Năm 2015, Christiane Rudert, Cố vấn về Dinh dưỡng, UNICEF khu vực Đông Á & Thái Bình Dương, đã đến vùng miền núi phía Bắc của Việt Nam, trong chương trình hỗ trợ nhằm cải thiện dinh dưỡng cho trẻ em dân tộc H’Mông.
Những dòng nhật ký của ông sau chuyến đi này đã cho thấy thực tế đáng báo động trong tình trạng dinh dưỡng của trẻ em dân tộc thiểu số.
“Tỷ lệ trẻ em H’Mông suy sinh dưỡng thấp còi (trẻ quá thấp so với độ tuổi) rất cao. Ở một số nơi, tỷ lệ này cao tới 75%. Tôi nghĩ mình chưa từng chứng kiến nơi nào khác trên thế giới tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ em cao như ở đây. Tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi trung bình trên địa bàn tỉnh Lào Cai là 40%, gần gấp đôi mức trung bình trên cả nước. Các cháu nhỏ nói với tôi là đã 9 tuổi nhưng các cháu trông chỉ giống như 4 trẻ tuổi”, ông viết.
Những con số đáng báo động
Một vài số liệu từ kết quả Tổng điều tra dinh dưỡng toàn quốc 2017-2020 cũng cho thấy sự chênh lệch giữa thể trạng của trẻ em dân tộc thiểu số và trẻ em vùng thành thị.
Ví dụ, trên cả nước, tỷ lệ thiếu kẽm ở trẻ em 6-59 tháng tuổi giảm xuống 58%. Tuy nhiên, tỷ lệ này ở miền núi phía Bắc là 67,7% và Tây Nguyên là 66,6%.
Tỷ lệ thiếu vitamin A tiền lâm sàng ở nhóm trẻ 6-59 tháng tuổi ở khu vực miền núi phía Bắc là 13,8% và Tây Nguyên 11,0% so với mức bình quân cả nước là 9,5%.
Tỷ lệ thiếu máu ở nhóm trẻ 6-59 tháng tuổi ở miền núi phía Bắc vẫn rất cao ở mức 23,4% và Tây Nguyên 26,3 %.
Đánh giá về vấn đề này, TS.BS Huỳnh Nam Phương, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, từng khẳng định thực trạng dinh dưỡng của trẻ em vùng dân tộc thiểu số rất đáng báo động.
Đồng thời, tỷ lệ trẻ em là người dân tộc thiểu số thiếu cân cũng lớp hơn gấp 2,5 lần (21% so với 8,5%) so với trẻ em là người Kinh. Hơn nữa, 119.957 (60%) trong tổng số 199.535 trẻ em bị suy dinh dưỡng thể thấp còi ở 10 tỉnh thành có tỷ lệ thể thấp còi cao nhất cả nước đều là người dân tộc thiểu số.
Biện pháp nào giúp trẻ miền núi cải thiện sức khỏe?
Để cải thiện tình trạng dinh dưỡng tại vùng dân tộc thiểu số, dự án 7 của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, được xây dựng, triển khai để góp phần giải quyết vấn đề này.
Đối tượng của dự án là người dân tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đặc biệt là phụ nữ mang thai, bà mẹ, trẻ em và người cao tuổi; Trung tâm y tế huyện; cán bộ y tế, dân số, nhân viên Trung tâm y tế huyện, nhân viên trạm y tế xã, viên chức dân số xã, nhân viên y tế thôn bản, cộng tác viên dân số, cô đỡ thôn bản.
Mục đích của dự án này là nhằm nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số và phòng, chống suy dinh dưỡng cho trẻ em. Các nội dung chính gồm: Xây dựng và phát triển y tế cơ sở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Nâng cao chất lượng dân số vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng bà mẹ - trẻ em nhằm giảm tử vong bà mẹ, tử vong trẻ em, nâng cao tầm vóc, thể lực người dân tộc thiểu số.
Ngoài ra, năm 2022, Viện Dinh dưỡng Quốc gia còn thực hiện xây dựng nhiều chương trình giúp hỗ trợ các địa phương, trong đó có các tỉnh miền múi chăm sóc sức khỏe cho trẻ em nói chung và trẻ em đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng.
Điển hình là tập huấn cho cán bộ y tế và nhân viên y tế thôn bản, tài liệu hướng dẫn các mô hình chăm sóc dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời của trẻ. Đồng thời, viện còn triển khai mô hình chăm sóc dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời tại nhiều tỉnh như Thanh Hóa, Đắk Lắk, Cà Mau với các hoạt động khảo sát ban đầu và xây dựng kế hoạch với tỉnh, đề xuất mô hình phù hợp.
Nhận định về biện pháp để giải quyết vấn đề suy dinh dưỡng ở trẻ em vùng dân tộc thiểu số, TS.BS Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học Ứng dụng Việt Nam, cho biết các địa phương cần sự hỗ trợ từ chính sách và Nhà nước như đẩy mạnh triển khai các can thiệp dinh dưỡng cho phụ nữ mang thai và cho con bú; cho trẻ tiêm phòng đầy đủ theo chương trình tiêm chủng mở rộng; theo dõi tăng trưởng và phát triển của trẻ; bảo đảm nước sạch, vệ sinh cá nhân và môi trường; nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của mạng lưới dinh dưỡng tại cộng đồng và cơ sở y tế...