Tại Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về xây dựng, phát triển vùng kinh tế ven biển tỉnh Nam Định giai đoạn 2021 - 2025 và những năm tiếp theo, tỉnh Nam Định phấn đấu đến năm 2025, tổng giá trị sản xuất trên địa bàn 3 huyện ven biển (Giao Thủy, Nghĩa Hưng, Hải Hậu) chiếm tỷ trọng từ 30 - 35% so với toàn tỉnh, tổng thu ngân sách nhà nước đạt khoảng 3.000 - 4.000 tỷ đồng. Thu nhập bình quân đầu người đạt trên 110 triệu đồng/năm. Đến năm 2030, vùng kinh tế ven biển là cực tăng trưởng phía Nam của tỉnh, đóng góp quan trọng để hoàn thành mục tiêu Nam Định là tỉnh phát triển khá của cả nước.

Những năm qua, quán triệt sâu sắc Nghị quyết Trung ương 4 Khoá X về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 và Nghị quyết Trung ương 8 Khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, cùng với sự nỗ lực cố gắng của các cấp, các ngành và nhân dân các huyện ven biển để đẩy mạnh phát triển vùng kinh tế biển của tỉnh. Đến nay, kinh tế biển, các vùng ven biển đang dần trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Bên cạnh đó, Nghị quyết chuyên đề toàn khóa số 05-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển kinh tế biển đã xác định trọng tâm là phát triển công nghiệp gắn với thế mạnh, lợi thế của vùng. Theo đó, các địa phương có biển đã chủ động xây dựng lộ trình và từng bước triển khai hiệu quả các giải pháp thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp vùng ven biển.

Kinh tế biển, các vùng ven biển đang dần trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Nam Định.

Đặc biệt, tỉnh Nam Định cũng chú trọng thu hút nguồn lực đầu tư hạ tầng các khu, cụm công nghiệp nhằm tạo quỹ đất thu hút các nhà đầu tư vào sản xuất công nghiệp. Đến nay, tại vùng ven biển của tỉnh đã đầu tư xây dựng các khu công nghiệp có quy mô lớn. Có 4 cụm công nghiệp cấp huyện đã đi vào hoạt động, gồm các cụm công nghiệp: Hải Phương 21,4 ha, Hải Minh 6,6 ha, Thịnh Long 15,8 ha tại huyện Hải Hậu; Cụm công nghiệp Nghĩa Sơn 9 ha tại huyện Nghĩa Hưng.

Ngoài ra, các ngành, các địa phương đẩy mạnh xúc tiến, thu hút các doanh nghiệp tham gia đầu tư trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp. Hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở đang hoạt động trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp đầu tư, ứng dụng công nghệ mới, áp dụng các quy chuẩn, kỹ thuật sản xuất tiên tiến, chuyển đổi số, tham gia thương mại điện tử để nâng cao chất lượng, thương hiệu, giá trị gia tăng cho các sản phẩm.

Bà Vũ Thị Kim, Tỉnh uỷ viên, Giám đốc Sở Công Thương cho hay, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp địa bàn vùng ven biển đang dần đóng vai trò quan trọng, trở thành động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong tình hình mới, bên cạnh những biện pháp tích cực đã áp dụng, tỉnh chỉ đạo các ngành, các địa phương gia tăng các biện pháp để hướng đến mục tiêu phát triển toàn diện, đồng bộ các ngành công nghiệp ven biển theo hướng hiện đại, thu hút được nhiều nhà đầu tư lớn, dự án lớn, tạo sức cạnh tranh cao, tạo sự hài hòa giữa phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường. 

Theo đó, ngành công thương sẽ phối hợp với các ngành, các địa phương có biển khẩn trương hoàn thành xây dựng hạ tầng và sớm lấp đầy Khu công nghiệp Dệt may Rạng Đông, các cụm công nghiệp Thịnh Lâm, Giao Thiện, Giao Yến (Giao Thủy), Cụm công nghiệp làng nghề Hải Vân (Hải Hậu). Đẩy mạnh đầu tư mới hạ tầng các khu, cụm công nghiệp theo quy hoạch để thu hút các nhà đầu tư thứ cấp. Tích cực hỗ trợ các nhà đầu tư thực hiện các dự án lớn trên địa bàn các huyện ven biển. 

Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hỗ trợ khuyến công, tư vấn phát triển công nghiệp trong giai đoạn mới, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong các cụm công nghiệp, làng nghề. Phát triển nhanh, đa dạng các lĩnh vực thương mại, dịch vụ; tiếp tục cải tạo, nâng cấp hệ thống chợ; khuyến khích, thu hút đầu tư xây dựng mới các trung tâm thương mại, siêu thị ở các thị trấn, thị tứ và các vùng nông thôn... Sớm hình thành, nâng cao giá trị chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm công nghiệp ở vùng kinh tế ven biển. 

Tập trung nghiên cứu, tham mưu, đề xuất tỉnh ban hành cơ chế chính sách phát triển hợp lý các ngành công nghiệp. Trong đó, tiếp tục thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp có tiềm năng, thế mạnh, chủ lực của vùng như cơ khí đóng tàu, sản xuất kim loại, vật liệu xây dựng, công nghiệp chế biến thủy hải sản, dược liệu…  

Văn Thường, Bích Hạnh, Lê Anh Dũng, Bình Minh