyển khoản qua các ngân hàng liên kết là MBbank, BIDV, LPB
Từ ngày 1/1/2022, khách hàng là tổ chức, cá nhân có thể nạp tiền miễn phí từ ngân hàng BIDV vào tài khoản giao thông hoặc nạp tiền từ các tài khoản ngân hàng khác vào tài khoản BIDV của VTDC theo hình thức chuyển khoản ngân hàng. Hướng dẫn thao tác nạp tiền ePass bằng chuyển khoản liên ngân hàng.
Cụ thể, đăng nhập ứng dụng ngân hàng quý khách đang sử dụng, chuyển khoản đến ngân hàng: Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam BIDV và nhập số tài khoản người thụ hưởng theo cấu trúc: “V5epass + biển số xe hoặc Mã khách hàng”.
Sau đó nhập số tiền, thao tác chuyển khoản như bình thường >> Kiểm tra thông tin >> Chọn “Xác nhận” để hoàn tất giao dịch.