Theo ông John Kirby, đánh giá ban đầu từ Ukraine cho thấy, loại đạn này “khá hiệu quả”.

Việc cung cấp bom chùm gây tranh cãi được Washington công bố vào đầu tháng 7. Tổng thống Joe Biden mô tả quyết định cung cấp bom, đạn chùm cho Ukraine là biện pháp tạm thời, do Mỹ và các đồng minh đang thiếu hụt đạn thông thường.

Ảnh minh họa 

Washington thừa nhận loại vũ khí này gây ra rủi ro lớn cho dân thường. Song theo Mỹ, Ukraine đã cam kết sử dụng chúng một cách có trách nhiệm, và tránh xa những khu vực đông dân.

Bom chùm bị cấm sử dụng tại hơn 100 quốc gia. Tuy nhiên, cả Ukraine, Mỹ và Nga đều không ký Công ước về Bom, đạn chùm (CCM) vào năm 2008.

Moscow đã lên án quyết định của Mỹ cung cấp bom chùm cho Kiev, và tuyên bố sẽ có hành động đáp trả. Hành động của Mỹ cũng đã vấp phải sự chỉ trích gay gắt từ các đồng minh thân cận. Liên Hợp Quốc đã bày tỏ lo ngại về những tác động đối với dân thường.

Bãi mìn của Nga là “điều đáng sợ nhất” với quân đội Ukraine 

Theo tờ Financial Times, việc quân đội Ukraine không thể chọc thủng các tuyến phòng thủ của Nga phần lớn là do những bãi mìn đang “phá hủy xe thiết giáp do NATO cung cấp, làm binh lính bị thương, và hạ gục tinh thần chiến đấu”.

Cuộc phản công của Kiev được phát động vào đầu tháng 6. Xe tăng và phương tiện chiến đấu bộ binh do phương Tây cung cấp không thể giúp binh sĩ Ukraine giành ưu thế. Financial Times cho hay, có nhiều yếu tố ảnh hưởng tới cuộc phản công, trong đó các bãi mìn của Nga là “điều đáng sợ” nhất.

“Chúng tôi có thể tấn công với 10 lữ đoàn, nhưng sẽ không hiệu quả vì mìn ở khắp mọi nơi, cứ nửa mét lại có mìn”, chỉ huy một đơn vị của Ukraine chia sẻ.

Vết thương do bom mìn đã trở thành loại thương tích chủ yếu được điều trị tại các bệnh viện dã chiến tuyến đầu của Ukraine. Một bác sĩ cho biết, ông phải thực hiện hàng chục ca phẫu thuật mỗi ngày.