Giọt nước mắt tiếc thương và nén nhang tri ân của cựu binh già trong nghĩa trang liệt sĩ xã Yên Trung (Ý Yên, Nam Định) khiến nhiều người xúc động.
Trong ngôi nhà nhỏ 1 gian tại thôn Hữu Chung, xã Hồng Quang, huyện Thanh Miện, Hải Dương, mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Ngách (109 tuổi) liên tục chỉ vào di ảnh của hai con trai là liệt sĩ Đặng Ngọc Thóc (SN 1936), liệt sĩ Đặng Văn Bằng (SN 1947) và tự hào bảo rằng con mình đi cứu nước đến nay chưa về.
Mẹ Ngách cùng chồng là cụ Đặng Văn Tiền (113 tuổi) vẫn chưa thể tin rằng hai con trai mình đã hi sinh khi nhập ngũ để bảo vệ đất nước dù chuyện đau lòng này đã qua hơn 50 năm.
Mẹ Ngách (quê Thái Bình) kết hôn cùng cụ Đặng Văn Tiền (quê Hải Dương) và sinh được 5 người con (3 trai, 2 gái). Trong đó 2 người con trai đầu tham gia quân ngũ để vào miền Nam chống Mỹ cứu nước.
Năm nay 109 tuổi, mẹ Ngách đã không còn minh mẫn như trước, tuy nhiên trong tiềm thức của mẹ vẫn nhớ và nhắc tên liên tục hai người con đã là liệt sĩ của mình.
Hiện tại, mọi sinh hoạt của mẹ Ngách và cụ Tiền đều do vợ chồng con trai thứ 3 chăm sóc, đó là ông Đặng Xuân Chàng (75 tuổi) và bà Trần Thị Yến (71 tuổi).
Ông Chàng kể, vì không lấy chồng, em gái ông là bà Đặng Thị Bướm xin đảm nhiệm phần trực tiếp chăm sóc bố mẹ. Tuy nhiên cách đây 3 năm, bà Bướm mất trong một vụ tai nạn giao thông nên gia đình ông Chàng lo việc này.
Nhớ lại những năm tháng người thân trong gia đình còn đầy đủ, ông Chàng cho biết hai anh trai mình đều là người hoạt bát, chịu khó. Nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc, ông Thóc và ông Bằng lần lượt nhập ngũ vào các năm 1958 và 1960.
"Thời điểm đó, hai anh tôi quyết tâm tham gia nhập ngũ bảo vệ Tổ quốc. Bố mẹ không ngăn cản mà còn động viên và tự hào vì có những người con yêu nước, đánh đổi thanh xuân để giành lại tự do cho dân tộc. Mỗi lần về phép, hai anh không được nghỉ ngày nào, liền lao vào phụ giúp gia đình gặt lúa", ông Chàng nhớ lại.
Cũng trong những lần về phép đó, ông Thóc và ông Bằng đều tặng bố mẹ khi chiếc áo lúc thì cái khăn để làm quà. Đâu ai biết đó lại là những lần gặp cuối cùng của mẹ Ngách với các con, gia đình thân thương ấy không còn cơ hội để tương phùng.
"Năm 1966, anh Bằng hi sinh tại Bình Phước, nỗi đau chưa nguôi ngoai thì đến năm 1970 anh Thóc hi sinh ở Lâm Đồng. Nhận giấy báo tử, bố mẹ tôi khóc ngất lên ngất xuống và không tin đó là sự thật, cả hai chỉ nghĩ con mình đi công tác bận việc nên chưa về nhà.
Anh Thóc không còn di ảnh, anh Bằng mất khi mới ngoài 20 tuổi cũng chưa kịp lập gia đình. Bố mẹ tôi cũng từ đó dần héo mòn nhưng vẫn mong mỏi con về nhà. Mỗi lần nghe thấy tiếng mở cổng mẹ lại nghĩ hai con trai từ chiến trường trở về và thúc giục mọi người nấu cơm cùng ăn", ông Chàng ngấn lệ cho biết.
Có những đêm, trong căn nhà đơn sơ ấy, ông Chàng thức giấc thấy mẹ Ngách đang khóc sụt sùi, những giọt nước mắt nhớ con đua nhau rơi kín di ảnh vừa được lau sạch.
Dù như vậy, chưa khi nào mẹ Ngách oán than. Với mẹ, cái chết của hai con trai không hề vô nghĩa khi đã góp phần giành lại tự do cho dân tộc sau này.
Với những đóng góp lớn lao, cống hiến, hi sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, ngày 25/6/2014, mẹ Ngách đã được phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng.
Ngoài những sự chăm sóc của gia đình, chính quyền địa phương và nhiều đoàn thể vẫn chung tay hỗ trợ cho mẹ Ngách và cụ Tiền. Lãnh đạo địa phương, Công an huyện Thanh Miện thường xuyên đến thăm hỏi, tặng quà cho mẹ Ngách.
Đặc biệt, Hội phụ nữ xã Hồng Quang nhận phụ nuôi mẹ Ngách, mỗi tuần sẽ đến nhà 2 lần để trò chuyện, dọn dẹp nhà cửa và chăm sóc.
"Qua sự quan tâm, gia đình tôi thêm tin tưởng vào Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương. Tôi tin rằng những công lao, hi sinh của các bà mẹ Việt Nam anh hùng đều sẽ được cả dân tộc khắc cốt ghi tâm, không ai có thể quên được nước ta có những người mẹ vĩ đại như thế", ông Chàng chia sẻ.