Trong 2 ngày 22-23/9, tại TP Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa), Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS), cơ quan chủ quản dự án Tăng cường năng lực cho cấp cơ sở chuẩn bị sẵn sàng và ứng phó đại dịch Covid-19 tại Việt Nam (SPR-COVID) tổ chức lớp tập huấn về các kỹ năng truyền thông.

30 thành viên thuộc 10 nhóm cộng đồng người dân tộc thiểu số, người có HIV, người cao tuổi…. từ 3 tỉnh Long An, Khánh Hòa và Vĩnh Phúc được tham gia tập huấn.

Lớp tập huấn nhằm trang bị và nâng cao kỹ năng truyền thông của các thành viên nòng cốt thuộc 10 nhóm trên về thu thập và kiểm tra thông tin, các khái niệm cơ bản về tin, sử dụng trí tuệ nhân tạo để viết tin, quản trị và truyền thông cộng đồng trên nhóm Zalo.

Các học viên thảo luận nhóm (Ảnh: Hải Vương) 

Qua đó, các nhóm có thể chủ động hơn trong việc khai thác thông tin chính thống từ Bộ Y tế, cổng thông tin điện tử Chính phủ, cùng một số báo điện tử hợp pháp để xây dựng những tin truyền thông trên các nhóm Zalo. Từ đó giúp người dân được tiếp cận thông tin về sức khoẻ, chính sách, luật pháp, văn hoá, xã hội một cách kịp thời và chính xác.

“Lâu nay, tôi cứ nghĩ đơn giản là lên mạng, thấy thông tin gì hay thì cứ lấy về rồi chia sẻ lại với những thành viên trong nhóm chứ chưa nắm chắc cách kiểm tra những thông tin ấy.

Qua lớp này, tôi đã nhận biết được những nguồn tin chính thống cũng như cách kiểm tra thông tin giả hay thật. Điều này giúp tôi tự tin hơn trong truyền thông cũng như cung cấp thông tin 1 cách chính xác hơn”, anh Châu Sóc In, Trưởng nhóm CLB người Khmer tham gia phòng chống Covid-19 đến từ Đức Hòa, Long An cho biết.

Sau 2 ngày tập huấn, tổng cộng đã có hơn 60 tin ngắn về lớp tập huấn đã được các học viên thực hiện, trong đó đặc biệt có 30 tin được viết với sự hỗ trợ của trí tuệ nhân tạo.

Các học viên được tập huấn các kỹ năng truyền thông 

“Trước đây, mỗi lần muốn chia sẻ thông tin gì đến những công nhân thuê trọ, những người nghèo ở khu nhà tôi, gần như tôi phải mất rất nhiều thời gian để soạn. Giờ đây, với sự hỗ trợ của trí tuệ nhân tạo cũng như nắm được những thông tin cốt lõi như 5W1H, mỗi ngày tôi có thể tạo từ 2 – 3 tin 1 cách nhẹ nhàng, giúp việc truyền tin đến người dân được nhanh chóng”, chia sẻ bởi 1 chủ nhà trọ đến từ Vĩnh Phúc.

Dự án SPR-COVID mong đợi những nhóm Zalo do 10 nhóm cộng đồng này xây dựng sẽ là kênh truyền thông chính của các nhóm, qua đó các thành viên nhóm sẽ quen dần với việc nhận thông tin từ những kênh này để khi có sự kiện khẩn cấp về sức khoẻ xảy ra thì tất cả thành viên của 10 nhóm cộng đồng này đều nắm được các thông tin quan trọng, qua đó có thể ứng phó tốt hơn với dịch bệnh.

“Chúng tôi được tập huấn rất đầy đủ về cách xây dựng, quản trị và vận hành nhóm Zalo cộng đồng, từ cách đặt tên nhóm Zalo, chọn biểu tượng phù hợp tới các chiến lược quản trị nhóm theo hướng “có ích và không làm phiền” đối với mọi thành viên trong nhóm”, một thành viên nhóm người cao tuổi đến từ Ninh Hoà cho biết.

Trong năm 2024, dự kiến Dự án SPR-COVID sẽ tiếp tục triển khai một số cuộc tập huấn tương tự, đặc biệt chú trọng đến việc sử dụng trí tuệ nhân tạo trong thực hiện tin truyền thông, qua đó góp phần nâng cao chất lượng hoạt động truyền thông của các nhóm cộng đồng tham gia dự án.

Dự án Tăng cường năng lực cho cấp cơ sở chuẩn bị sẵn sàng và ứng phó đại dịch Covid-19 tại Việt Nam (SPR-COVID) do Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS) thực hiện và được Quỹ Phát triển Xã hội Nhật Bản và Ngân hàng Thế giới tài trợ.

Mục tiêu của dự án là nâng cao năng lực của chính quyền địa phương, trạm y tế xã, cộng đồng và nhóm dân cư dễ bị tổn thương tại 27 xã thuộc 9 huyện ở 3 tỉnh Vĩnh Phúc, Khánh Hòa, Long An trong phòng chống, ứng phó với Covid-19 và các trường hợp khẩn cấp về y tế khác.