Mối lương duyên gần 20 năm
Ngày 20/4, tang lễ cụ Doãn Ngọc Trâm - mẹ liệt sĩ Đặng Thùy Trâm, được tổ chức tại Nhà tang lễ Quốc gia (Hà Nội). Cụ Trâm qua đời vào 4h ngày 16/4, hưởng thọ 99 tuổi.
Trong dòng người tiễn biệt, có một người đàn ông Mỹ cao gầy, tóc bạc, mặc áo tang đen, đội khăn trắng, đứng trong hàng gia đình con cháu. Ông im lặng, đôi mắt buồn rầu và ngấn lệ trong suốt buổi lễ.
Trao đổi với phóng viên, Đại tá, nhà báo Đặng Vương Hưng cho biết người đàn ông Mỹ đó là cựu binh Ted Engelmann.
Gần 20 năm trước, ông Ted đến Hà Nội để tìm kiếm, chuyển nội dung cuốn nhật ký của bác sĩ Đặng Thùy Trâm từ Mỹ về đoàn tụ gia đình. Ông cũng là nhà sử học, nhiếp ảnh gia có nhiều duyên nợ và rất yêu mến Việt Nam.
"Nghe tin mẹ Doãn Ngọc Trâm qua đời, Ted đã vội vàng đặt vé máy bay, vượt qua cả vạn cây số, bay từ Mỹ sang Việt Nam", Đại tá Đặng Vương Hưng nói.
Theo ông Hưng, cựu binh Mỹ tới sân bay Nội Bài vào đêm 19/4, xin tham dự đám tang mẹ liệt sĩ Đặng Thùy Trâm với bổn phận của một người con trong gia đình.
Ông Ted cùng con cháu cụ Doãn Ngọc Trâm đưa linh cữu người quá cố về tận nơi an nghỉ cuối cùng tại Nghĩa trang Vĩnh Hằng, Ba Vì.
"Ted lặng lẽ chứng kiến các nghi thức cuối cùng vĩnh biệt thân mẫu của liệt sĩ Đặng Thùy Trâm. Ông lặng lẽ đứng bên mộ mẹ Doãn Ngọc Trâm rất lâu, trên đầu vẫn quấn khăn trắng, thắp hương và vái lạy, theo đúng phong tục Việt Nam", Đại tá Đặng Vương Hưng cho hay.
Chia sẻ với phóng viên, bà Đặng Kim Trâm - con gái út của bà Doãn Ngọc Trâm - cho biết, nhiều năm nay gia đình vẫn liên lạc với cựu binh Ted Engelmann.
"Ted Engelmann biết thông tin mẹ tôi mất qua báo chí, ông ấy xin visa khẩn cấp và bay sang Việt Nam đêm 19/4 để kịp dự tang lễ mẹ. Nhiều năm nay, Ted vẫn nhận mẹ tôi là mẹ của mình nên mọi người đưa cho ông khăn để chịu tang mẹ", bà Kim Trâm nói.
Bà Kim Trâm cho biết thêm ông Ted Engelmann có tình cảm đặc biệt với cụ Doãn Ngọc Trâm. "Cứ vài năm, ông ấy lại sang Việt Nam thăm mẹ, ở với mẹ vài hôm và hai mẹ con rất thân thiết với nhau", bà Kim Trâm thông tin.
Người mẹ cứng rắn, nghị lực
Cụ Doãn Ngọc Trâm sinh ngày 23/12/1925 tại huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam. Bà là giảng viên trường Đại học Dược Hà Nội, vợ của bác sĩ ngoại khoa Đặng Ngọc Khuê (1916-1999).
Bà Kim Trâm cho biết, trong những ngày cuối đời, mẹ bà bị tai biến mạch máu não, điều trị tại bệnh viện 354. Dù được các bác sĩ hết lòng chăm sóc, cụ Doãn Ngọc Trâm đã qua đời khi vừa bước sang tuổi 99.
Trong ký ức của những người con, cụ Doãn Ngọc Trâm là một người điềm đạm, nhân hậu nhưng cũng rất cứng rắn, có nghị lực.
"Các con, cháu thừa hưởng tính kiên cường của mẹ. Mẹ luôn vượt qua mọi khó khăn mà không chịu đầu hàng việc gì cả. Mẹ luôn muốn các cháu học giỏi, làm người tử tế. Những năm cuối đời, mẹ thường làm việc từ thiện giúp đỡ người nghèo.
Mấy năm gần đây, mẹ bị gãy chân không đi được nhưng vẫn ngồi đan áo để gửi cho các cháu học sinh nghèo. Mẹ là người khéo tay, thích đan áo và nấu ăn rất ngon", bà Kim Trâm chia sẻ.
Trong 4 người con của cụ Doãn Ngọc Trâm và bác sĩ Đặng Ngọc Khuê, liệt sĩ Đặng Thùy Trâm là người con duy nhất theo nghề của ba mẹ. Sau khi tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội năm 1966, bác sĩ Đặng Thùy Trâm xung phong vào miền Nam chiến đấu.
Ngày 22/6/1970, bà ngã xuống khi còn rất trẻ, biết bao ước mơ, hoài bão chưa kịp dâng hiến cho đất nước.
Fredric Whitehurst, một lính Mỹ, tại chiến trường Đức Phổ, Quảng Ngãi tính châm lửa đốt quyển sổ tay được bọc bằng vải, thu được sau một trận càn quét, người thông dịch của ông đã cản: "Đừng đốt. Bản thân nó đã có lửa rồi!".
Nghe lời khuyên, người lính Mỹ ấy đã không đốt quyển sổ tay. Đó chính là cuốn nhật ký của liệt sĩ Đặng Thùy Trâm.
Sau này, Nhật ký Đặng Thùy Trâm được xuất bản, đã truyền cảm hứng mạnh mẽ không chỉ cho giới trẻ Việt Nam, mà còn làm lay động trái tim của bao con người yêu chuộng tự do, hòa bình, bác ái trên thế giới.
Từ khi cuốn nhật ký được biết đến, đã có biết bao cuộc vận động, phong trào ý nghĩa được phát động để người trẻ học tập và noi gương người con gái Hà Nội kiên cường, bất khuất.
Theo Dân Trí
Cựu binh Mỹ gặp lại con gái gốc Việt sau 48 năm
Một cựu binh người Mỹ từng tham chiến ở Việt Nam đã tìm ra cô con gái thất lạc nhờ bài xét nghiệm DNA.
Tình yêu say đắm của cựu binh Mỹ và nữ huấn luyện viên thể hình Việt
Kỷ niệm ngày cưới, vợ chồng chị Annie (tên khai sinh là Nguyễn Thị Dân An) cùng nhau tập gym rồi chụp hình làm kỷ niệm.