Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Ishiba Shigeru, ứng viên hàng đầu cho vị trí kế nhiệm Thủ tướng Kishida Fumio, tuần trước đã kêu gọi thiết lập một "phiên bản NATO của châu Á" bằng cách thống nhất các thỏa thuận an ninh khác nhau trong khu vực thành một hiệp ước phòng thủ chính thức. Ông Ishiba cũng bày tỏ mong muốn Mỹ thảo luận sâu hơn về đề xuất này.
Tuy nhiên, phát biểu tại một hội nghị ở Washington trong tuần này, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Á và Thái Bình Dương Daniel Kritenbrink đã bác bỏ đề xuất của ông Ishiba.
"Hiện vẫn còn quá sớm để nói về an ninh tập thể trong bối cảnh đó và [việc thành lập] nhiều thể chế chính thức hơn. Điều chúng tôi đang tập trung là đầu tư vào cấu trúc chính thức hiện có của khu vực và tiếp tục xây dựng mạng lưới các mối quan hệ chính thức và không chính thức này. Sau đó, chúng tôi sẽ xem mọi thứ đi đến đâu”, ông Kritenbrink chia sẻ với hãng thông tấn Nikkei của Nhật Bản.
Một quan chức Mỹ ẩn danh cũng tiết lộ, Washington hiện không tìm kiếm một phiên bản “NATO của châu Á” trong khu vực. Mặc dù quan chức này nói Mỹ muốn tránh tạo ra một "liên minh theo kiểu khối" ở châu Á - Thái Bình Dương, nhưng Washington đã dành nhiều thập kỷ để xây dựng mạng lưới quan hệ đối tác và các thỏa thuận đa phương trong khu vực, khiến các nước đối thủ, đặc biệt là Trung Quốc gay gắt phản đối vì tin đây là những bước tiến tới một "NATO của châu Á" trên thực tế.
Bắc Kinh đã chỉ trích Hiệp ước AUKUS giữa Australia, Anh và Hoa Kỳ cũng như diễn đàn Đối thoại an ninh 4 bên giữa Australia, Ấn Độ, Nhật Bản và Mỹ là những nỗ lực của Washington nhằm "kích động đối đầu" trong khu vực. Việc NATO tăng cường hợp tác với Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand cũng bị Bắc Kinh lên án là “tạo ra căng thẳng, khơi dậy tâm lý chiến tranh Lạnh và xúi giục đối đầu giữa các khối ở Châu Á - Thái Bình Dương".