Theo Báo cáo chuyên đề về đo lường hoạt động của người dân trên các nền tảng số Việt Nam quý I/2022 được Bộ Thông tin và Truyền thông công bố, sau 3 tháng triển khai thí điểm, dịch vụ Mobile money đã đạt được một số kết quả nhất định. Cụ thể, số lượng khách hàng đăng ký và sử dụng dịch vụ đạt hơn 835.000 khách; trong đó, có 487.000 khách hàng ở nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo, chiếm 58,3%. Số lượng tài khoản Mobile money đang hoạt động - có phát sinh ít nhất một giao dịch đạt 834.376 tài khoản, tương đương 99,8%.

Số lượng điểm kinh doanh dịch vụ Mobile money là 2.642 điểm, phủ khắp 63 tỉnh, thành phố trong cả nước; trong đó có 537 điểm kinh doanh ở nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo. Số lượng đơn vị chấp nhận sử dụng tài khoản Mobile money để thanh toán là 11.254 đơn vị; và số lượng giao dịch đạt 7,5 triệu với giá trị lên tới 280 tỷ đồng.

Với số lượng điểm giao dịch rộng khắp của các nhà mạng di động, Mobile money cung cấp cho dân cư khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, nơi chưa có mạng lưới hệ thống ngân hàng, cũng như cho đối tượng chưa hoặc không có khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng có cơ hội tiếp cận và sử dụng dịch vụ chuyển tiền, thanh toán không dùng tiền mặt nhanh chóng, thuận tiện.

Việc nạp và rút tiền từ tài khoản Mobile money tại các điểm giao dịch của nhà mạng cũng nhanh chóng, đơn giản và thuận tiện như nạp tiền vào tài khoản viễn thông. Do không yêu cầu phải có tài khoản ngân hàng, phát triển dịch vụ Mobile money góp phần thúc đẩy phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, tăng cường tiếp cận và sử dụng các dịch vụ tài chính cho mọi đối tượng khách hàng.

Để phát triển dịch vụ Mobile money trong thời gian tới, TS. Lê Thanh Huyền - Trường Đại học Hòa Bình gợi ý một số vấn đề cần chú trọng triển khai:

Một là, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, hướng đến xây dựng một “sân chơi bình đẳng” trong tương lai cho các đơn vị tham gia cung cấp dịch vụ, qua đó khuyến khích sự hợp tác - cạnh tranh cùng có lợi giữa các chủ thể. Để giảm thiểu các rủi ro về mặt pháp lý, Nhà nước nên quy định đối với các đơn vị cung cấp dịch vụ về giới hạn cho tài khoản, tần suất giao dịch, khối lượng và số tiền được chuyển trong một khoảng thời gian nhất định, giám sát các luồng giao dịch để nó cảnh báo nhà cung cấp dịch vụ về các mẫu giao dịch đáng ngờ và có biện pháp xử lý kịp thời.

Hai là, tăng cường công tác tuyên truyền, tạo thói quen cho người sử dụng. Để hình thành thói quen thanh toán mới, cần đẩy mạnh truyền thông, giáo dục tài chính để người dân thấy rõ lợi ích khi sử dụng dịch vụ Mobile money trên cả khía cạnh lợi ích tài chính và tính thuận tiện trong sử dụng.

Ba là, hoàn thiện hạ tầng cho các dịch vụ tài chính di động. Cần đa dạng hóa và nâng cao chất lượng các sản phẩm dịch vụ, làm chủ công nghệ, chú trọng đến sự tiện lợi, dễ sử dụng nhưng vẫn đảm bảo tính an toàn, bảo mật, tránh rủi ro và mang lại hiệu quả cao nhất cho xã hội. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu tích hợp, đồng bộ các tài khoản khác nhau để tạo thuận lợi người sử dụng sản phẩm.

Các nhà mạng cung cấp dịch vụ Mobile money cần làm chủ hệ thống xử lý giao dịch, trung tâm thanh toán; xây dựng quy trình, kịch bản ứng phó để kiểm soát, hạn chế các rủi ro hệ thống có thể làm gián đoạn hoặc ngừng giao dịch; hoàn thiện quy trình nghiệp vụ và quy trình quản lý rủi ro...

Bốn là, chú trọng đầu tư phát triển nguồn nhân lực. Cần thu hút, đào tạo và hỗ trợ các chuyên gia công nghệ, nhân tài am hiểu về công nghệ số và kiến thức về lĩnh vực tài chính - ngân hàng. Có chính sách liên kết, hợp tác đào tạo lâu dài với các quốc gia có kinh nghiệm về quản lý và phát triển công nghệ như: Singapore, Hong Kong, Indonesia… cũng như các quốc gia thành công về dịch vụ Mobile money như: Kenya, Uganda, Philippines...

Năm là, tăng cường sự hợp tác của các chủ thể tham gia cung cấp dịch vụ bao gồm các nhà mạng, các định chế tài chính và các nhà cung cấp dịch vụ. Sự phối hợp này sẽ tạo ra nhiều sản phẩm dịch vụ mới, giảm giá thành, kích thích cầu tiêu dùng và tạo ra sự giám sát chặt chẽ giữa các bên, hạn chế những rủi ro có thể xảy ra.

Quang Phong, Hồng Hạnh, Kim Chi